09:22 03/11/2022

Thận trọng điều chỉnh lộ trình tăng giá dịch vụ do Nhà nước điều tiết như y tế, học phí, điện...

Trâm Anh

Nỗ lực đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát do Quốc hội đề ra, Bộ Tài chính cho biết trong 10 tháng qua, giá các dịch vụ do Nhà nước điều tiết như y tế, giáo dục, đường sắt… đều được giữ nguyên hoặc giảm. Dự kiến giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý giữ ổn định đến hết năm 2022...

Các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường như dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, dịch vụ giáo dục, điện... thận trọng điều chỉnh vào thời điểm phù hợp.
Các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường như dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, dịch vụ giáo dục, điện... thận trọng điều chỉnh vào thời điểm phù hợp.

Nhìn lại giá các dịch vụ do Nhà nước điều tiết 10 tháng qua, Bộ Tài chính khẳng định nhiều giá dịch vụ giữ mức ổn định như giá cước vận tải, giá dịch vụ y tế, học phí cũng được kiểm soát chặt chẽ.

LOẠT DỊCH VỤ GIỮ GIÁ ỔN ĐỊNH TRONG 10 THÁNG

Bộ Tài chính chỉ rõ thứ nhất, giá cước vận tải giảm và ổn định.

Cụ thể, trong lĩnh vực đường sắt, Cục Đường sắt Việt Nam chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải đường sắt thực hiện việc niêm yết công khai giá vé cụ thể theo từng mác tàu tại các nhà ga, tại các điểm bán vé, các đại lý bán vé và các trang website để hành khách đi tàu cập nhật, theo dõi và áp dụng đảm bảo tính khách quan, toàn diện về công tác điều hành giá, thực hiện công tác minh bạch thông tin về giá.

Đáng kể, từ thời điểm giá dầu đồng loạt giảm, các công ty cổ phần vận tải đường sắt thực hiện 2 đợt giảm giá với mức giảm từ 5- 10%.

Tương tự, các mức giá, khung giá dịch vụ chuyên ngành hàng không do Nhà nước định giá vẫn được thực hiện ổn định theo quy định tại Thông tư số 53/2019/TT-BGTVT. Giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa được thực hiện theo cơ chế giá vé linh hoạt nên các hãng hàng không vẫn có thể chủ động điều chỉnh các mức giá và tỷ lệ bán vé tương ứng với từng mức giá để giảm thiểu tác động về chi phí do biến động giá nhiên liệu.

"Trong thời gian qua, các hãng hàng không có kiến nghị về điều chỉnh mức tối đa khung giá dịch vụ vận tải nhưng chưa được xem xét điều chỉnh", Bộ Tài chính cho biết.

Về giá dịch vụ tại cảng biển cũng được Bộ Giao thông vận tải đề nghị các công ty hoa tiêu áp dụng mức thu giá tối thiểu dịch vụ hoa tiêu đối với tàu biển Việt Nam hoạt động nội địa kể từ tháng 7/2022 đến hết ngày 31/12/2022 do Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam, trước tình trạng giá nhiên liệu tăng từ cuối tháng 6.

Ở lĩnh vực vận tải đường thủy nội địa, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chỉ đạo các đơn vị tiếp tục công khai minh bạch các thông tin về giá vé tại các cảng, bến thủy nội địa.

Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc kê khai giá, niêm yết và việc bán vé đúng niêm yết tại các cảng, bến thủy nội địa và các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách trên bến thủy nội địa.

Thứ hai, giá dịch vụ y tế được kiểm soát thận trọng.

Bộ Tài chính cho biết tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá tháng 8, Bộ Y tế đề xuất trong năm 2022 chưa thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bước 3 (tính chi phí quản lý) và bước 4 (tính chi phí khấu hao và chi phí khác) theo lộ trình giá dịch vụ sự nghiệp công quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Đối với giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu, liên doanh, liên kết hiện cũng chưa được Bộ Y tế chưa cập nhật thời điểm điều chỉnh.

Hiện nay, Bộ Y tế đang tiếp tục khảo sát 3.240 nhóm kỹ thuật này để đề xuất số nhóm kỹ thuật cần xây dựng giá và cập nhật lại giá nếu giá hoặc định mức kinh tế kỹ thuật không còn phù hợp.

"Dự kiến trong năm 2023 mới hoàn thành xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật và thực hiện khảo sát xây dựng giá dịch vụ. Do đó, trong năm 2022 sẽ chưa có dấu hiệu điều chỉnh nhóm dịch vụ này", Bộ Tài chính khẳng định.

Bên cạnh đó, giá thuốc cũng không xảy ra tình trạng tăng giá đột biến. Từ đầu năm 2022 đến ngày 15/9, Bộ Y tế tiếp tục kiểm soát chặt chẽ giá thuốc như chỉ đạo của Chính phủ, đặc biệt là các mặt hàng thuộc phòng chống dịch.

Bộ Y tế cũng tiếp nhận, giải quyết việc kê khai, kê khai lại giá thuốc theo quy định tại Nghị định 155/2018/NĐ-CP. Cụ thể, 2.403 hồ sơ kê khai giá thuốc, 202 hồ sơ kê khai lại giá thuốc và 875 hồ sơ đề nghị bổ sung, thay đổi thông tin của thuốc kê khai, kê khai lại được công khai trên Cổng thông tin điện tử của Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế.

Kết quả đấu thầu thầu, đàm phán giá thuốc năm 2022 đạt được nhiều kết quả khả quan. Vừa qua, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu đối với thuốc ARV cho các cơ sở điều trị trên toàn quốc năm 2022 với 01 gói thầu (05/11 mặt hàng thuốc), tổng giá trị khoảng 172,05 tỷ đồng. So với giá kế hoạch thì giá trị trúng thầu các thuốc có tỷ lệ tiết kiệm đạt 0,4%.

Thứ ba, giá dịch vụ giáo dục (học phí) cũng được kiểm soát chặt chẽ.

Trước tình trạng giá các mặt hàng tăng cao, Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ có chỉ đạo, ban hành Nghị quyết giữ ổn định mức học phí năm học 2022-2023 của các cơ sở giáo dục công lập bằng mức học phí năm học 2021-2022 để góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ học sinh và gia đình phụ huynh giảm bớt gánh nặng, ổn định đời sống.

Việc tính giá dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, căn cứ nội dung dự thảo Nghị quyết của Chính phủ do Bộ Lao động -Thương binh - Xã hội phối hợp với Bộ Giáo dục & Đào tạo trình Chính phủ xem xét ban hành, mức trần học phí năm học 2022-2023 (bao gồm quý 4/2022) sẽ giữ nguyên bằng mức trần học phí năm học 2021-2022...

TIẾP TỤC KIỂM SOÁT LỘ TRÌNH TĂNG GIÁ

Chỉ rõ giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý dự kiến giữ ổn định đến hết năm 2022, Bộ Tài chính cho biết giá điện bình quân, giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh theo lộ trình giá dịch vụ sự nghiệp công theo phương án của Bộ Y tế; giá dịch vụ giáo dục dự kiến ổn định tại tất cả cấp học theo phương án của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tại Thông báo số 333/TB-VPCP ngày 25/10/2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá cũng đưa ra yêu cầu đối với các Bộ: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Công Thương và các bộ, ngành, địa phương chủ động trong việc tính toán, chuẩn bị các phương án giá những mặt hàng nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường như dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, dịch vụ giáo dục, điện, để triển khai điều chỉnh vào thời điểm phù hợp với quy định và bối cảnh chung

"Các bộ, ngành, địa phương căn cứ dư địa lạm phát để chủ động chuẩn bị tốt các phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, đánh giá kỹ tác động để thực hiện điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định mức độ điều chỉnh phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường theo đúng quy định", Phó Thủ tướng nêu rõ.