Tháng 7, sản lượng vận tải tăng trưởng ngoạn mục 3 con số
Sản lượng vận tải trong tháng 7 chứng kiến đà tăng trưởng ngoạn mục; trong đó, vận tải hàng hóa tăng gần 80% so với cùng kỳ, vận chuyển hành khách tăng tới gần 300%. Nhiều lĩnh vực ghi nhận mức tăng đột biến như vận chuyển hàng không, đường sắt, đường biển...
Thông tin tại cuộc họp giao ban tháng 7 của Bộ Giao thông vận tải ngày 29/7, đại diện Bộ Giao thông vận tải khẳng định một trong những “điểm sáng” của ngành giao thông vận tải trong 7 tháng đầu năm chính là sự hồi phục nhanh chóng của sản lượng vận tải.
Theo thống kê, lũy kế 7 tháng năm 2022, vận tải hàng hóa ước đạt 1.129 triệu tấn, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước. Luân chuyển hàng hóa lũy kế 7 tháng ước đạt 240 tỷ tấn.km, tăng gần 23%. Trong đó, vận chuyển hàng không tăng 8,6%, đường bộ tăng 16,2%, đường thủy tăng 14,1%, đường biển tăng 23,3% và đường sắt tăng 4,7%.
Riêng tháng 7, vận tải hàng hóa ước đạt hơn 172 triệu tấn, tăng 79% so với cùng kỳ năm trước. Luân chuyển hàng hóa ước đạt 38 tỷ tấn.km, tăng 64,3%. Nổi bật là vận chuyển hành khách tháng 7 ước đạt hơn 368 triệu lượt khách, tăng tới 288,1% so với cùng kỳ.
Nổi bật là vận chuyển hành khách tháng 7 ước đạt hơn 368 triệu lượt khách, tăng tới 288,1% so với cùng kỳ. Lũy kế 7 tháng ước đạt 2.248 triệu lượt khách, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, vận chuyển hàng không tăng 98,5%, đường biển tăng 42,8%, đường sắt tăng 99,7%, đường bộ tăng 19,2% và đường thủy tăng 28%.
Luân chuyển hành khách ước đạt 19,2 triệu hành khách.km tăng 487% so với cùng kỳ, lũy kế 7 tháng ước đạt 107,1 tỷ hành khách.km tăng 37,1% so với cùng kỳ.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho rằng sự tăng trưởng sản lượng vận chuyển đều đạt hai con số ở trên thể hiện lĩnh vực vận tải đang hồi phục nhanh.
Trong đó, có sự đóng góp quan trọng của ngành giao thông vận tải trong việc chỉ đạo triển khai giải pháp giảm chi phí vận tải, chi phí sản xuất kinh doanh để hỗ trợ doanh nghiệp vận tải trước tình trạng giá nhiên liệu tăng cao; yêu cầu các hãng hàng không xử lý chậm, hủy chuyến và nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ hành khách trong dịp cao điểm hè năm 2022…
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng sự rốt ráo của toàn ngành trong việc sửa chữa đường băng, duy tu kịp thời hạ tầng cơ sở đường sá, luồng lạch góp phần đưa lĩnh vực vận tải phục hồi nhanh chóng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh giá nhiên liệu hiện còn cao gây nặng gánh về chi phí hoạt động cho các doanh nghiệp vận tải từ đó gây áp lực tăng cước hàng hoá, dịch vụ khác, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Cục Hàng hải tăng cường quản lý phí và nghiên cứu đề xuất phương án giảm phí tại cảng biển Việt Nam, để giảm phí, quản lý tốt giá, phí mới đi đến được mục tiêu giảm chi phí logistics cho hàng hóa Việt Nam trong bối cảnh “bão giá” hiện nay.
Gần đây, Bộ Giao thông vận tải có văn bản gửi Bộ Tài chính, kiến nghị xem xét, điều chỉnh mức thu một số phí, lệ phí trong lĩnh vực giao thông, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong ngành do gánh nặng chi phí gia tăng vì giá xăng, dầu tăng cao hiện nay.
Theo đó, trong lĩnh vực hàng hải, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị giảm các phí, lệ phí như giảm 20% phí trọng tải tàu, thuyền hoạt động hàng hải nội địa; giảm 20% phí bảo đảm hàng hải hoạt động hàng hải nội địa; giảm 20% lệ phí vào, rời cảng biển hoạt động hàng hải nội địa. Thời gian đề nghị giảm từ tháng 8 đến hết tháng 12/2022.
Cùng với đó, trong lĩnh vực đường bộ, giảm 30% mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải hành khách. Cùng với đó, giảm 10% mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải hàng hóa. Thời gian đề nghị giảm các phí trên đến hết năm 2022.
Trong các lĩnh vực khác như hàng không, đương thuỷ nội địa, đường sắt cũng được đề xuất miễn, giảm mức thu một số phí, lệ phí trong quy định hiện hành...