Tháng Giêng không lễ hội, đền chùa cửa đóng then cài
Đồng loạt dừng tổ chức mọi lễ hội
Thông thường đầu năm, các đền, chùa ở Hà Nội thường rất đông người đến lễ đầu năm. Từ ngày 16/2/2020 (tức Mùng 5 Tết), lãnh đạo thành phố Hà Nội có chỉ thị yêu cầu mọi chùa, đền, di tích lịch sử của Hà Nội phải đóng cửa, tạm dừng các hoạt động tín ngưỡng đầu năm tập trung đông người. Chúng tôi đến các chùa, đền ở Hà Nội như chùa Quán Sứ, chùa Trấn Quốc, Đền Quán Thánh, chùa Tĩnh Lâu, chùa Võng Thị, chùa Vạn Niên, chùa Hà... ghi nhận đều đã "cửa đóng then cài".Tại miền Bắc, những danh lam thắng tích nổi tiếng như Yên Tử, Hương Sơn, Bái Đính, Tam Chúc... là những nơi diễn ra lễ hội tâm linh lớn, kéo dài suốt 3 tháng mùa Xuân. Mỗi địa điểm này đều thu hút hàng triệu lượt du khách hành hương hàng năm. Tuy nhiên, năm nay do thực hiện chỉ đạo của Chính phủ triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch Covid, nên tất cả những danh lam thắng tích này đều tạm dừng hoạt động đón khách.Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Phó trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh cho biết, khu danh thắng Yên Tử không tổ chức khai hội Xuân năm 2021 và tạm dừng đón khách kể từ ngày 15/2/2020. Hội Xuân Yên Tử năm nay chỉ thực hiện nghi thức tâm linh do nội bộ Ban Quản lý di tích và các Chư tăng thực hiện, không có sự tham gia của người dân hay bất cứ du khách nào. Trước đó, lễ hội khai Xuân Yên Tử 2021 dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 21/2 (mùng 10 tháng Giêng năm Tân Sửu), tại Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử (xã Thượng Yên Công, Tp.Uông Bí). Nhưng tất cả mọi kế hoạch sau đó đều hủy bỏ. Theo Thượng tọa Thích Đạo Hiển, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, các chùa trên địa bàn tỉnh đều tổ chức nghi thức cầu nguyện quốc thái dân an, bằng hình thức trực tuyến.
Tại tnh Nam Định, Lễ hội khai ấn đền Trần được UBND Tp.Nam Định và UBND tỉnh Nam Định thông báo không tổ chức khai hội ngay trước khi đợt bùng phát dịch Covid lần thứ 3. Tương tự, phiên chợ Viềng lâu đời trong tỉnh này cho người dân đến mua may mắn đầu Xuân cũng dừng tổ chức.Các lễ hội lớn tại các địa phương khác như khai hội chùa Bái Đính tại Ninh Bình (mùng 6 tháng Giêng); lễ hội Tịch Điền tại Hà Nam (mùng 7 tháng giêng), lễ hội phát lương Đức Thánh Trần đền Trần Thương (14 tháng Giêng), lễ hội khai Xuân chùa Tam Chúc (12 tháng Giêng) tại Hà Nam; lễ hội cướp phết Hiền Quan, lễ hội đúc Bụt tại Phú Thọ; hội Lim, hội đền Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh... cũng hủy tổ chức hoặc không tổ chức khai hội.
Vắng lặng chùa Hương Lễ hội chùa Hương thường diễn ra trong 3 tháng với lễ khai hội ban đầu được dự kiến tổ chức vào ngày mùng 6 tháng Giêng hàng năm. Trước đó, công tác chuẩn bị cho lễ hội chùa Hương Xuân Tân Sửu đã được đảm bảo, chu đáo, công phu, trang trọng. Tuy nhiên, để phòng chống dịch bệnh Covid lây lan trong cộng đồng, UBND huyện Mỹ Đức đã chỉ đạo dừng khai hội lễ hội chùa Hương, không đón khách về tham quan.
Ông Đặng Văn Triều, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức cho biết, ngay từ đầu đợt bùng phát dịch Covid lần thứ ba, địa phương thực hiện rất nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch, đầu tiên là đưa ra quyết định không tổ chức khai hội chùa Hương, sau đó quyết định đóng cửa chùa Hương. Mọi cửa hàng kinh doanh phục vụ lễ hội cũng chủ động ngừng vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm vào khu vực kinh doanh để tránh thiệt hại về kinh tế, đồng thời, có phương án bảo vệ tài sản hiện có của gia đình, đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường. Các hộ gia đình có xuồng, đò không hạ xuống dòng suối Yến để đón khách cho đến khi có thông báo mới."Chúng tôi biết quyết định này sẽ ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội của địa phương, nhưng chúng tôi không đánh đổi sức khỏe người dân lấy kinh tế, nên các biện pháp đưa ra được tiến hành rất nghiêm túc. Cũng rất thuận lợi là người dân rất đồng tình ủng hộ nên việc quản lý cũng bớt khó khăn hơn", ông Triều nói.
Ông Nguyễn Bá Hiển - Trưởng Ban quản lý khu di tích thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương) cho hay, "Đã có một số người dân địa phương bất chấp lệnh cấm, đưa khách vào chùa Hương bằng đường tắt đã bị xử lý hành chính và đưa tin trên loa phát thanh xã Hương Sơn. Cũng theo ông Nguyễn Bá Hiển, việc đóng cửa di tích chùa Hương mùa lễ hội năm nay khiến nhiều người dân trong xã mất đi nguồn lợi kinh tế.Năm ngoái, do ảnh hưởng của Covid, chùa Hương chỉ đón được 388.020 lượt khách, giảm 945.000 người so với năm 2019. Với lượng du khách đến chùa Hương mỗi năm trước đây khoảng 1,3 triệu lượt người, nếu năm nay ngừng đón khách cả năm, thì riêng tiền bán vé thắng cảnh đã thất thu ngân sách gần 70 tỷ đồng. Hơn 5.000 thuyền đò của người dân trong xã Hương Sơn phải ngừng hoạt động, ước tính thất thu gần 200 tỷ đồng; hoạt động kinh doanh ăn uống, buôn bán đồ lễ, phục vụ chỗ nghỉ của người dân ước tính thất thu khoảng 200 tỷ đồng nữa. Như vậy tính tổng thiệt hại có thể lên tới 500 tỷ đồng."Nhưng mọi người đều nghiêm túc chấp hành quy định bởi sinh mạng con người, sức khỏe vẫn là quan trọng nhất. Chính quyền, lực lượng chức năng cũng rất vất vả túc trực suốt kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Gần 200 người ngày đêm trực gần chục chốt chặn, tuần tra trên suối, nhưng vì địa hình phức tạp với sông suối, núi rừng, nhiều đường mòn, lối tắt khó kiếm soát hết, người dân vẫn làm ruộng, làm vườn ở khu vực này nên vẫn phải đi lại dẫn đến tình trạng trà trộn dẫn khách", ông Hiển nói.