Thanh Hóa: 8 đơn vị đội sổ giải ngân vốn đầu tư công
Có 8 đơn vị tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp ở mức dưới 5%, vừa bị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê bình tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh Thanh Hoá tháng 4...
Theo thông tin tại kỳ họp, năm 2023 tỉnh Thanh Hóa được phân bổ, quản lý hơn 12.000 tỷ đồng đầu tư công theo kế hoạch. Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa phân bổ vốn đầu tư công từ cuối năm trước cho chủ đầu tư triển khai thực hiện.
Tính đến ngày 19/4, giá trị giải ngân đầu tư công toàn tỉnh Thanh Hóa đạt 2.122 tỷ đồng, bằng 17,2% kế hoạch vốn chi tiết được giao. Một số chủ đầu tư cấp tỉnh có tỷ lệ giải ngân cao là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Thanh Hóa đạt 71,6%; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đạt 67,1%; Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đạt 48,2%; Sở Công thương đạt 46,2% kế hoạch vốn giao.
Với kết quả không mấy tích cực này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa phê bình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Thanh Hóa, các huyện: Ngọc Lặc, Lang Chánh, Mường Lát, Thường Xuân, Hậu Lộc, thị xã Nghi Sơn có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp, mới đạt 0,1 đến 5,5% kế hoạch vốn giao chi tiết; phê bình các huyện: Lang Chánh, Như Thanh, Mường Lát, Quan Hóa, thị xã Bỉm Sơn có tỷ lệ giải phóng mặt bằng đạt từ 0,3 đến 13% kế hoạch, đặc biệt huyện Hậu Lộc chưa giải phóng được mét mặt bằng nào, tính đến thời điểm 15/4/2023.
Liên quan đến vấn đề trên, thời điểm tháng 3 vừa qua, tại Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh về tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh đến một số tồn tại cụ thể như 37 dự án đầu tư công trên toàn tỉnh còn chưa có quyết định đầu tư, nhiều dự án còn vướng mắc trong quá trình triển khai. So với cùng kỳ có tăng, nhưng so với cả nước vẫn còn chậm. 934 dự án vẫn chưa xong hồ sơ quyết toán, nên vẫn chưa giải ngân được. Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Sở Tài chính tập trung đốc thúc giải quyết nhanh 934 hồ sơ quyết toán này để đảm bảo nguồn vốn giải ngân kịp tiến độ.
Về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, nhất là người đứng đầu đơn vị, địa phương, ông Đỗ Minh Tuấn chỉ rõ còn chưa làm hết trách nhiệm với các dự án đầu tư công. Các Ban Quản lý dự án, các đơn vị chủ thầu xây dựng còn hạn chế về năng lực. Nếu đơn vị nào không đủ năng lực, cần xem xét điều chuyển đơn vị khác làm thay.
UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ tiến hành giao ban định kỳ 3 tháng một lần hoặc có thể giao ban khi cần thiết để kịp thời giải quyết khó khăn cho việc triển khai giải ngân vốn đầu tư công. Cuối năm sẽ tổng kết xem xét, khen thưởng hay xử lý kỷ luật theo đúng quy định. Trong quá trình thực hiện, các địa phương có khó khăn vướng mắc có thể báo cáo trực tiếp hoặc điện thoại lên sở, ngành liên quan. Các sở, ngành phải nhanh chóng giải quyết, trả lời cho địa phương được biết. Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ngành liên quan cần phải phối hợp chặt chẽ, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Tỉnh Thanh Hóa thành lập 5 tổ công tác tăng cường kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Các lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa trực tiếp làm tổ trưởng các tổ công tác, tăng cường đi cơ sở, chỉ đạo, đôn đốc thực thi các giải pháp thúc đẩy tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ vướng mắc nảy sinh trong giải phóng mặt bằng, bảo đảm tiến độ thực hiện các dự án.