11:03 04/03/2019

Thanh Hóa dẫn đầu về chỉ số sản xuất công nghiệp trong hai tháng đầu năm

Duyên Duyên

Hai tháng đầu năm 2019, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước

Một số ngành có chỉ số sản xuất 2 tháng đầu năm 2019 tăng cao so với cùng kỳ năm trước là sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế... Ảnh minh họa
Một số ngành có chỉ số sản xuất 2 tháng đầu năm 2019 tăng cao so với cùng kỳ năm trước là sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế... Ảnh minh họa

Thanh Hóa và Hà Tĩnh là hai tỉnh đứng đầu cả nước về chỉ số sản xuất công nghiệp hai tháng năm 2019 nhờ đóng góp của Lọc hóa dầu Nghi Sơn và Formosa.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 2/2019 ước tính giảm 16,8% so với tháng trước do tháng Hai năm nay trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

So với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng Hai tăng 10,3%, trong đó ngành khai khoáng giảm 5%; ngành chế biến, chế tạo tăng 12,8%; sản xuất và phân phối điện tăng 10,9%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,2%.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2019, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 13,7% của cùng kỳ năm 2018.

Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 11,5%, đóng góp 8,9 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,5%, đóng góp 0,9 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,9%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 4,7%, làm giảm 0,7 điểm phần trăm mức tăng chung.

Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 2 tháng đầu năm 2019 tăng cao so với cùng kỳ năm trước là sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế; sản xuất kim loại; thoát nước và xử lý nước thải; sản xuất xe có động cơ; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế...

Một số ngành có mức tăng thấp hoặc giảm là khai thác, xử lý và cung cấp nước; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc, thiết bị; sản xuất sản phẩm thuốc lá; khai thác quặng kim loại; hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ và quặng; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên; khai khoáng khác (đá, cát, sỏi...).

Đáng chú ý, một số ngành chiếm tỷ trọng lớn trong toàn ngành công nghiệp có tốc độ tăng chỉ số sản xuất 2 tháng đầu năm 2019 thấp hơn khá nhiều so với cùng kỳ năm 2018 như sản xuất các sản phẩm từ chất khoáng phi kim loại; giấy và các sản phẩm từ giấy; sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học; sản phẩm kim loại đúc sẵn; khai thác quặng kim loại; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu...

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 2 tháng đầu năm nay tăng cao so với cùng kỳ năm trước là khí hóa lỏng (LPG); xăng, dầu; sắt, thép thô; ti vi; phân u rê; sơn hóa học; ô tô; bột ngọt...

Trong hai tháng đầu năm 2019, chỉ số sản xuất công nghiệp của 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó Thanh Hóa là địa phương có tốc độ tăng cao nhất với mức 46,7% do Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn mới đi vào sản xuất từ giữa năm 2018.

Đứng thứ hai là Hà Tĩnh tăng 46,2% do đóng góp của Tập đoàn Formosa. Riêng Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 3% do khai thác dầu thô giảm và Hòa Bình giảm 5,3% do sản lượng điện của Nhà máy thủy điện Hòa Bình giảm.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/2/2019 tăng 2,3% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 0,3%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 2,3%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 2,7%.

Tại thời điểm trên, lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng tăng 0,2% so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 2,3%; ngành sản xuất, phân phối điện và ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải cùng tăng 1,9%.