07:59 10/12/2022

Thanh Hóa gỡ nút thắt, biến cơ chế đặc thù thành “tiền tươi thóc thật”

Thiên Anh

Cục Hải quan Thanh Hóa đề xuất, việc xác định nguồn tăng thu hàng năm từ hoạt động xuất nhập khẩu qua Cảng Nghi Sơn cần được tính toán đơn giản. Theo đó, số tiền được giữ lại ngân sách địa phương để đầu tư hạ tầng trong Khu kinh tế Nghi Sơn ước tính từ 5.000 đến 5.500 tỷ...

Hoạt động xếp dỡ hàng hóa tại Cảng Nghi Sơn
Hoạt động xếp dỡ hàng hóa tại Cảng Nghi Sơn

Nghị quyết số 37/2021 của Quốc Hội khóa 15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa cho phép địa phương hàng năm được giữ lại 70% số tăng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu qua Cảng Nghi Sơn để đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hoàn thành việc di dân, tái định cư nhằm tạo quỹ đất sạch cho việc thu hút đầu tư các dự án trọng điểm tại Khu kinh tế Nghi Sơn.

Tuy nhiên cho đến nay, Bộ Tài Chính, Tổng cục Hải quan và UBND tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa thống nhất được phương pháp xác định, bóc tách cụ thể số tăng thu năm 2022, làm tiền đề cho việc tạo nguồn vốn triển khai “cuộc cách mạng” về hạ tầng tại khu kinh tế Nghi Sơn, tạo động lực mới để thu hút “đại bàng” về “xây tổ”.

GỠ NÚT THẮT CƠ CHẾ

Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa ước tính số tăng thu của hàng hóa XNK qua cảng biển Nghi Sơn so với 2021 dự kiến khoảng 7.500 - 8000 tỷ đồng. Theo đó, có thể thấy việc có hướng dẫn về phương pháp xác định số thu NSNN làm cơ sở tính “số tăng thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn” và “thuế GTGT của hàng hóa nhập khẩu để đầu tư hình thành tài sản cố định hoặc để sản xuất hàng hóa xuất khẩu được ngân sách trung ương hoàn thuế GTGT” theo khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 37/2021/QH15 của Quốc hội là rất cấp thiết.

Từ đó, làm cơ sở xác định số tăng thu của hàng hóa XNK qua cảng biển Nghi Sơn nhằm đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hoàn thành việc di dân, tái định cư trong Khu kinh tế Nghi Sơn.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa có những giải pháp cụ thể như việc tiếp tục gặp gỡ trực tiếp với bộ, ngành có liên quan để xử lý sớm các vướng mắc có liên quan để hướng dẫn phương pháp tính toán, xác nhận số tăng thu qua cảng biển Nghi Sơn làm cơ sở dự toán kinh phí để đảm bảo việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 37/2021/QH15.

Theo đề xuất của Cục Hải quan Thanh Hóa, để tháo gỡ nút thắt cho việc thực hiện Nghị quyết 37, việc xác định nguồn tăng thu hàng năm từ hoạt động xuất nhập khẩu qua Cảng Nghi Sơn cần được tính toán đơn giản. Theo đó, số tăng thu hàng năm được xác định bằng cách lấy tổng nguồn thu thông quan tại Cửa khẩu hải quan khu vực Nghi Sơn năm sau trừ đi năm trước.

Như vậy, năm 2022, số tăng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu này ước tính khoảng 7.500 – 8.000 tỷ, số được giữ lại ngân sách địa phương để đầu tư hạ tầng trong Khu kinh tế Nghi Sơn ước tính từ 5.000 đến 5.500 tỷ.

Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh Ủy Thanh Hóa đã thống nhất chủ trương Đề án đầu tư giải phóng mặt bằng các khu công nghiệp trong Khu kinh tế Nghi Sơn với tổng quy mô khoảng 1548 ha.

Việc giải phóng mặt bằng tại các Khu công nghiệp trong Khu kinh tế Nghi Sơn tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư phát triển là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng xem đây là “cuộc cách mạng” về hạ tầng tại khu kinh tế trọng điểm này.

Trong đó, Khu công nghiệp số 20 có tổng diện tích 604 ha, Khu công nghiệp số 21 có tổng diện tích 395 ha, là các khu công nghiệp tập trung đa ngành gồm: Công nghiệp nhẹ, công nghiệp phụ trợ, tổng kho đông lạnh...

Khu công nghiệp số 6 có tổng diện tích 549 ha, có tính chất quan trọng, phù hợp với định hướng phát triển, thu hút đầu tư tại Khu kinh tế Nghi Sơn theo điều chỉnh quy hoạch.

Theo khái toán sơ bộ, để hoàn thành việc giải phóng mặt bằng 3 khu công nghiệp trên cần nguồn kinh phí không dưới 12.000 tỷ đồng.

Liên quan đến việc gỡ nút thắt, xác định phương pháp tăng thu hàng năm qua Cảng Nghi Sơn, ông Nguyễn Văn Tứ, Giám đốc Sở Tài chính Thanh Hóa cho biết: Nghị quyết 37 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế đặc thù cho Thanh Hóa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công cuộc xây dựng Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc.

Tuy nhiên, sau khi Nghị quyết được thông qua thì Chính phủ chưa ban hành Chương trình hành động cụ thể. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan cũng chưa ban hành các hướng dẫn thực hiện. Trong chức năng nhiệm vụ của mình, Sở Tài chính sẽ tham mưu cho UBND tỉnh đề xuất với Trung ương các phương án phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành để Nghị quyết sớm đi vào đời sống, biến cơ chế đặc thù thành nguồn lực hiện hữu để đầu tư phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.

ĐA DẠNG HÓA HÀNG HÓA XUẤT NHẬP KHẨU QUA CẢNG NGHI SƠN

Nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu và phát huy hiệu quả chính sách tăng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh việc hỗ trợ các phương tiện vận tải biển, doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa bằng container qua Cảng Nghi Sơn.

Mới đây, tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan thực hiện các nhiệm vụ nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu và phát huy hiệu quả chính sách tăng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn, tạo điều kiện thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc.

Cụ thể, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa thường xuyên rà soát, đánh giá tình hình kết quả thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu để tham mưu cho UBND tỉnh có kế hoạch, giải pháp mở rộng khai thác và nuôi dưỡng nguồn thu, phấn đấu tăng thu so với dự toán Trung ương giao; tổng hợp kết quả công tác quản lý thu từ hoạt động xuất nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn và thu chi ngân sách hàng năm, báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh.

Hàng năm, phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các KCN tham mưu cho UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ các phương tiện vận tải quốc tế và nội địa; hỗ trợ doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa bằng container qua Cảng biển Nghi Sơn.

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và VCCI Thanh Hóa tăng cường công tác tuyên truyền chính sách về môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, các chính sách hỗ trợ của địa phương đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư vào Khu kinh tế Nghi Sơn nói chung và hoạt động xuất nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn nói riêng; Tiếp nhận thông tin và phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; thông báo, công khai kết quả xử lý tới doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các KCN phối hợp với các sở, ngành có liên quan trong việc theo dõi, đánh giá tình hình hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh qua Cảng biển Nghi Sơn; nắm bắt nhu cầu vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp trong tỉnh và các khu vực lân cận, khả năng đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp kinh doanh cảng tại Cảng biển Nghi Sơn để có những giải pháp đáp ứng về cơ sở hạ tầng và thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn.

Ngoài ra, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng chỉ định Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông vận tải, Sở Công Thương, Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa khẩn trương, nghiêm túc triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ liên quan; kịp thời báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh những vấn đề vượt thẩm quyền.

Được biết, thời gian qua nhiều chính sách hỗ trợ quan trọng đối với doanh nghiệp đã được tỉnh Thanh Hóa áp dụng, đơn cử như tăng mức hỗ trợ các phương tiện vận tải biển quốc tế qua cảng Nghi Sơn lên 500 triệu đồng/chuyến (tăng 300 triệu đồng/chuyến so với chính sách hỗ trợ trước đó).

Đồng thời, bổ sung chính sách hỗ trợ các phương tiện vận tải nội địa bằng container 300 triệu đồng/chuyến. Các doanh nghiệp vận tải hàng hóa bằng container qua Cảng Nghi Sơn cũng được hỗ trợ 2 triệu đồng/container 20 feet và 3 triệu đồng/container 40 feet khi mở tờ khai tại Hải quan Thanh Hóa; hỗ trợ 700.000 đồng/container 20 feet và 1 triệu đồng/container 40 feet khi doanh nghiệp không mở tờ khai tại Hải quan Thanh Hóa.

Thanh Hóa kỳ vọng thời gian tới sẽ tiếp tục thu hút hãng tàu trong nước và quốc tế đến tìm hiểu, đầu tư, giải quyết thêm nhiều việc làm cho người lao động, tăng thu ngân sách, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của Nghi Sơn.