06:00 12/11/2022

Thanh Hóa sẽ làm “cuộc cách mạng” thay đổi về hạ tầng Khu kinh tế Nghi Sơn

Thiên Anh

Ngày 10-11, dưới sự chủ trì của đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa được tổ chức để cho ý kiến vào các nội dung liên quan đến Đề án giải phóng mặt bằng các khu công nghiệp trong Khu kinh tế Nghi Sơn và nhiều đề án, tờ trình quan trọng khác...

Một góc Khu kinh tế Nghi Sơn
Một góc Khu kinh tế Nghi Sơn

Thanh Hóa hiện có 25 khu công nghiệp thuộc Khu kinh tế Nghi Sơn với diện tích khoảng 9.057,9 ha và đã phê duyệt quy hoạch phát triển 8 khu công nghiệp ngoài Khu kinh tế Nghi Sơn với tổng diện tích 2.035 ha.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến khó thu hút vốn FDI vào Thanh Hóa thời gian qua là việc xây dựng cơ sở hạ tầng một số khu công nghiệp, đặc biệt là hạ tầng các khu công nghiệp trong Khu kinh tế Nghi Sơn vẫn chưa hoàn thiện và chậm tiến độ so với giấy phép đã được phê duyệt.

Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh uỷ được tổ chức để cho ý kiến vào các nội dung liên quan đến các đề án, đồ án, tờ trình của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh
Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh uỷ được tổ chức để cho ý kiến vào các nội dung liên quan đến các đề án, đồ án, tờ trình của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh

Việc giải phóng mặt bằng tại các Khu công nghiệp trong Khu kinh tế Nghi Sơn tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư phát triển là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, Khu công nghiệp số 20 có tổng diện tích 604 ha, Khu công nghiệp số 21 có tổng diện tích 395 ha, là các khu công nghiệp tập trung đa ngành gồm: Công nghiệp nhẹ, công nghiệp phụ trợ, tổng kho đông lạnh...

Khu công nghiệp số 6 có tổng diện tích 549 ha, có tính chất quan trọng, phù hợp với định hướng phát triển, thu hút đầu tư tại Khu kinh tế Nghi Sơn theo điều chỉnh quy hoạch.

Các khu công nghiệp trên có vị trí quan trọng, là điểm nhấn thu hút các dự án của các nhà đầu tư tiềm năng để phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung. Hiện nay vị trí của 3 khu công nghiệp này được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu, nghiên cứu để đầu tư. Vì thế, việc tạo mặt bằng sạch hứa hẹn sẽ là nơi các “đại bàng” tìm đến “xây tổ”.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng nêu rõ: Ban Thường vụ Tỉnh ủy cơ bản thống nhất với Đề án. Tuy nhiên, cần phải làm rõ, lý giải vì sao phải lựa chọn ưu tiên đầu tư, giải phóng mặt bằng khu công nghiệp số 6, số 20, số 21. Cùng với đó, trong đề án cần phải đặt vấn đề về mặt nhận thức, việc giải phóng mặt bằng các khu công nghiệp trên là “cuộc cách mạng” làm thay đổi một lần nữa về hạ tầng tại Nghi Sơn.

Bí thư tỉnh uỷ Thanh Hoá Đỗ Trọng Hưng cho rằng việc lựa chọn vị trí để xây dựng Khu tái định cư cần phải được công khai với người dân; bên cạnh đó cần quan tâm đến các chế độ, chính sách để người dân được thụ hưởng những thành quả khi đã nhường đất để xây dựng các KCN.
Bí thư tỉnh uỷ Thanh Hoá Đỗ Trọng Hưng cho rằng việc lựa chọn vị trí để xây dựng Khu tái định cư cần phải được công khai với người dân; bên cạnh đó cần quan tâm đến các chế độ, chính sách để người dân được thụ hưởng những thành quả khi đã nhường đất để xây dựng các KCN.

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng lưu ý rằng việc giải phóng mặt bằng, xây dựng tái định cư cho người dân là vấn đề khó nhất, nếu không có tái định cư thì không bao giờ giải phóng được mặt bằng. Vì vậy cần phải làm có những giải pháp để làm tốt công tác tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận trong Nhân dân.

Trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng phải minh bạch, rõ ràng, đồng thời tổ chức để người dân được đến thăm vị trí và tham gia ý kiến xây dựng khu tái định cư mà mình đến định cư và sinh sống.

Việc xây dựng Khu tái định cư cần phải được công khai với người dân. Bên cạnh đó cần quan tâm đến các chế độ, chính sách để người dân được thụ hưởng những thành quả khi đã nhường đất để xây dựng các khu công nghiệp.

Cùng với đó, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa nhấn mạnh Đề án phải cụ thể hóa, quan tâm đến sinh kế để người dân. Trong đó, việc chuyển đổi nghề để ổn định cuộc sống ngay trong khu tái định cư phải được đặt lên hàng đầu.  

Được biết, Khu kinh tế Nghi Sơn đã thu hút được xấp xỉ 14 tỉ đô la từ các dự án đầu tu nước ngoài trên địa bàn. Trong số đó phải kể đến dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn có tổng mức đầu tư 9 tỉ đô la, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2 có tổng mức đầu tư 2,8 tỉ đô la, Nhà máy xi măng Nghi Sơn có tổng mức đầu tư 650 triệu đô.

Các dự án này đang đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Thanh Hóa. Chỉ riêng Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn năm 2022 có thể đóng góp 21.000 tỉ vào ngân sách địa phương. Bên cạnh các dự án FDI lớn, rất nhiều các nhà đầu tư trong nước cũng đã lựa chọn Nghi Sơn làm điểm đến.

Với việc gỡ “nút thắt” cho công tác giải phóng mặt bằng trong Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa kỳ vọng sẽ tạo ra hấp lực mới để thu hút nhứng nhà đầu tư tiềm năng tạo ra sự chuyển biến rõ rệt trong bức tranh kinh tế xã hội của địa phương trong thời gian tới.