Thanh Hóa khẩn trương gia cố, bảo vệ các tuyến đê
Do mực nước sông Mã lên nhanh đã khiến cho nước tràn qua miệng cống Nổ thuộc xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc ngấm vào thân đê, lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa và nhân dân tích cực triển khai khắc phục sự cố...
Ngay sau khi phát hiện sự cố, UBND huyện Vĩnh Lộc đã chỉ đạo xã Vĩnh An triển khai phương án “4 tại chỗ”, huy động các lực lượng chức năng và nhân dân tích cực triển khai khắc phục sự cố. Đồng thời báo cáo kịp thời với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa để có phương án chỉ đạo.
Ngay trong đêm 23/9, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Thanh Hóa Lại Thế Nguyên đến trực tiếp chỉ đạo khắc phục sự cố, ông Nguyên yêu cầu huyện Vĩnh Lộc, xã Vĩnh An và các xã lân cận huy động lực lượng, phương tiện, vật liệu để khắc phục ngay sự cố.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa đã huy động 100 cán bộ, chiến sĩ kết hợp với lực lượng địa phương phân công nhiệm vụ tập kết đất, cát, bao tải gia cố ngăn nước tràn qua miệng cống Nổ cũng như tình trạng thấm nước vào chân đê, nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân và tài sản.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa vừa có công điện số 16-CĐ/TU về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục thiệt hại do mưa, lũ, ngập lụt, sạt lở đất gây ra trên địa bàn tỉnh.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa yêu cầu Ban Thường vụ các huyện, thị, thành ủy khẩn trương phân công các lãnh đạo huyện và các phòng, ban, đơn vị có liên quan trực tiếp xuống địa bàn các xã, phường, thị trấn để theo dõi, nắm chắc diễn biến của mưa, lũ, ngập lụt, sạt lở đất và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó kịp thời, phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương, bảo đảm an toàn tính mạng, giảm thiểu thiệt hại về tài sản của nhân dân và nhà nước trên địa bàn.
Đối với các địa phương có đê, khẩn trương chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn phân công, tổ chức lực lượng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, bộ phận chuyên trách quản lý đê điều của Trung ương, của Tỉnh trên địa bàn để triển khai công tác tuần tra, canh gác đê, bảo vệ đê ngay khi có báo động lũ từ cấp I trở lên. Phát hiện, báo cáo kịp thời về các hư hỏng của đê điều đến các cơ quan chức năng, đặc biệt là các hư hỏng, sự cố có nguy cơ đe dọa an toàn của công trình để tổ chức khắc phục, xử lý ngay từ những giờ đầu, bảo đảm tuyệt đối an toàn các công trình đê điều trên địa bàn toàn tỉnh.
Các địa phương khẩn trương thống kê thiệt hại do mưa, lũ, ngập lụt, sạt lở đất gây ra trên địa bàn và đề xuất nhu cầu hỗ trợ từ tỉnh , gửi báo cáo về Văn phòng thường trực Chỉ huy phòng, chống thiên tai tỉnh, Văn phòng thường trực Chỉ huy phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, hoàn thành trước 15 giờ ngày 24/9/2024.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa giao Ban Cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo thống kê, cập nhật đầy đủ thiệt hại do mưa, lũ, ngập lụt, sạt lở đất gây ra trên địa bàn toàn tỉnh và tham mưu, đề xuất các biện pháp, giải pháp xử lý, khắc phục; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa thống kê nhu cầu hỗ trợ của các địa phương và đề xuất phương án phân bổ, hỗ trợ; báo cáo Thường trực Tỉnh ủy trước 15 giờ ngày 25/9/2024.