18:53 23/09/2024

Thanh Hóa sơ tán gần 5.000 người, khẩn trương bảo vệ các điểm đê xung yếu

Nguyễn Thuấn - Thiên Anh

Trước diễn biến phức tạp do mưa lũ gây ra, tỉnh Thanh Hóa đã sơ tán 1.200 hộ dân, với gần 5.000 nhân khẩu đến nơi an toàn. Bộ Nông nghiệp và Nông thôn cũng vừa công văn chỉ đạo tỉnh Thanh Hóa khẩn trương thực hiện các biện pháp bảo vệ hệ thống đê điều trước tình hình lũ trên các sông Bưởi, sông Mã, và sông Chu đang lên cao.

Công an xã Pù Nhi, huyện Mường Lát di dời người và tài sản của Nhân dân đến nơi tránh trú an toàn
Công an xã Pù Nhi, huyện Mường Lát di dời người và tài sản của Nhân dân đến nơi tránh trú an toàn

Hiện nay, mưa lớn kèm nước lũ từ thượng nguồn đổ về khiến mực nước trên các sông, suối tại Thanh Hóa dâng cao.

Cụ thể, mực nước sông Mã trên báo động 3 (0,1m); sông Lèn dưới báo động 2 (0,37m); sông Bưởi trên báo động 2 (0,19m); sông Cầu Chày trên báo động 1 (0,49m); sông Chu trên báo động 2. Mưa lũ phức tạp còn gây ra tình trạng ngập lụt, sạt lở đất tại nhiều địa bàn, nhất là các huyện miền núi của Thanh Hóa.

Nước sông Mã dâng cao gây ngập lụt tại phường Thiệu Dương, thành phố Thanh Hóa
Nước sông Mã dâng cao gây ngập lụt tại phường Thiệu Dương, thành phố Thanh Hóa

Đến trưa 23/9, để đảm bảo an toàn tính mạng, nhiều địa phương tại Thanh Hóa đã sơ tán hơn 1.200 hộ dân với gần 5.000 nhân khẩu sinh sống dọc các vùng ven sông, suối có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét. Cụ thể, huyện Quan Sơn 116 hộ, với 543 khẩu; Quan Hóa 71 hộ với 279 khẩu; Mường Lát 443 hộ, 1.479 khẩu; Lang Chánh 7 hộ, 28 khẩu; Bá Thước 14 hộ, 55 khẩu; Ngọc Lặc 53 hộ, 198 khẩu; Thạch Thành 54 hộ, 186 khẩu; Thọ Xuân 252 hộ, 953 khẩu; Thường Xuân 273 hộ, 1.057 khẩu.

Hồ Cửa Đạt xả lũ
Hồ Cửa Đạt xả lũ

Mưa lũ còn khiến 113 căn nhà của người dân trên địa bàn huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa bị tốc mái, sạt lở; 12ha lúa bị ngập; 7 điểm trường bị ảnh hưởng do sạt lở đất; các tuyến quốc lộ 15C, 16 đi huyện Mường Lát, đường 217 đi Quan Sơn đã bị sạt lở một số điểm gây cô lập, chia cắt nhiều thôn bản.

Theo tổng hợp của Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 và đợt không khí lạnh, từ ngày 21 - 23/9, trên các tuyến quốc lộ xảy ra sạt taluy dương, sạt lở đá lăn, sa bồi mặt đường, sa bồi rãnh dọc 182 vị trí, nhiều đoạn chưa thông được tuyến.

Quốc lộ 15C đoạn qua huyện biên giới Mường Lát có nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng 
Quốc lộ 15C đoạn qua huyện biên giới Mường Lát có nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng 

Cụ thể, Quốc lộ 15 xảy ra 10 vị trí bị sạt lở, khối lượng khoảng 4.100m3, hiện còn 2 vị trí tại Km35+950, Km39+580 địa phận thị trấn Hồi Xuân (Quan Hóa) đang tắc đường.

Tại Quốc lộ 15C xảy ra sạt lở tại 140 vị trí, khối lượng khoảng 46.481m3, hiện còn lại 4 vị trí qua địa bàn huyện Mường Lát đang tắc đường. Quốc lộ 16 xảy ra sạt lở 9 vị trí; Quốc lộ 217 xảy ra 16 vị trí; Quốc lộ 47 xảy ra 7 vị trí…

Theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa, khi mưa lũ xảy ra, Sở đã chỉ đạo ban quản lý bảo trì, các đơn vị quản lý đường bộ, đường thủy nội địa khẩn trương triển khai kiểm tra, hốt sa bồi, cắm biển cảnh báo, rào chắn tại các vị trí sạt lở, sụt trượt, đường tràn ngập sâu,...

Đồng thời, Sở này cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, bố trí người trực gác, hướng dẫn giao thông nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông trên tuyến.

 

Chiều 23/9, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đã ký công văn gửi UBND tỉnh Thanh Hóa về việc khẩn trương thực hiện các biện pháp bảo vệ hệ thống đê điều trước tình hình lũ trên các sông Bưởi, sông Mã, và sông Chu đang lên cao.

Theo công văn, vào lúc 13 giờ ngày 23/9, mực nước trên sông Bưởi tại Kim Tân đạt 11,73m, dưới báo động 3 là 0,27m. Trên sông Mã tại Cẩm Thủy, mực nước là 20,16m, dưới báo động 3 là 0,04m; tại Lý Nhân là 11,01m, vượt báo động 2 là 0,01m. Còn trên sông Chu tại Bái Thượng, mực nước là 17,96m, dưới báo động 3 là 0,04m.

Để đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chính quyền các cấp và cơ quan chức năng kiểm tra và bảo vệ các điểm đê xung yếu; rà soát phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều, đặc biệt các công trình đã xảy ra sự cố và chưa được khắc phục, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng vật tư, lực lượng và phương tiện để xử lý kịp thời.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn yêu cầu tổ chức tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều theo quy định, đồng thời, theo dõi tình hình mực nước lũ và báo cáo kịp thời về Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thông qua Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai.

Trong công văn có đoạn nhấn mạnh, UBND tỉnh Thanh Hóa cần khẩn trương thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều, ngăn ngừa các rủi ro do lũ lụt gây ra.