Thanh Hóa: Thành lập 2 cụm công nghiệp diện tích hơn 92 ha
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ký quyết định thành lập Cụm công nghiệp Thạch Bình, huyện Thạch Thành và Cụm công nghiệp số 2 Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa...
Trong đó, Cụm công nghiệp Thạch Bình, huyện Thạch Thành có diện tích sử dụng đất khoảng 68,74 ha. Tổng mức đầu tư xây dựng khoảng 490 tỷ đồng, chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật là Công ty TNHH FDI Thạch Bình.
Về thời gian thực hiện, trước quý 4/2023 phải hoàn thành các thủ tục đầu tư; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và thuê đất với nhà nước, đến quý 2/2025 hoàn thành công trình đưa vào sử dụng. Ngành nghề hoạt động chính trong cụm công nghiệp là phục vụ sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng; điện tử; cơ khí; sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn; may mặc, da giày; chế biến nông, lâm sản…
Còn Cụm công nghiệp số 2 Vạn Hà huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa có diện tích sử dụng đất khoảng 23,36 ha được triển khai xây dựng trên địa bàn xã Thiệu Phú, huyện Thiệu Hóa.
Tổng mức đầu tư là 189 tỷ đồng và Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và phát triển Lam Kinh là đơn vị thực hiện xây dựng phần hạ tầng kỹ thuật. Cụm công nghiệp Vạn Hà có ngành nghề hoạt động là sản xuất hàng chăn ga, thời trang may mặc và giầy da, nội thất, điện, điện tử, cơ khí, chế biến nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ (không được thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp đối với các cơ sở sản xuất, kho tàng có mức độ độc hại cấp I, cấp II theo quy định tại mục 2.5.1 của QCVN 01:2021/BXD; các dự án sản xuất giấy, bột giấy, các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng)…
Tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật bắt đầu từ tháng 11/2022 và đến tháng 3/2025 hoàn thành công trình mời nghiệm thu và đưa vào sử dụng.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Thanh Hóa, tính tới tháng 7/2022, trên địa bàn tỉnh đã thành lập được 38 cụm công nghiệp với tổng diện tích gần 1.400 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 9.875 tỷ đồng. Cụ thể có 5 cụm công nghiêp cơ bản hoàn thành đầu tư hạ tầng, đủ điều kiện cho nhà đầu tư thứ cấp thuê lại đất; 5 cụm công nghiệp đang đầu tư hạ tầng; 7 cụm công nghiệp đang thực hiện các thủ tục đầu tư và giải phóng mặt bằng; 13 cụm công nghiệp đang chờ chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa để hoàn chỉnh thủ tục đầu tư; 4 cụm công nghiệp đang chờ phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2022 để hoàn chỉnh hồ sơ trình chuyển mục đích sử dụng đất lúa; 4 cụm công nghiệp chủ đầu tư chưa tích cực triển khai hoặc quá chậm tiến độ…
Địa phương này cho biết, để phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn, thời gian qua đang tập trung giải quyết một số vấn đề còn khó khăn như: việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa; khối lượng hồ sơ, thủ tục đầu tư; giá đất tại các cụm công nghiệp...