10:18 19/11/2023

Thanh Hóa tăng cường giám sát các mỏ khoáng sản từ "mắt thần"

Nguyễn Thuấn

Nhằm tăng cường kiểm soát, giám sát chặt chẽ hơn các hoạt động khai thác tại các mỏ khoáng sản trên địa bàn, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa vừa có chỉ đạo các đơn vị chủ mỏ thực hiện nghiêm túc việc lắp đặt trạm cân và camera theo đúng quy định...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo số liệu thống kê của tỉnh Thanh Hóa, tỉnh này hiện có khoảng hơn 300 mỏ khoáng sản đang hoạt động, góp phần tạo việc làm cho hàng ngàn lao động có thu nhập ổn định, bình quân mỗi doanh nghiệp khoảng 25 lao động, thu nhập bình quân gần 7,5 triệu đồng/người/tháng. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh khoáng sản theo đúng quy định của pháp luật đã mang lại hiệu quả, đóng góp cho ngân sách nhà nước, hỗ trợ các địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi xã hội.

Tuy nhiên, vẫn còn doanh nghiệp khai thác khoáng sản chưa thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật như khai thác vượt ra ngoài mốc giới được cấp phép; khai thác không đúng trình tự, phương pháp, chưa đúng thiết kế mỏ đã được thẩm định, phê duyệt; tình trạng các phương tiện vận chuyển khoáng sản quá trọng tải gây hư hỏng đường giao thông; một số đơn vị chưa thực hiện đầy đủ các giải pháp bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác, vận chuyển, gây ô nhiễm môi trường...

Theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa, trong năm 2022 các phòng, ban chức năng của sở đã thực hiện 23 cuộc kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo của UBND tỉnh, thông tin phản ánh của báo chí, người dân về tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Qua đó phát hiện và xử lý hoặc kiến nghị xử lý nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm, trong đó sở tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử phạt theo thẩm quyền 16 vụ với tổng số tiền hơn 2,6 tỷ đồng.

Từ đầu năm 2023 đến nay, sở này đã phối hợp với ngành chức năng tiến hành nhiều đợt thanh, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường của nhiều doanh nghiệp. Sau các đợt thanh, kiểm tra, một số doanh nghiệp đã bị UBND tỉnh Thanh Hóa phạt nặng, với số tiền hàng trăm triệu đồng.

Đơn cử như mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang đã ký Quyết định số 2528/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Trung Nam số tiền 650 triệu đồng vì khai thác đá vượt công suất 95,6% tại mỏ đá vôi ở xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang cũng đã ký Quyết định số 2422/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Anh Việt Hương vi phạm hành chính khai thác khoáng sản có tổng diện tích vượt ra ngoài ranh giới được phép khai thác (theo bề mặt) vượt 2.011 m2 tại mỏ đá xã Xuân Phúc, huyện Như Thanh, với mức phạt 120 triệu đồng....

Để giám sát tốt hơn hoạt động khai thác khoáng sản tại các mỏ, thì việc lắp đặt các "mắt thần" là những chiếc camera và trạm cân tại khu vực mỏ khoáng sản cần được thực hiện nghiêm túc và hiệu quả, chính vì vậy Sở Tài nguyên và Môi Thanh Hóa vừa có Công văn 10101/STMT - TNKS báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa về kết quả lắp đặt trạm cân, camera tại vị trí đưa khoáng sản ra khỏi khu vực khai thác trên địa bàn tỉnh này.

Sau khi có nhận được báo cáo này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Lê Đức Giang đã chỉ đạo, đối với mỏ đã lắp trạm cân, camera thì yêu cầu các mỏ tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong hoạt động khoáng sản, trong đó, yêu cầu thực hiện đầy đủ việc lập hồ sơ chứng từ, sổ sách theo quy định.

Đối với các mỏ chưa đủ điều kiện hoặc không phải lắp đặt trạm cân, camera theo quy định thì yêu cầu các chủ mỏ thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong hoạt động khoáng sản; trong đó, đối với các mỏ mới được cấp phép chưa hoàn thiện thủ tục thuê đất, chưa đi vào hoạt động, yêu cầu các đơn vị tiến hành lắp đặt trạm cân và camera tại khu vực mỏ của đơn vị mình ngay khi hoàn thiện thủ tục thuê đất để tổ chức hoạt động khai thác khoáng sản theo quy định.

Công văn của UBND tỉnh Thanh Hóa với nội dung chỉ đạo của ông Lê Đức Giang
Công văn của UBND tỉnh Thanh Hóa với nội dung chỉ đạo của ông Lê Đức Giang

Đối với mỏ chưa lắp đặt trạm cân, camera thuộc phạm vi khoanh vùng bảo vệ di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh Thành Hoàng Nghiêu, thì yêu cầu các chủ mỏ trong quá trình xuất, bán hàng lên phương tiện vận chuyển ra khỏi phòng mỏ phải cung cấp phiếu xuất hàng ghi rõ địa chỉ mỏ (nơi bán hàng), khối lượng hàng (quy đổi ra tấn) cho chủ phương tiện làm cơ sở để cơ quan chức năng truy xuất nguồn gốc hàng hoá theo quy định.

Đối với các mỏ chưa lắp đặt trạm cân, camera thì giao Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hoá trực tiếp làm việc với các chủ mỏ để yêu cầu các đơn vị thực hiện việc lắp đặt trạm cân, camera theo quy định; xử lý đối với các mỏ cố tình không lắp trạm cân và camera...

Liên quan đến vấn đề trên, vừa qua các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện toàn bộ camera giám sát các mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố Thanh Hóa đều không có dữ liệu. Trên địa bàn thành phố này hiện nay có 12 mỏ đang khai thác khoáng sản, trong đó có 10 mỏ đá, 2 mỏ cát. Số đơn vị khai thác đã lắp camera là 5 đơn vị với 12 camera; số mỏ đã lắp camera thực hiện giám sát là 7 mỏ; số mỏ chưa thực hiện giám sát là 5 mỏ.

Trong quý 3/2023, Chi cục thuế khu vực thành phố Thanh Hóa - Đông Sơn đã rà soát, cử cán bộ đến các mỏ, nắm bắt tình hình khai thác thực tế, quy mô mỏ, tài sản và công nhân tại mỏ để có thêm thông tin đấu tranh với tình hình kê khai thuế. Tổng sản lượng tài nguyên kê khai trong quý là hơn 640.000 m3, bằng 179% so với cùng kỳ. Tổng số tiền thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường phát sinh trong quý là hơn 7,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các camera giám sát đều mất tín hiệu nên không có kết quả giám sát.

Theo cơ quan chức năng thành phố Thanh Hóa, từ cuối quý 4/2020 đến nay, các camera đều mất tín hiệu, đoàn giám sát đã có công văn đề nghị phối hợp các phòng, ban và UBND các phường, xã có liên quan để phối hợp kiểm tra sửa chữa, nhưng đến nay, các camera vẫn mất tín hiệu, chưa hoạt động trở lại. Nguyên nhân của tình trạng toàn bộ camera không có dữ liệu là do vị trí các mỏ ở xa trung tâm, địa hình khu vực lắp phức tạp, các mỏ sát nhau nên dễ bị nhầm lẫn, đường điện và mạng còn phụ thuộc vào đơn vị được giám sát hoặc hộ dân gần mỏ.

Ở một số mỏ, các camera hoạt động không ổn định do thường xuyên mất điện hoặc trục trặc về đường truyền nên không thể quan sát và kiểm đếm được sản lượng.