18:15 11/11/2024

Thanh Hoá ưu tiên vốn đầu tư công phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực

Nguyễn Thuấn - Thiên Anh

Thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn trong giai đoạn tới, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục ưu tiên các nguồn vốn đầu tư công xây dựng hạ tầng cơ sở 6 hành lang kinh tế và  4 trung tâm kinh tế động lực.

Tuyến đường nối thành phố Thanh Hóa với Cảng hàng không Thọ Xuân
Tuyến đường nối thành phố Thanh Hóa với Cảng hàng không Thọ Xuân

Theo Chỉ thị số 15 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành mới đây về lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 thì số lượng dự án đầu tư vốn ngân sách Nhà nước thực hiện trong giai đoạn 2026 - 2030 phải thấp hơn giai đoạn 2021 - 2025.

Trong đó, ngân sách Trung ương thấp hơn khoảng 15 - 20% tổng số lượng dự án; để tập trung cho các dự án lớn quan trọng và không mất nhiều thời gian hoàn thiện thủ tục.

Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục ưu tiên các nguồn vốn đầu tư công ngân sách Nhà nước, cho xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, trọng tâm là đầu tư cơ sở hạ tầng 6 hành lang kinh tế, gồm: Hành lang kinh tế ven biển, hành lang kinh tế Bắc Nam, hành lang kinh tế trung tâm, hành lang kinh tế quốc tế, hành lang kinh tế đường Hồ Chí, hành lang kinh tế Đông Bắc.

Đồng thời, phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực, gồm: Trung tâm động lực phía Nam - Khu kinh tế Nghi Sơn, trung tâm động lực thành phố Thanh Hóa - Sầm Sơn, trung tâm động lực phía Tây là Lam Sơn - Sao Vàng, trung tâm động lực phía Bắc là Bỉm Sơn - Thạch Thành. Cùng với đó các công trình liên tỉnh, liên vùng, kết nối các trung tâm kinh tế, khu kinh tế, khu công nghiệp và cụm công nghiệp.

Thanh Hoá sẽ sử dụng nguồn vốn công đầu tư các công trình thuộc các lĩnh vực giao thông, nông nghiệp và phát triển nông thôn, cơ sở hạ tầng các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các vùng thường xuyên bị thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu, điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Tiếp đến, tỉnh này sử dụng nguồn vốn công đầu tư các công trình thiết yếu thuộc các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch; thông tin - truyền thông, chuyển đổi số; khoa học công nghệ; giáo dục và đào tạo; y tế; lao động, việc làm; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, đầu tư các công trình đảm bảo quốc phòng, an ninh…

Liên quan việc thực hiện vốn đầu tư công, rheo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hoá, tính đến ngày 28/10/2024, Thanh Hoá đã giải ngân hơn 9.300 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 65,9% kế hoạch, cao hơn 10,8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, vốn từ ngân sách địa phương chiếm 6.861,9 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương là 1.950,3 tỷ đồng, và vốn tăng thu tiết kiệm chi ngân sách cấp tỉnh là 481,9 tỷ đồng. Nếu chỉ tính riêng kế hoạch năm 2024, tỷ lệ giải ngân của tỉnh đạt 67,9%, cao hơn mức trung bình cả nước. Theo số liệu của Bộ Tài chính, Thanh Hoá hiện nằm trong nhóm các địa phương có tốc độ giải ngân nhanh, đạt 70,57% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Toàn tỉnh Thanh Hóa có 80 dự án đã giải ngân đạt 100% kế hoạch (chiếm 26,7% tổng số dự án), với số vốn là 788,934 tỷ đồng. Tiêu biểu như Dự án tu bổ, nâng cấp đê hữu sông Lèn, đoạn từ đền Cô Đôi, xã Châu Lộc đến cầu Đò Lèn, xã Đồng Lộc (Hậu Lộc); Dự án mở rộng tuyến đường C-C3, Khu du lịch Hải Hòa, thị xã Nghi Sơn; Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu đập, hồ chứa và bản đồ mực nước hạ du của các đập thủy điện trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã phát động chiến dịch 60 ngày, đêm tăng tốc hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Mục tiêu đến 31/12/2024, toàn tỉnh giải ngân 100% vốn đã được Chính phủ giao, bất luận khó khăn, thách thức.