Thanh Hóa yêu cầu tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công
Nhằm hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, sẵn sàng chuẩn bị hồ sơ, thủ tục đầu tư của các dự án dự kiến khởi công mới năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu các chủ đầu tư tăng tốc thực hiện, để "cán đích" trong những tháng cuối năm....
Tình hình giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng đầu năm 2023 của tỉnh Thanh Hóa đã đạt được một số kết quả nhất định. Nhiều chủ đầu tư, dự án có tỷ lệ giải ngân vốn cao hoặc đã giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn năm 2023 và có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Song, tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra.
Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước Thanh Hóa và UBND các huyện, thị xã, thành phố, kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đến ngày 18/8/2023 của tỉnh chỉ đạt 6.593 tỷ đồng, bằng 45,3% kế hoạch giao chi tiết, thấp nhất so với cùng kỳ trong nhiều năm trở lại đây, tạo áp lực rất lớn cho giải ngân những tháng cuối năm (phải giải ngân khoảng 8.330 tỷ đồng); trong số 94 chủ đầu tư, có đến 24 chủ đầu tư giải ngân đạt dưới mức giải ngân trung bình của cả tỉnh và 8 chủ đầu tư chưa giải ngân.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND về việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2023 và khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án khởi công mới năm 2024.
Theo đó, Chủ tịch yêu cầu các cấp, các ngành phải xác định đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 những tháng cuối năm là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung ưu tiên trong chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện; đẩy mạnh giải ngân phải đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công và thu hồi vốn tạm ứng theo quy định; chịu trách nhiệm toàn diện trong việc tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 đã được UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đề ra từ đầu năm và tại các thông báo kết luận các phiên họp thường kỳ của UBND tỉnh, các hội nghị giao ban toàn tỉnh về đầu tư công và tại Chỉ thị này.
Đến ngày 18/8/2023, các địa phương, chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp so với mức trung bình cả tỉnh hoặc chưa giải ngân phải rà soát, làm rõ nguyên nhân và nghiêm túc chấn chỉnh, rút kinh nghiệm, khắc phục ngay các tồn tại, hạn chế để giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 trước ngày 31/12/2023. Kiên quyết điều chuyển vốn từ chủ đầu tư, dự án có tỷ lệ giải ngân thấp, chậm giải ngân sang các chủ đầu tư, dự án có tiến độ giải ngân cao và có khả năng hấp thụ thêm vốn; không để xảy ra tình trạng các dự án chậm giải ngân vốn do nguyên nhân chủ quan như những năm trước đây.
Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 theo Quyết định số 1128/QĐ-UBND ngày 06/4/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. Yêu cầu các cơ quan có thành viên là Tổ phó Tổ công tác (Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Xây dựng) khẩn trương tham mưu cho Tổ trưởng Tổ công tác tổ chức các đợt kiểm tra tình hình thực hiện các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực, địa bàn được phân công và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh kết quả thực hiện trước ngày 30/9/2023.
Chỉ thị cũng nêu nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan, như UBND các huyện, thị xã, thành phố; các sở: Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ban Dân tộc, Kho bạc Nhà nước Thanh Hóa, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh và các chủ đầu tư.
Tính đến ngày 18/8 vừa qua, toàn tỉnh Thanh Hóa có 94 chủ đầu tư đã được phân bổ kế hoạch vốn chi tiết năm 2023 với tổng số tiền là hơn 9.070 tỷ đồng; trong đó, số vốn đã giải ngân là gần 3.199 tỷ đồng, đạt 35,27%. Kết quả cụ thể như: Nhóm chủ đầu tư là các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh (16 đơn vị) đã giải ngân được 1.079,99/4.548,921 tỷ đồng, đạt 23,74%; trong đó Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh giải ngân đạt 100%; Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Công Thương đạt trên 50%; có 02 đơn vị đạt dưới 10% (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn; Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp Thanh Hóa); có 2 đơn vị chưa thực hiện giải ngân (Công an tỉnh và Ban Dân tộc tỉnh); còn lại 9 đơn vị có tỷ lệ giải ngân từ 10% đến dưới 50%.
Nhóm chủ đầu tư là UBND cấp huyện (27 đơn vị) đã giải ngân được 2.059,02/4.415,701 tỷ đồng, đạt 46,63%; trong đó: UBND huyện Quảng Xương và huyện Yên Định đạt trên 80%; có 2 đơn vị giải ngân thấp dưới 30% (gồm UBND huyện Hà Trung 24,2%, UBND huyện Ngọc Lặc 13,83%); còn lại 23 đơn vị có tỷ lệ từ 30% đến dưới 80%.
Nhóm chủ đầu tư là UBND cấp xã (39 đơn vị) đã giải ngân được 37,833/61,919 tỷ đồng, đạt 61,1%; trong đó có 29 đơn vị hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao; 2 đơn vị giải ngân đạt dưới 40% (gồm: UBND xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc 38,1%; UBND xã Nghi Sơn, thị xã Nghi Sơn 23,7%); 2 đơn vị chưa thực hiện giải ngân (gồm UBND các xã: Thành Mỹ, huyện Thạch Thành; Bát Mọt, huyện Thường Xuân); còn lại 06 đơn vị có tỷ lệ giải ngân từ 40% đến dưới 100%.
Nhóm chủ đầu tư khác (12 đơn vị) đã giải ngân được 21,272/43,689 tỷ đồng, đạt 48,69%; trong đó có 5 chủ đầu tư hoàn thành giải ngân 100% (gồm: Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc, BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Huyện ủy Vĩnh Lộc, Bệnh viện Y dược cổ truyền Thanh Hóa); các đơn vị: Bệnh viện Phụ Sản giải ngân 27,5%; Chi cục Kiểm lâm 11,43%; Trường Dân tộc Nội trú tỉnh giải ngân 2,48%; còn lại 4 đơn vị chưa thực hiện giải ngân (gồm: Bệnh viện Da liễu Thanh Hóa, Huyện ủy Thọ Xuân, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Ban Quản lý di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng).