Thanh khoản ngân hàng “dư thừa” trong những ngày cuối năm 2022
Quy mô tín phiếu Ngân hàng Nhà nước từ 0 tăng nhanh lên mức 100.000 tỷ đồng chỉ sau vài phiên giao dịch. Điều này cho thấy nhà điều hành đã rất nhịp nhàng trong quá trình "bơm - hút", vừa thỏa mãn kịp thời nhu cầu thanh khoản nhưng không buông lỏng mục tiêu kiểm soát lạm phát...
Ghi nhận trong phiên giao dịch hôm qua (27/12), Ngân hàng Nhà nước chào thầu 6.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 6%/năm. Qua đó, các tổ chức tín dụng tiếp cận 3.460 tỷ đồng. Trái lại, kênh này có tới 9.610 tỷ đồng đáo hạn.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng chào thầu tín phiếu với kỳ hạn 7 ngày, có gần 20.000 tỷ đồng trúng thầu với lãi suất 5,5%. Ngược lại, cũng có tới 20.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn trong ngày.
Như vậy, chỉ riêng ngày 27/12, nhà điều hành tiền tệ đã hút ròng 6.150 tỷ đồng thông qua kênh thị trường mở. Thậm chí, diễn biến hút ròng liên tục được ghi nhận trong các phiên gần đây khi cơ quan này tăng phát hành tín phiếu và để lượng tiền hỗ trợ thanh khoản trước đó đáo hạn. Cụ thể, quy mô tín phiếu từ mức 0 đã được đẩy lên tới gần 100.000 tỷ đồng và khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố cùng giảm từ mức 82.000 tỷ đồng xuống còn khoảng 50.000 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước thực hiện hút ròng trong bối cảnh thanh khoản ngân hàng có phần nào dư thừa trong ngắn hạn. Điều này thể hiện khá rõ ở việc lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm chỉ còn duy trì tại mức 3,45%, giảm mạnh so với mức gần 6% cách đây một tháng.
Các nguyên nhẫn dẫn đến thanh khoản bất ngờ dư thừa trong ngắn hạn có thể đến từ việc các ngân hàng thương mại đẩy mạnh chuẩn bị phần nguồn cho giai đoạn cao điểm cuối năm, trong khi hoạt động tín dụng trên hệ thống chưa tích cực như kỳ vọng.
Số liệu Ngân hàng Nhà nước vừa công bố cũng cho thấy điều này, đến ngày 21/12/2022 tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,78 triệu tỷ đồng, tăng 12,87% so với cuối năm 2021. Theo đó, trong hơn 20 ngày, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế tăng khoảng 0,67 điểm phần trăm, tương đương tăng khoảng 70.000 tỷ đồng.
Theo giới phân tích, sở dĩ tín dụng tăng thấp là do tốc độ hồi phục của doanh nghiệp sau đại dịch vẫn còn chậm, trong khi từ đầu năm 2022, đặc biệt là từ tháng 8/2022, Ngân hàng Nhà nước chủ trương nâng mặt bằng lãi suất để bảo vệ tỷ giá và kiểm soát lạm phát nên các doanh nghiệp hạn chế vay mượn. Chưa kể, về phía ngân hàng vẫn không hạ chuẩn mực tiếp cận tín dụng nên các doanh nghiệp không dễ vay, nhất là đối với khu vực bất động sản.
Trong một diễn biến khác, với việc Ngân hàng Nhà nước liên tục hút ròng, tỷ giá tại các thị trường đều hạ nhiệt. Trong đó, ngày 27/12, tỷ giá trung tâm ở mức 23.634 VND/USD, giảm nhẹ 2 VND so với phiên liền trước. Trên liên ngân hàng, giá USD giảm về 23.595 VND, giảm 13 VND. Tương tự, giá USD trên thị trường tự do giảm 70 VND ở chiều mua vào và 40 VND ở chều bán ra.
Nhìn chung, nhờ sự can thiệp kịp thời, tỷ giá USD/VND chỉ tăng khoảng 3,81% so với cuối năm 2021, mức mất giá của VND so với USD thấp hơn các đồng tiền khác trên thế giới.
Trong phát biểu gần đây, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tín dụng cho hay, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục kiên định ổn định thị trường tiền tệ, thông suốt thanh khoản để duy trì tỷ giá ổn định. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục mua được ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối.