Thanh toán qua di động tăng trưởng chóng mặt tại Trung Quốc
Thói quen thanh toán di động của Trung Quốc cũng đang ảnh hưởng tới các quốc gia khác
Tại Trung Quốc, hầu như mọi hoạt động ăn uống, mua sắm, giải trí tại cửa hàng, trung tâm thương mại, điểm du lịch ...đều có thể được được thanh toán chỉ bằng việc quét mã QR qua hệ thống thanh toán Alipay và WeChat Pay trên điện thoại di động thông minh (smartphone), CNBC cho biết.
Theo một báo cáo của Hillhouse Capital, trong năm 2016, tổng giá trị giao dịch qua di động tại Trung Quốc tăng gần gấp đôi lên tới 5 nghìn tỷ Nhân dân tệ. Trong quý đầu năm 2017, Alipay chiếm 54% thị trường thanh toán qua di động, trong khi đó WeChat Pay chiếm 40%, báo cáo trên cho hay.
Làn sóng thanh toán qua di động tại Trung Quốc bùng nổ nhờ lượng người dùng smartphone tăng mạnh. Quý 2/2017, ứng dụng nhắn tin phổ biến tại Trung Quốc WeChat, do hãng công nghệ Tencent vận hành, báo cáo có 963 triệu người dùng hàng tháng. Thậm chí, trong làm ăn kinh doanh, thay vì trao đổi namecard, nhiều người kết bạn với nhau trên WeChat.
Trong khi đó, Alipay, thuộc sở hữu của công ty tài chính của tập đoàn Alibaba - Ant Financial Services, có 520 triệu người dùng, theo trang web của hãng này.
Ứng dụng Alipay còn liên kết với quỹ thị trường tiền tệ trực tuyến Yu'e bao, khuyến khích người dùng đầu tư và chi tiêu qua Alipay. Với mức lãi suất hấp dẫn gần 4% hoặc hơn, Yu'e bao trở thành quỹ thị trường tiền tệ lớn nhất thế giới với tổng trị giá 1,43 nghìn Nhân dân tệ (217 tỷ USD) tính tới cuối tháng 6, công ty quản lý Yu'e bao - Tianhong Asset Management cho biết.
“Sự bùng nổ của Internet qua di động và thương mại điện tử, cùng với thị trường tài chính truyền thống kém phát triển là nhân tố thúc đẩy làn sóng thanh toán qua di động”, Elinor Leung, giám đốc bộ phận nghiên cứu trực tuyến và viễn thông châu Á tại hãng nghiên cứu đầu tư Hồng Kông CLSA cho biết trong một báo cáo hồi tháng 9.
Ngoài ra, các
startup như đi chung xe Didi, chung xe đạp MoBike, Ofo hay nhiều startup công
nghệ khác với hệ thống thanh toán qua di động tích hợp cũng là một trong những
nhân tố thúc đẩy hình thức thanh toán này tăng trưởng phi mã.
Thói quen thanh toán di động của Trung Quốc cũng đang ảnh hưởng tới các quốc gia khác. Theo hãng thông tấn Xinhua, đầu tháng 10, đã có hơn 6 triệu người Trung Quốc ra nước ngoài du lịch trong tuần lễ vàng “Golden Week”. Điều này cũng gây áp lực lên các điểm du lịch phổ biến với người Trung Quốc như Nhật Bản và Hồng Kông phải bổ sung dịch vụ thanh toán qua di động để đáp ứng.
Tại Hồng Kông, nhiều du khách Trung Quốc hỏi cửa hàng về việc thanh toán qua di động, trong khi những người bản địa vẫn dùng tiền mặt. Hồi tháng 4, tờ Nikkei dẫn nghiên cứu của Ant Financial Services cho biết số lượng cửa hàng tại Nhật Bản chấp nhận thanh toán qua Alipay được dự báo sẽ tăng gấp đôi lên 45.000 trong năm 2017.
Thậm chí, tại Thái Lan, một số điểm du lịch còn chấp nhận thanh toán qua Alipay hoặc WeChat Pay để phục vụ riêng du khách Trung Quốc.
CLSA dự báo tổng giá trị các giao dịch thanh toán qua di động của Trung Quốc sẽ tăng gấp 4 lần lên 300 nghìn tỷ Nhân dân tệ vào năm 2021. Cùng thời gian đó, tổng giá trị tài sản của các sản phẩm quản lý tài sản trực tuyến thanh toán được dự báo sẽ tăng gấp 3 lần lên 6,7 nghìn tỷ Nhân dân tệ, giá trị các khoản vay trực tuyến cũng sẽ tăng gấp 3 lần lên 3,5 nghìn tỷ Nhân dân tệ.