10:42 31/12/2013

Tháo chạy khỏi vàng trong năm 2014?

Minh Đức

Người giữ vàng có tiếp tục cố thủ sau một năm giá giảm trên 25% mà xu hướng vẫn xấu đi?

Ngoài tâm lý tích cóp và dành dụm, dòng tiền đầu tư vào vàng hẳn sẽ sốt 
ruột nếu thị trường bất động sản, đặc biệt là thị trường chứng khoán có 
chiều hướng tốt lên theo kịch bản phục hồi của nền kinh tế.
Ngoài tâm lý tích cóp và dành dụm, dòng tiền đầu tư vào vàng hẳn sẽ sốt ruột nếu thị trường bất động sản, đặc biệt là thị trường chứng khoán có chiều hướng tốt lên theo kịch bản phục hồi của nền kinh tế.
Thêm một lần nữa kể từ ngày 18/12/2013, ngày Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định cắt giảm gói nới lỏng định lượng (QE3), giá vàng quốc tế lại rơi xuống dưới mốc 1.200 USD/oz.

Đêm qua, sau nỗ lực cầm chừng, giá vàng thế giới lại cho đà giảm khá mạnh. Giá vàng trong nước mở cửa phiên cuối cùng của năm 2013 cũng bắt nhịp giảm sâu dưới mốc 35 triệu đồng/lượng. Đáng chú ý, các đầu mối nới rộng giá mua vào so với giá bán ra tới khoảng 360 nghìn đồng/lượng để dự phòng rủi ro, cũng như là diễn biến thường thấy trước một phiên đấu thầu…

Năm 2013 đang khép lại với khác biệt rõ rệt. Thị trường vàng không còn sôi động, ồn ào như cả chục năm qua ở thời điểm này. Nhiều người vẫn có thói quen, tâm lý mua vào sau một năm tích cóp, dành dụm. Song, họ và các quyết định găm giữ vừa trải qua một năm “đại bại” của vàng, và trước mắt là triển vọng không mấy sáng sủa.

Như ở bài viết nhìn lại 2013, giới đầu tư quốc tế đã có một cuộc tháo chạy trên diện rộng khỏi vàng. Thế nhưng, trong nước, một cuộc tháo chạy thực sự vẫn chưa diễn ra, dù mức giá sụt giảm trong năm qua lên tới trên 25%.

Vì sao vậy?

Trò chuyện với VnEconomy cuối tuần qua, một chuyên gia lý giải rằng, tâm lý ưa thích vàng trong dân cư đã có hàng trăm năm, không dễ mai một, dù giá trị của nó đã giảm chóng mặt trong năm qua. Mặt khác, nhiều người tích trữ vàng vẫn có quan niệm xác định tài sản của mình theo “cây”, theo lượng chứ không quy đổi thành tiền đồng để đo đếm và cân nhắc.

Tương tự, nhìn sang ngoại tệ, dù lãi suất USD chỉ 0,25% - 1,25%/năm, cả năm qua tỷ giá chỉ tăng 1,3%, thiệt hơn rất nhiều so với nắm giữ và gửi VND, nhưng tiền gửi ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng vẫn tăng khoảng 13% so với năm 2012.

“Vẫn có một bộ phận dân cư quan niệm và ưa tích trữ tài sản bằng “đô”, tính được bao nhiêu “đô” chứ không hẳn là khả năng sinh lời của nó”, chuyên gia trên nhìn nhận.

Ông cũng cho biết thêm một ví dụ. Trong lần trò chuyện gần đây với một nhóm nhà đầu tư Hoa kiều, họ dự tính giá vàng nếu hồi lên mức 39 triệu đồng/lượng sẽ quyết định cắt lỗ, nhưng sự trù trừ kéo dài đến nay là thực tế dưới 35 triệu đồng/lượng. Đó cũng là sự chờ đợi điển hình của nhiều người găm giữ vàng trong năm 2013 mà không quyết định tháo chạy, cắt lỗ và bảo toàn tài sản.

Vậy có một cuộc tháo chạy thực sự trong năm 2014 hay không?

Cả một năm dài còn phía trước. Cũng như các kênh đầu tư khác, khó dự báo, giá vàng lại thường có biến động thất thường, hay dự báo phần lớn vẫn chỉ là… dự báo.

Nhưng, như thực tế phản ứng của giới đầu tư quốc tế, vàng đã không còn vị trí danh dự trong danh mục đầu tư của họ, nói đúng hơn là bị thất sủng.

Trở lại với tác động từ sự kiện FED cắt giảm gói kích thích QE3, vì sao lại quan trọng đối với thị trường vàng như vậy?

Bản tin mới đây của Công ty Chứng khoán MB (MBS) đánh giá, việc cắt giảm QE3 là một vấn đề được quan tâm nhiều nhất trong năm 2013. Nó gợi lên nhiều thông tin và kỳ vọng.

Đó là sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ. Đồng hành là triển vọng tốt hơn của kinh tế khu vực châu Âu, hay Nhật Bản… Trong đó, sự phục hồi của kinh tế Mỹ được đánh giá vững chắc hơn hẳn so với châu Âu, do châu Âu mới vừa mới thoát khỏi suy thoái thì nền kinh tế Mỹ đã hồi phục với tốc độ chậm trong vòng hai năm qua.

“Trước đây, khủng hoảng kinh tế tại Mỹ là điểm bắt đầu cho suy thoái kinh tế thế giới, thì bây giờ, Mỹ đang đóng vai trò nền kinh tế đầu tàu kéo kinh tế thế giới ra khỏi suy thoái. Trong năm 2014, với việc các căng thẳng liên quan tài khóa giảm bớt, và nền kinh tế có điểm tựa vững chắc khi giữ được đà hồi phục, kinh tế Mỹ được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ổn định ở mức 2.5-3% so với 2% của năm 2013”, bản tin của MBS lạc quan.

Với thực tế và triển vọng phục hồi của kinh tế toàn cầu, vốn bớt trú ẩn vào vàng, hay vai trò “vịnh tránh bão” của nó khi bất ổn không còn được đề cao như những năm trước. Năm 2013, nhìn chung khả năng sinh lời đã tốt hơn rất nhiều khi chuyển vốn vào chứng khoán, vào các rổ ngoại tệ, chí ít là tài sản không bị bốc hơi mạnh như rót vào vàng (dĩ nhiên là tùy danh mục và chiến lược đầu tư cụ thể).

Trong nước, một “kịch bản” tương tự cũng có thể xẩy ra trong năm 2014. Kinh tế phục hồi, tiêu dùng và hoạt động sản xuất kinh doanh chuyển biến hơn, dòng vốn găm giữ ở vàng có thể nao núng sau một thời gian dài chôn vốn mà chỉ biết đến giảm và giảm. Ngoài tâm lý tích cóp và dành dụm, dòng tiền đầu tư vào vàng hẳn sẽ sốt ruột nếu thị trường bất động sản, đặc biệt là thị trường chứng khoán có chiều hướng tốt lên theo kịch bản phục hồi của nền kinh tế.

Khó nói trước về một cuộc tháo chạy, nhưng với triển vọng khó khăn của giá vàng thế giới, cùng tình huống các kênh đầu tư khác sôi động và hấp dẫn lên, sự rời bỏ đối với vàng tại thị trường trong nước là một tình huống có thể diễn ra rõ hơn trong năm 2014.

Có lẽ hơn ai hết, Ngân hàng Nhà nước là người mong muốn kịch bản đó xẩy ra. Bởi nếu vậy, nguồn cung trên thị trường vàng sẽ được kích hoạt, đỡ cho áp lực đấu thầu. Cung nhiều hơn và cầu giảm đi cũng là điều kiện để có thể thu hẹp chênh lệch giá trong nước so với thế giới.

Dĩ nhiên, như trên, dự báo vẫn thường chỉ là dự báo, nhất là với bản tính khó lường của giá vàng, và đó chỉ là một tình huống có thể xẩy ra.