12:06 11/01/2022

Tháo chạy, nhóm cổ phiếu FLC chiếm 16% thanh khoản thị trường

Kim Phong

Sau sự kiện “bán chui” 74,8 triệu cổ phiếu FLC hôm qua, nhóm cổ phiếu “họ” FLC bị bán tháo quy mô lớn, tiêu biểu là FLC, ROS. Riêng hai mã này đã thanh khoản trên 2,57 ngàn tỷ đồng chỉ trong phiên sáng nay, nước ngoài cũng bán ròng FLC khoảng 43 tỷ đồng...

Thanh khoản tại FLC và ROS đang rất lớn.
Thanh khoản tại FLC và ROS đang rất lớn.
Sau sự kiện bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC hôm qua, nhóm cổ phiếu “họ” FLC bị bán tháo quy mô lớn, tiêu biểu là FLC, ROS. Riêng hai mã này đã thanh khoản trên 2,57 ngàn tỷ đồng chỉ trong phiên sáng nay, nước ngoài cũng bán ròng FLC khoảng 43 tỷ đồng.

Trong đó, ROS đang giảm sàn với 64,2 triệu cổ được trao tay tương đương 898,3 tỷ đồng. Lượng dư bán sàn còn 3,47 triệu cổ. FLC sau khi giảm sàn, được đỡ giá và còn giảm 5,91%. Dư mua 3 giá gần nhất đang xấp xỉ 51 triệu cổ.

Trên sàn HoSE, 4 cổ phiếu “họ” FLC thanh khoản nhất là FLC, ROS, AMD và HAI. HAI cũng đang giảm sàn và còn dư bán sàn gần 1,18 triệu cổ. AMD giảm 6,31% so với tham chiếu. Chỉ 4 cổ phiếu này đã chiếm 16,2% tổng giá trị khớp lệnh sàn HoSE. Bên HNX, KLF và ART thanh khoản khoảng 278 tỷ đồng nữa, trong đó KLF giảm sàn 9,52%, dư bán sàn 2,09 triệu cổ; ART giảm 6,55%.

Thị trường sau phiên hoảng hốt chiều hôm qua đã có tín hiệu cân bằng lại. Đầu tiên là độ rộng chỉ 155 mã tăng/284 mã giảm, trong đó 120 mã đang giảm trên 1%, chủ yếu ở nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ. Thứ hai là thanh khoản rất thấp, HoSE giảm 18% giao dịch so với sáng hôm qua, chỉ đạt gần 17.621 tỷ đồng.

Thực tế trong top 10 thanh khoản ở HoSE, trừ FLC và ROS, chỉ thêm KBC giảm 1,02%, còn lại là tăng giá. Điều này cho thấy thanh khoản thấp thể hiện áp lực bán không dữ dội như trước và không ép giá cổ phiếu giảm nhiều hơn.

Nhóm cổ phiếu đầu cơ dĩ nhiên chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ cú sốc hôm qua và nhất là hành động “bán chui” ở FLC. Rõ ràng là các tay chơi lớn nhất đang “có ý” thoát hàng. Trừ nhóm cổ phiếu “họ” FLC, VRC, CKG, MCG, FRT, HAR, OGC, TNI, QCG, DAG, QBS... đang giảm trên 3% tới mức sàn.

Nhóm blue-chips vẫn đang là cố gắng cân bằng thị trường. VIC sụt giảm mạnh 1,17%, VHM giảm 0,82%, MSN giảm 1,31%, GVR giảm 0,93% là 4 cổ phiếu khiến VN-Index mất điểm nhiều nhất. Phía ngược lại, BCM tăng 6,54%, GAS tăng 1,96%, DIG tăng 6,61%, BID tăng 1,29% là những mã nâng đỡ mạnh nhất. Cân bằng giữa các trụ, VN-Index vẫn tăng được 2,64 điểm tương đương 0,18%. Vn30 ghi nhận 12 mã tăng/13 mã giảm, chỉ số tăng 0,04%.

VN-Index đã cân bằng lại nửa sau phiên sáng nay.
VN-Index đã cân bằng lại nửa sau phiên sáng nay.

Với độ rộng khá tốt, nhiều cổ phiếu đang phục hồi giá sau phiên rơi bất ngờ trước đó. Ngân hàng tương đối đều. Trên cả 3 sàn chỉ có 7/27 mã là giảm giá, blue-chips thì duy nhất có ACB giảm 0,3%. Tuy vậy hạn chế ở nhóm này chính là các trụ đã không đủ khỏe: VCB, CTG tham chiếu, TCB tăng 0,51%, VPB tăng 0,29%...

Diễn biến chung của thị trường phiên sáng chỉ chịu áp lực quán tính thêm một nhịp ngắn đầu phiên. VN-Index chạm đáy lúc 9h30 giảm 0,69% và hồi lại sau đó. Tuy vậy do thiếu trụ dẫn dắt, hầu hết thời gian còn lại chỉ số chỉ có thể đánh võng hẹp quanh tham chiếu. Bù lại thanh khoản rất kém giúp dao động hẹp này thể hiện sự ổn định và cân bằng cung cầu yếu cả hai chiều.

Các blue-chips VN30 sáng nay cũng chưa thu hút được dòng tiền trở lại, giao dịch chỉ đạt 3.912 tỷ đồng, giảm tới 20% so với sáng hôm qua, thấp nhất 17 phiên. Midcap tăng 0,79% với 7.824 tỷ đồng vẫn đang là nhóm tốt nhất nhưng cũng có yếu tố hơi đặc thù của giao dịch FLC. Các mã trong rổ này thanh khoản cao là GEX, CII, DIG, KBC, VCG, giá hầu hết là tăng.

Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay giao dịch yếu, giá trị mua chỉ chiếm 4,4% tổng sàn HoSE, đạt 808 tỷ đồng. Mức bán ra 782,4 tỷ tương đương ròng +25,6 tỷ đồng. DXG đang được mua vào tốt nhất với gần 54 tỷ ròng. Còn lại chỉ duy nhất STB là trên 20 tỷ đồng ròng. Phía bán ra có CTG -50 tỷ, FLC -43 tỷ, DGC -24 tỷ, VCI -23 tỷ.