08:47 12/06/2023

Tháo gỡ “điểm nghẽn” về hạ tầng vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Thanh Xuân

Là vùng sản xuất nông nghiệp và thủy sản lớn nhất cả nước, tuy nhiên những bất cập, hạn chế trong hạ tầng kỹ thuật đô thị ở Đồng bằng sông Cửu Long lại đang phần nào kìm hãm sự phát triển của vùng đất “chín rồng” giàu tiềm năng...

Quang cảnh diễn đàn: Triển vọng đầu tư xây dựng hạ tầng-động lực phát triển kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long (Ảnh: PV).
Quang cảnh diễn đàn: Triển vọng đầu tư xây dựng hạ tầng-động lực phát triển kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long (Ảnh: PV).

Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh, thành với diện tích tự nhiên chiếm 12,2% diện tích cả nước. Vùng giữ vị thế quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng trong giao thương giữa các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mê Công, đồng thời cũng có không ít tiềm năng khác biệt, lẫn cơ hội nổi trội. Nhưng Đồng bằng sông Cửu Long lại chưa phát triển tương xứng lợi thế do nhiều nguyên nhân, mà trong đó phải kể đến “điểm nghẽn” về hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

THIẾU ĐỒNG BỘ VÀ TÍNH LIÊN KẾT

Phát biểu tại diễn đàn “Triển vọng đầu tư xây dựng hạ tầng-động lực phát triển kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long” do Báo Xây dựng và UBND TP. Cần Thơ phối hợp tổ chức ngày 10/6/2023 tại TP.Cần Thơ, ông Tạ Quang Vinh, Cục trưởng Cục Phát triển hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng, cho biết: Thời gian qua, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị ở Đồng bằng sông Cửu Long mặc dù đã đạt những kết quả nhất định nhưng nhìn chung vẫn yếu, thiếu tính liên kết…

Theo Cục trưởng, các dự án công trình đầu mối hạ tầng khung của vùng chưa đầu tư đồng bộ, dẫn đến tính liên kết vùng chưa đáp ứng được yêu cầu. Các dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị gồm: cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, rác thải thiếu và chậm triển khai xây dựng, chưa phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư như mong muốn ban đầu và nhu cầu phát triển. Ngoài ra, chất lượng nội dung quy hoạch hạ tầng kỹ thuật một số đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật thấp, chưa bảo đảm việc ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Chính vì vậy, khi các hiện tượng thời tiết cực đoan như: lũ lụt, hạn hán kéo theo nhiễm mặn, sụt lún nền đất xảy ra… đã nhanh chóng tác động đến kết cấu hạ tầng kỹ thuật. Một số đô thị thuộc Vùng xuất hiện sụt lún nền đất; nạn ngập úng đô thị xảy ra thường xuyên ở TP.Cần Thơ, Mỹ Tho…

Đặc biệt, Cục trưởng đánh giá, hạ tầng giao thông đô thị trong vùng còn chậm phát triển so với các đô thị khác trên cả nước; thấp so yêu cầu của quy chuẩn (16-26%); hệ thống giao thông đường  thủy chưa được chú ý gắn kết cùng giao thông đường bộ đô thị, để phát huy thế mạnh đặc thù của hệ thống sông, kênh đường trong thủy khu vực. Giao thông liên kết vùng yếu so khu vực khác trên cả nước, nhất là hệ thống đường quốc lộ, đường cao tốc, mặc dù gần đây, Chính phủ có chủ trương và hiện đang triển khai nhiều dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc kết nối Vùng với TP.Hồ Chí Minh.

Đồng quan điểm, ông Ngô Hoàng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng nhận xét, đến nay hạ tầng giao thông Vùng đúng là chưa kết nối đồng bộ, nhiều đoạn tuyến bị trì hoãn, nhiều tuyến đường bộ nhỏ hẹp, chất lượng thấp, đường bộ cao tốc rất hạn chế. Từ đó khiến chi phí logistics tăng cao, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Dẫn chứng thêm, đại diện Sở Giao thông vận tải TP.Cần Thơ thông tin, ở TP.Cần Thơ, các tuyến quốc lộ đa phần quy mô cấp kỹ thuật nhỏ (cấp III, 02 làn xe), đường cao tốc qua địa bàn thành phố thì đang triển khai đầu tư; kênh Chợ Gạo là tuyến quốc gia kết nối miền Tây Nam Bộ với miền Đông Nam Bộ đang xây dựng hoàn chỉnh...

Lý giải thực trạng trên, các đại diện đều cho rằng, một phần do nguồn lực dành cho phát triển hạ tầng kỹ thuật ở Đồng bằng sông Cửu Long còn hạn chế, chủ yếu dựa vào ngân sách, trong khi việc phân bổ, thực hiện đầu tư dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Mặt khác, việc thực hiện xã hội hóa đầu tư, thu hút nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách nhà nước không như mong muốn. Việc điều phối, phân công trách nhiệm tại địa phương trong Vùng về phát triển hạ tầng kỹ thuật chưa rõ nét.

 TỔ CHỨC CÔNG TÁC QUY HOẠCH ĐÁP ỨNG YÊU CẦU PHÁT TRIỂN 

Trước tình hình đó, Cục trưởng Cục Phát triển hạ tầng kỹ thuật lưu ý cần hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, kể cả nhà đầu tư nước ngoài đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng bằng nhiều hình thức, phù hợp thông hệ quốc tế.

Đồng thời tổ chức quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị trong Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu. Chú ý nâng cao chất lượng nội dung quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt chú ý đến quy hoạch phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, bảo đảm tính đồng bộ chung của hệ thống hạ tầng vùng, liên vùng và hạ tầng các đô thị.

Tổ chức nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch cấp thoát nước, xử lý chất thải rắn các vùng kinh tế trọng điểm, lưu vực sông nhằm góp phần bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên nước, các dự án bảo đảm an ninh cấp nước cho vùng bị xâm nhập mặn. Đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, tập trung với kết cấu hạ tầng giao thông, cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải. Cân đối bố trí đủ nguồn lực đầu tư cho các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhất là công trình hạ tầng kỹ thuật trọng điểm tại đô thị lớn.

Còn theo TS. Phạm Hoài Chung, Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, trước hết, các bộ, ngành, địa phương phải rà soát, tích hợp các quy hoạch chuyên ngành vào quy hoạch tỉnh, thành phố, đảm bảo đồng bộ, phù hợp với Luật Quy hoạch; tăng cường phối hợp giữa các địa phương trong vùng, giữa các ngành trong việc nghiên cứu hoàn thiện, đề xuất chính sách phù hợp đặc thù của địa phương. Từ đó đưa ra mô hình quản lý và phát triển hạ tầng Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài ra, khi đề cập đến thu hút vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, chuyên gia cho rằng, phải tận dụng tối đa nguồn vốn vay ưu đãi nước ngoài trong dự án tài trợ của 6 ngân hàng phát triển (ADB, KEXIM, AFD, KfW, JICA và WB) thuộc chương trình phát triển chính sách (DPO) và các dự án liên kết vùng của Đồng bằng sông Cửu Long để phát triển nhất là với kết cấu hạ tầng giao thông, những công trình có sức lan tỏa nhằm tạo ra đột phá lớn.

Đồng thời, ưu tiên bố trí đủ nguồn vốn đối ứng các dự án ODA; bố trí đủ nguồn ngân sách đầu tư một số công trình cấp bách, đặc biệt là hệ thống cầu yếu cùng các công trình gia cố bền vững chống sạt lở, biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Thúc đẩy việc huy động nguồn ngân sách nhà nước và có tính chất ngân sách nhà nước tập trung vào những dự án chính của Vùng.