09:31 24/05/2007

Thảo luận 2 chính sách thuế mới

Nguyên Linh

Lãi tiền gửi tiết kiệm, lãi từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ sẽ không thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân

Với Luật thuế thu nhập cá nhân, hộ kinh doanh cũng là đối tượng nộp thuế thay vì nộp thuế thu nhập doanh nghiệp như hiện nay - Ảnh: TT.
Với Luật thuế thu nhập cá nhân, hộ kinh doanh cũng là đối tượng nộp thuế thay vì nộp thuế thu nhập doanh nghiệp như hiện nay - Ảnh: TT.
Ngày 23/5, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về việc xây dựng 2 chính sách thuế quan trọng là dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân và áp dụng một số chế độ ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cơ sở kinh doanh theo Nghị quyết 16 của Quốc hội.

Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân đã được Quốc hội thảo luận trong phiên họp toàn thể với việc nhất trí cao về sự cần thiết phải ban hành. Tại phiên họp Thường vụ, các đại biểu cũng một lần nữa ủng hộ nguồn thuế trực thu ngày càng quan trọng này, mục đích tạo nguồn lực mới cho ngân sách Nhà nước, nắm bắt thông tin về thu nhập của dân cư, tiến tới kiểm soát, điều tiết hợp lý thu nhập, góp phần thực hiện công bằng xã hội, hạn chế chênh lệch giàu nghèo.

Công bằng xã hội, giảm chênh lệch giàu nghèo

Theo tờ trình mới nhất của Chính phủ, tiếp thu ý kiến của Quốc hội, Dự thảo Luật đã bỏ 2 khoản thu nhập là lãi tiền gửi tiết kiệm, lãi từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ ra khỏi đối tượng chịu thuế, chính xác 2 khoản này sẽ nằm trong mục “không thuộc diện chịu thuế”.

Đối với thu nhập từ thừa kế, quà tặng, Dự thảo quy định chỉ thu thuế đối với các khoản này nếu “kiểm soát được” như cổ phiếu, trái phiếu, quyền sở hữu doanh nghiệp,... Đặc biệt, các khoản kiều hối cũng được chủ trương chưa thu thuế để khuyến khích các nguồn vốn đầu tư.

Vấn đề gây nhiều tranh luận nhất là giảm trừ gia cảnh với 5 nhóm ý kiến khác nhau sau khi được giải trình đã thống nhất theo hướng không nâng thêm mức giảm trừ gia cảnh và không đưa quy định về mức giảm trừ gia cảnh theo trượt giá vào Dự thảo.

Tương tự, việc đề nghị mức giảm trừ theo vùng miền là không đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, thống nhất trong thu thuế và rất phức tạp trong việc xây dựng chính sách cũng như quản lý thuế sau này.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng tiếp thu ý kiến đề nghị hạ mức giảm trừ gia cảnh để nhiều người được thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của công dân, ngoài 2 phương án mức giảm trừ 4 triệu đồng/tháng và 5 triệu đồng/tháng đã trình trước đây có đưa thêm phương án mức giảm trừ 3 triệu đồng/tháng để lấy ý kiến nhân dân.

Vấn đề biểu thuế được đa số tán thành áp dụng Biểu thuế lũy tiến từng phần để tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh và từ tiền lương, tiền công. Tương tự, các ý kiến hiện nay cũng đồng ý với biện pháp khấu trừ tại nguồn trong kê khai, nộp thuế và phương pháp thu thuế vì kinh nghiệm các nước cho thấy đây là biện pháp khả thi nhất, tiết kiệm chi phí quản lý cho người nộp lẫn cơ quan thu thuế.

Theo ý kiến của Chính phủ, do đây là chính sách quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống xã hội cũng như từng người dân, nên việc lấy ý kiến nhân dân là cần thiết.

Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp

Chuyển sang vấn đề áp dụng một số chế độ ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cơ sở kinh doanh có sử dụng người sau cai nghiện ma túy trong thời gian thực hiện Nghị quyết 16/2003/QH11 của Quốc hội, báo cáo của Chính phủ cho biết, đến nay tại Tp.HCM, tổng số học viên là người sau cai nghiện là 14.317 người.

Thành phố đã đầu tư trên 851 tỷ đồng cho việc xây dựng cơ sở vật chất đảm bảo quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm, chăm sóc y tế cho hơn 20.000 đối tượng, đã vận động được 73 doanh nghiệp, cá nhân đầu tư, tiếp nhận với tổng số vốn đầu tư 318 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 12.990 học viên và người sau cai nghiện thuộc các ngành nghề gia công hàng tiểu thủ công nghiệp.

Mặc dù Tp.HCM đã có một số chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong lĩnh vực này, song kết quả vẫn còn hạn chế, các dự án chậm triển khai và nguồn ngân sách hỗ trợ bị hạn chế. Kiến nghị của thành phố cũng như Chính phủ hiện nay là Quốc hội xem xét, bổ sung đối tượng này hưởng ưu đãi đầu tư theo Điều 27, 28 Luật Đầu tư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết cho phép được thí điểm áp dụng một số chế độ ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cơ sở kinh doanh có sử dụng lao động là người sau cai nghiện như đối với các cơ sở kinh doanh có sử dụng lao động là người tàn tật trong thời gian thực hiện Nghị quyết số 16/QH11 của Quốc hội.

Theo ý kiến của nhiều đại biểu, Đề án “Tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện” của Tp.HCM và các tỉnh thành khác là một giải pháp mới, nhưng cũng gặp rất nhiều khó khăn do trình độ học vấn thấp, 90% không có tay nghề chuyên môn, 41% thất nghiệp, sức khỏe yếu, năng suất lao động thấp. Hơn nữa, người lao động đã từng nghiện ma tuý thường bị khiếm khuyết về tâm - sinh lý. Các nhà đầu tư vào các trường, trung tâm chữa bệnh - giáo dục - lao động xã hội, khu công nghiệp để giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện gặp nhiều khó khăn.

Vì vậy, việc Nhà nước có chế độ ưu đãi về chính sách thuế cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp có sử dụng lao động là người sau cai nghiện để giải quyết việc làm là rất cần thiết.

Từ thực tế trên, trong khi chờ sửa đổi, bổ sung Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét ban hành Nghị quyết cho phép được áp dụng chế độ miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần thu nhập từ hoạt động dạy nghề cho người sau cai nghiện, phần thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cho các cơ sở kinh doanh sử dụng lao động là người sau cai nghiện như đối với các cơ sở kinh doanh sử dụng lao động là người tàn tật.

Theo tính toán, các doanh nghiệp này sẽ được miễn giảm trong thời gian thực hiện Nghị quyết 16/QH11 khoảng 10 tỷ đồng/năm.