13:03 01/12/2022

Thấy gì khi nhà đầu tư cá nhân bán ròng kỷ lục 19.000 tỷ đồng lúc thị trường tạo đáy?

Kiều Linh

Trao đổi với VnEconomy về xu hướng mua bán của nhà đầu tư trong tháng 11, ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế vĩ mô và Chiến lược của Chứng khoán KBSV, cho rằng "xu hướng mua bán của nhà đầu tư cá nhân không phải là hiện tượng xấu, không phải là tháo chạy khỏi thị trường"...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tháng 11 ghi nhận nhiều kỷ lục của thị trường chứng khoán Việt Nam. VN-Index đã có những nhịp điều chỉnh giảm mạnh nhất thế giới bục đáy 900 về vùng 880 điểm trong phiên 16/11. Tuy nhiên, ngay sau đó thị trường hồi phục mạnh nhờ sự trỗi dậy của dòng vốn ngoại.

Thống kê cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 16.000 tỷ đồng trong tháng 11, đây là mức kỷ lục trong vòng 5 năm trở lại. Trái ngược với xu hướng mua bán của khối ngoại, cá nhân trong nước lại có một tháng bán ròng chưa từng có lịch sử, giá trị ròng lên tới gần 19.000 tỷ đồng.

Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế vĩ mô và Chiến lược của Chứng khoán KBSV.
Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế vĩ mô và Chiến lược của Chứng khoán KBSV.

Trao đổi với VnEconomy về xu hướng mua bán của nhà đầu tư trong tháng 11, ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế vĩ mô và Chiến lược của Chứng khoán KBSV nhấn mạnh: "Xu hướng mua bán của nhà đầu tư cá nhân không phải là hiện tượng xấu, không phải là tháo chạy khỏi thị trường".

CÁ NHÂN BÁN RÒNG KHÔNG PHẢI LÀ HIỆN TƯỢNG XẤU

Nhà đầu tư cá nhân bán ròng gần 19.000 tỷ đồng trong tháng 11 trong khi khối ngoại mua ròng kỷ lục 16.000 tỷ đồng, kỷ lục 5 năm. Ông nhìn nhận thế nào về hiện tượng mua bán trái chiều này giữa khối ngoại và nhà đầu tư trong nước?

Thật ra hiện tượng này không có gì phức tạp. Thị trường chứng khoán có hai chủ thể tham gia là nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, khi nước ngoài bán trong nước mua và ngược lại khi nhà đầu tư trong nước bán thì khối ngoại lại mua. Nhà đầu tư trong nước thì gồm nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư tổ chức.

Nếu chiếu theo số liệu nhà đầu tư nước ngoài mua 19.000 tỷ thì cá nhân bán 16.000 tỷ đồng và tổ chức trong nước bán ròng gần 3.000 tỷ nữa. Nhà đầu tư cá nhân trong nước có thể mua giá thấp và bán giá cao cho nhà đầu tư nước ngoài. Tóm lại, về mặt con số thì việc nhà đầu tư cá nhân bán ròng không có nghĩa là họ tháo chạy khỏi thị trường, không phải là hiện tượng gì xấu với thị trường.

Thị trường đang kỳ vọng dòng vốn ngoại trỗi dậy sẽ kéo thị trường hồi phục, vậy theo ông dự báo thì nhịp hồi phục này kéo dài được bao lâu?

Để đánh giá nhịp hồi phục này cần nhìn vào nhiều yếu tố. Các yếu tố bên ngoài gây rủi ro cho thị trường thời gian qua như lạm phát Mỹ, tốc độ tăng lãi suất của Fed và sức mạnh đồng đô la Mỹ đều đã hạ nhiệt.

Hiện tại, thị trường đang kỳ vọng lạm phát Mỹ đạt đỉnh, Fed phát tín hiệu tăng lãi suất chậm lại. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 30/11 nói rằng có thể sắp đến lúc Fed tăng lãi suất với bước nhảy ngắn hơn, và Fed có thể đã ở vào vị thể để có thể giảm tốc độ tăng lãi suất ngay từ tháng 12.

Đồng USD cũng tụt giá sau phát biểu của ông Powell, tạo thêm lực hỗ trợ cho giá vàng. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD sáng nay giảm còn 105,7 điểm, từ mức 106,7 điểm vào sáng hôm qua.

Trong nước, đồng USD giảm sâu đã giúp áp lực tỷ giá hạ nhiệt, Ngân hàng Nhà nước đã có ba lần hạ giá USD trong tháng 11. Lạm phát dù vẫn còn là một ẩn số nhưng quan sát cho thấy giá dầu thé giới giảm mạnh từ 150 USD/thùng giờ xoay quanh 80USD/thùng, giá nguyên vật liệu như thép điều chỉnh mạnh từ đỉnh, do đó, áp lực lạm phát từ chi phí đẩy đã suy yếu.

Trọng tâm của thị trường hiện tại liên quan đến thị trường bất động sản và doanh nghiệp bất động sản, đây là hai ẩn số quan trong nhất quyết định xu hướng của thị trường trong thời gian tới.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng đã họp cùng các bộ ngành để tìm cách tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản vào đầu tháng 11, kỳ vọng căng thẳng nhất của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã đi qua. Với kịch bản trái phiếu doanh nghiệp trong vài tháng tới không có gì quá bất ngờ xấu thì có cơ sở để nhịp hồi phục này kéo dài trong vòng một - hai tháng tới.

Nguồn: FiinTrade. 
Nguồn: FiinTrade. 

THỊ TRƯỜNG KHÓ GIẢM SÂU VÀO NĂM 2023

Trong bối cảnh lãi suất vẫn tăng, thị trường chưa hết rủi ro vĩ mô, ông có kỳ vọng nhà đầu tư cá nhân giải ngân trở lại trong tháng 12?

Về mặt số liệu nhà đầu tư nước ngoài phải bán ròng thì nhà đầu tư cá nhân trong nước mới mua ròng. Tuy nhiên, khả năng nhà đầu tư nước ngoài đảo chiều bán thời điểm hiện tại rất thấp, họ mua nhiều vì đánh giá rủi ro ngoại biên và trong nước đã hạ nhiệt, định giá thị trường đang ở vùng hấp dẫn dù thị trường đã hồi phục mạnh nhưng vẫn ở mức thấp lịch sử. Như đã nói ở trên, về mặt con số thống kê thì nhà đầu tư cá nhân bán ròng không có ý nghĩa gì.

Cuối cùng, ông đánh giá thị trường từ nay đến cuối năm và cho năm 2023 sẽ diễn ra theo xu hướng nào?

Để đánh giá xu hướng thị trường năm 2023 thì cần nhìn nhận thị trường chứng khoán Việt Nam phụ thuộc vào bốn sự kiện lớn. Thứ nhất, bên ngoài là kinh tế Mỹ, rủi ro suy thoái, biến động lạm phát, động thái tăng lãi suất của Fed. Thứ hai là Trung Quốc với ảnh hưởng chính từ rủi ro thị trường bất động sản, trái phiếu bất động sản và chính sách Zero Covid mà đại lục này theo đuổi lâu nay, thậm chí có thể xuất hiện bất ổn chính trị khi đó tác động lớn đến Việt Nam.

Thứ ba, trong nước là các sự kiện, biến cố liên quan tới trái phiếu doanh nghiệp, trong kịch bản tiêu cực nhất trái phiếu doanh nghiệp đổ vỡ có thể gây ra khủng hoảng thị trường bất động sản kéo theo ảnh hưởng tới cả hệ thống ngân hàng và tăng trưởng kinh tế. Vĩ mô gồm lạm phát, tỷ giá, lãi suất, là yếu tố thứ tư quyết định xu hướng thị trường 2023.

Tách ra từng yếu tố thì thấy, với Mỹ, căng thẳng tăng trưởng đã hạ nhiệt, kịch bản Mỹ hạ cánh mềm hoặc suy thoái nhẹ đang được đánh giá cao. Trong kịch bản này đồng đô la suy yếu tác động tới tích cực tới các thị trường mới nổi do đó yếu tố Mỹ không đáng lo ngại. Với yếu tố thứ hai là thị trường Trung Quốc thì phức tạp chưa nắm bắt được, mức độ lan tỏa rất lớn cần theo dõi thêm để đánh giá.

Với trái phiếu doanh nghiệp là câu chuyện chúng ta cũng chưa thể kết luận vì áp lực đáo hạn 2023 vẫn rất lớn, hiện tại thị trường vẫn đang chờ đợi các biện pháp hỗ trợ từ Chính phủ.

Nếu Chính phủ không có các giải pháp can thiệp để bình ổn thị trường thì rủi ro trái phiếu doanh ngheịep vẫn áp lực lên thị trường chứng khoán, khó để bước vào giai đoạn uptrend.

Cuối cùng, vĩ mô nội tại Việt Nam về mặt tỷ giá, lãi suất, thanh khoản dần hạ nhiệt, nếu thị trường trái phiếu mà quá xấu sẽ tác động ngược lại thanh khoản, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán.

Với định giá của thị trường hiện tại, tôi không đánh giá cao Vn-Index lao đốc điều chỉnh sâu trong năm 2023, nhưng để vươn lên 1.500 điểm thì cần quan sát thêm yếu tố về thị trường trái phiếu doanh nghiệp.