07:43 18/09/2021

Thấy gì từ kết quả thử nghiệm đo tốc độ Internet i-Speed tại nước ngoài?

Nhĩ Anh

Kết quả triển khai thử nghiệm 2 điểm đo i-Speed đặt tại Singapore và Hồng Kông cho thấy tốc độ truy cập Internet trung bình cả băng rộng cố định và mạng băng rộng di động đều thấp hơn so với trung bình cả nước đo tại các điểm đo trong nước.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trung tâm Internet Việt Nam vừa phối hợp với Công ty Cổ phần NetNam triển khai thử nghiệm 2 điểm đo i-Speed đặt tại Singapore và Hồng Kông, là 2 điểm trung chuyển Internet lớn của khu vực.

Việc đo tốc độ truy cập Internet quốc tế tại 2 điểm này sẽ phản ánh khách quan tốc độ kết nối Internet quốc tế của Việt Nam.

Kết quả trong 7 ngày thử nghiệm đã ghi nhận, tốc độ truy cập Internet trung bình băng rộng cố định (download là 38.76 Mbps, upload là 30.38 Mbps). Với mạng băng rộng di động, các tốc độ download là 34.34 Mbps, upload là 14.41 Mbps. Các tốc độ này đều thấp hơn so với trung bình cả nước đo tại các điểm đo trong nước, đặc biệt là mạng băng rộng cố định. Cụ thể, tốc độ truy cập Internet trung bình băng rộng cố định: download là 61.58 Mbps, upload là 56.9 Mbps. Với mạng băng rộng di động: download là 38.84 Mbps và upload là 19.26.

 
Trên kết quả phân tích đánh giá của giai đoạn thử nghiệm, Trung tâm Internet Việt Nam sẽ thực hiện triển khai các điểm đo chính thức tại các Hub Internet khu vực và quốc tế nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu người dùng, hỗ trợ doanh nghiệp và công tác quản lý nhà nước về Internet tại Việt Nam.

Chia sẻ với VnEconomy về kết quả đo kiểm này, ông Vũ Thế Bình, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần NetNam cho biết, sơ bộ chúng ta đã thấy tốc độ tới các điểm đặt mới này chậm hơn so với việc đo tại các điểm trong nước. Điều này cũng dễ lý giải khi phần lớn lưu lượng Internet của Việt Nam là tới/từ các máy chủ ở nước ngoài, dẫn đến kết nối ra nước ngoài sẽ chật chội hơn, và dẫn đến tốc độ trung bình thấp hơn.

Ngoài ra, chúng ta cũng biết tốc độ theo từng thời điểm, ví dụ hiện nay trong tình trạng 2 tuyến cáp biển đang có sự cố, thì tốc độ tức thời truy cập chậm hơn như thế nào so với thời điểm bình thường, ông Bình nói.

Từ trước đến nay người sử dụng Internet hay dùng Speedtest làm công cụ để đo kiểm tốc độ tức thời đến các điểm trên Internet đặt ở trong và ngoài nước. Hệ thống này được triển khai bởi một đơn vị nước ngoài. Gần đây, Trung tâm Internet Việt Nam triển khai hệ thống đo kiểm tốc độ Internet tức thời cho các điểm trong nước là chính, và nay là những điểm đo đầu tiên đặt ở nước ngoài.

Theo ông Bình, Singapore và Hong Kong Hồng Kông là các điểm trung chuyển Internet lớn nhất trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, nên các điểm đo sẽ giúp i-Speed thu thập thông tin để có cái nhìn về tốc độ tức thời từ Việt Nam đến từ 2 điểm này. Các báo cáo thống kê của Trung tâm Internet Việt Nam sẽ cung cấp thêm cái nhìn về Internet Việt Nam.

Thử nghiệm 2 điểm đo i-Speed đặt tại Singapore và HongKong
Thử nghiệm 2 điểm đo i-Speed đặt tại Singapore và HongKong

Trên kết quả phân tích đánh giá của giai đoạn thử nghiệm, phía Trung tâm Internet Việt Nam cho biết, sẽ thực hiện triển khai các điểm đo chính thức tại các Hub Internet khu vực và quốc tế nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu người dùng, hỗ trợ doanh nghiệp và công tác quản lý nhà nước về Internet tại Việt Nam.

Chính thức đưa vào hoạt động từ tháng 1/2020, hệ thống đo tốc độ truy cập Internet Việt Nam (iSpeed by VNNIC) do Trung tâm Internet Việt Nam (Bộ Thông tin và Truyền thông) phát triển đã được sử dụng rộng rãi, hỗ trợ đắc lực cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam trong việc đo, kiểm tra tốc độ, chất lượng đường truyền Internet.

Tính đến hết tháng 8/2021, i-Speed đã có gần 50.000 lượt cài đặt, với 50 điểm đo chính thức trên cả nước, 2 điểm đo quốc tế (thử nghiệm). Đây là ứng dụng có số lượng điểm đo lớn nhất, vượt trên các ứng dụng quốc tế.

Việc mở rộng hệ thống i-Speed không chỉ đo tốc độ kết nối Internet trong nước mà còn hỗ trợ người sử dụng, doanh  nghiệp cung cấp dịch vụ Internet có thể đánh giá tốc độ kết nối quốc tế, kiểm soát, đảm bảo chất lượng phục vụ đáp ứng nhu cầu sử dụng các ứng dụng cần kết nối quốc tế trong giai đoạn gia tăng đột biến các hoạt động làm việc, học tập trực tuyến hiện nay.

Giai đoạn hiện nay đang ghi nhận sự gia tăng đột biến về cường độ sử dụng Internet khi các cơ quan, doanh nghiệp, địa phương đồng loạt triển khai làm việc, học tập theo phương thức trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Theo thống kê, cả nước có trên 7.350.000 học sinh thuộc 26/63 tỉnh thành phố đang học tập trực tuyến. Bên cạnh đó là hàng triệu người dùng Internet hàng ngày của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Nhu cầu sử dụng Internet, lưu lượng Internet quốc tế tăng cao, trong khi các đường cáp biển có lúc gặp sự cố gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động học tập, làm việc, kinh doanh. Việc kiểm soát chất lượng kết nối Internet, trong đó có kết nối Internet quốc tế là rất cần thiết giúp cải thiện hệ thống mạng, đem lại lợi ích tốt nhất cho người dùng.

Chuyên gia internet cho rằng, những nội dung và ứng dụng vận hành trong nước sẽ giúp các nhà cung cấp kiểm soát tốt hơn chất lượng, đặc biệt trong tình trạng nhu cầu dịch vụ học tập, hội họp và giải trí trực tuyến tăng đột biến hiện nay…