11:38 04/09/2014

Thấy gì từ việc 400 nhà đầu tư sắp họp mặt tại Tp.HCM?

Khánh Hà

"Đây là thời điểm để nhà đầu tư quay lại, nhưng liệu thị trường có như trước kia hay không?"

Thị trường Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài có một vấn đề, 
đó là hàng hóa trên thị trường không nhiều. Thứ hai là ngay cả khi có 
hàng hóa thì mức độ thanh khoản và nhất là bị hạn chế tỷ lệ sở hữu.
Thị trường Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài có một vấn đề, đó là hàng hóa trên thị trường không nhiều. Thứ hai là ngay cả khi có hàng hóa thì mức độ thanh khoản và nhất là bị hạn chế tỷ lệ sở hữu.
Hội thảo Gateway 2014 do Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) tổ chức ngày 11-12/9 tới đây có thể xem là một sự kiện xúc tiến đầu tư đáng chú ý nhất trong năm nay.

Đúng thời điểm nền kinh tế có những bước phục hồi rõ nét, mối quan tâm của nhà đầu tư tài chính nước ngoài được đánh giá đã không còn chỉ dừng lại ở những thăm dò, mà đang tìm kiếm những cơ hội đầu tư cụ thể.

"Đây là thời điểm để nhà đầu tư quay lại, nhưng liệu thị trường có như trước kia hay không?", bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng tổ chức của SSI, nói với VnEconomy.

Tôi nhìn thấy trong danh sách các công ty tham dự Gateway 2014 có khá nhiều doanh nghiệp mới cũng như các doanh nghiệp chưa niêm yết... Điều này có ý nghĩa gì?


Sau khi thị trường chứng khoán Việt Nam tạo đỉnh năm 2007, nhà đầu tư nước ngoài đã rút khỏi thị trường khá nhiều.

Những năm 2011-2013, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn và mặc dù có những tín hiệu phục hồi, mức độ quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu ở mức độ thăm dò.

Với những khởi sắc của nền kinh tế thời điểm hiện tại, mối quan tâm của nhà đầu tư tài chính nước ngoài cũng lớn hơn, và tôi cho rằng đây là thời điểm thuận lợi để kết nối nhu cầu và các cơ hội đầu tư. 

Câu chuyện là: đây là thời điểm để nhà đầu tư quay lại, nhưng liệu thị trường có như trước kia hay không? Hay câu chuyện đã hoàn toàn khác rồi?

Thị trường Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài có một vấn đề, đó là hàng hóa trên thị trường không nhiều. Thứ hai là ngay cả khi có hàng hóa thì mức độ thanh khoản và nhất là bị hạn chế tỷ lệ sở hữu.

Có thể thấy điều này ở VNM và nhiều mã khác lúc nào cũng đầy room. Với một giai đoạn thị trường mới, liệu câu chuyện lúc này có gì mới hay không, có những công ty tốt dạng như VNM hay có ý tưởng đầu tư gì mới không vào thời điểm 2014 này?

Chúng tôi muốn giới thiệu rằng hiện tại không phải là câu chuyện cũ nữa, mà đã có nhiều thay đổi.

Vậy ngay từ đầu, việc lựa chọn mời doanh nghiệp tham gia được xác định theo các tiêu chí nào?


Tiêu chí quan trọng nhất là mức độ quan tâm của nhà đầu tư và quá trình lựa chọn là có sự tương tác chặt chẽ với khách hàng. Có những gương mặt mới mà chưa khách hàng nào biết mà chúng tôi muốn đem lại cơ hội tiếp cận các khách hàng mới có chất lượng.

Còn những công ty đã niêm yết đều là những công ty nhận được sự quan tâm rất lớn của nhà đầu tư tổ chức và chúng tôi vẫn mời họ tham gia để trực tiếp gặp gỡ, cập nhật tình hình.

Bà nghĩ, mối quan tâm lớn nhất của các nhà đầu tư nước ngoài hiện là gì?


Hội thảo này đã nhận được sự quan tâm của gần 400 nhà đầu tư quốc tế, trong đó có nhiều tổ chức nước ngoài mới.

Nhiều quỹ mới mở tỏ ra quan tâm đặc biệt, nhất là những quỹ vừa thành lập gần đây, chuyên tập trung vào các thị trường mới nổi. Những quỹ này lần đầu tiên tiếp cận thị trường Việt Nam.

Gần đây đã có một làn sóng thành lập mới các quỹ frontier (quỹ đầu tư vào thị trường ngoại biên - PV). Những quỹ mới dạng này tham gia hội thảo năm nay có quy mô từ 50-100 triệu USD, mới ra đời 1-2 năm gần đây. Mối quan tâm của họ tới chung các thị trường mới nổi, trong đó Việt Nam được quan tâm đặc biệt. Đến giờ có khoảng chục quỹ loại này sẽ tham dự.

Đây đã là hội thảo Gateway thứ 3 được tổ chức từ năm 2009. Bà thấy hiệu quả thực tế của các hội thảo này như thế nào?


Chuỗi hội thảo Gateway được tổ chức theo các chủ đề khác nhau đang là tâm điểm của thời điểm đó. Chẳng hạn 2009-2010 tập trung vào khối doanh nghiệp tư nhân. Về phía tổ chức, chúng tôi không chỉ muốn đề cập đến những tình hình nói chung, mà luôn muốn tìm những ý tưởng tiếp cận mới cho khách hàng, cập nhật những dòng thời sự mới nhất.

Hội thảo năm nay chúng tôi hướng mối quan tâm của các tổ chức tới lĩnh vực cổ phần hóa, phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) và lĩnh vực ngân hàng. Đây cũng là những nội dung nhận được nhiều câu hỏi nhất từ phía khách hàng tổ chức của SSI.

Các cơ hội kinh doanh cụ thể được tìm thấy trong các phiên gặp gỡ trực tiếp. Cách tiếp cận này rất phù hợp với các tổ chức nước ngoài mới bước đầu tìm hiểu thị trường Việt Nam. Họ cần có những thông tin ban đầu, những cách tiếp cận nhanh nhất và hiệu quả nhất để hiểu những gì đang diễn ra. Sau đó họ muốn gặp gỡ nhưng đại diện cụ thể, ban lãnh đạo doanh nghiệp để đặt câu hỏi, tìm hiểu sâu hơn về hoạt động cụ thể.

Chủ đề của hội thảo năm nay là “Các cơ hội đầu tư mới”. Vậy đâu có thể xem là các cơ hội thực sự mới?

Gateway năm nay có rất nhiều doanh nghiệp mới, doanh nghiệp chưa niêm yết. Chẳng hạn các cái tên như BichChi, Cholimex bên cạnh những cái tên quen thuộc như FPT, Vingroup, Hòa Phát, Vissan, Vinalines, Vinamilk, Sabeco…

Đây là các cơ hội đầu tư mới. Đơn cử như lĩnh vực hàng tiêu dùng, nếu nhà đầu tư tổ chức muốn đầu tư vào một doanh nghiệp niêm yết thì cơ hội không nhiều. Quanh quẩn vẫn là những cái tên như VNM, Kinh Đô, Massan…

Hãy tưởng tượng một đất nước với gần 100 triệu dân, tôi muốn đầu tư vào một doanh nghiệp hàng tiêu dùng thì nên mua cổ phiếu nào?

Rõ ràng lựa chọn trên sàn là rất ít. Đó là lý do vì sao chúng tôi mời những công ty chưa niêm yết trong lĩnh vực hàng tiêu dùng tham gia Gateway lần này.

Cơ hội đầu tư trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhận được mối quan tâm lớn nhất từ phía các tổ chức nước ngoài. Ngoài ra các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, ngân hàng, hay các cơ hội từ tiến trình cổ phần hóa đang được đẩy mạnh hiện nay.