08:48 16/10/2024

Thế giới nghĩ đủ cách để có nhiều trẻ em hơn

Hoài Thu

Tưởng tượng nếu sinh con đi kèm với một khoản vay lãi suất thấp, một chiếc xe minivan giá ưu đãi và miễn thuế thu nhập trọn đời, thì liệu mọi người có muốn sinh thêm con không? Câu trả lời có vẻ vẫn là “không”...

Tại các quốc gia phát triển, tỷ lệ sinh bắt đầu giảm từ những năm 1960 - Ảnh: WSJ
Tại các quốc gia phát triển, tỷ lệ sinh bắt đầu giảm từ những năm 1960 - Ảnh: WSJ

Trên đây là những quyền lợi – cùng với chi phí chăm sóc trẻ ưu đãi, thêm ngày nghỉ phép và miễn phí sinh đẻ – được áp dụng cho các cặp cha mẹ ở nhiều quốc gia châu Âu, nơi đang đối mặt tình trạng thiếu trẻ em trầm trọng nhất thế giới. Theo thống kê của Liên hiệp quốc (UN), trong đại dịch, dân số chung của châu Âu đã sụt giảm mạnh và được dự báo sẽ giảm thêm khoảng 40 triệu người từ nay tới năm 2050.

Tại các quốc gia phát triển, tỷ lệ sinh bắt đầu giảm từ những năm 1960. Tuy nhiên, tình trạng này diễn ra tại châu Âu trầm trọng hơn và nhanh hơn so với dự báo của các nhà nhân khẩu học.

CHƯA ĐỦ ĐỂ TẠO RA THAY ĐỔI

Trên thực tế, đảo ngược xu hướng trên đã trở thành một mục tiêu quốc gia của nhiều quốc gia trên toàn thế giới. Tại Nga, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố năm 2024 là “năm của gia đình”. Còn ở Mỹ, cả hai ứng viên tổng thống năm nay, bà Kamala Harris và ông Donald Trump đều cam kết sẽ thay đổi chính sách dành cho gia đình. Trong đó, bà Harris muốn hỗ trợ 6.000 USD cho các gia đình sinh thêm con, trong khi ông Trump đề xuất miễn phí thụ tinh nhân tạo cho các cặp đôi và giảm thuế cho các gia đình có con.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris muốn hỗ trợ 6.000 USD cho các gia đình sinh thêm con - Ảnh: WSJ
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris muốn hỗ trợ 6.000 USD cho các gia đình sinh thêm con - Ảnh: WSJ

Theo tờ báo Wall Street Journal, châu Âu và nhiều nền kinh tế đang đối mặt với khủng hoảng nhân khẩu học ở châu Á như Hàn Quốc và Singapore đều đang áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ với nhiều quyền lợi hào phóng dành cho các gia đình có con. Tuy vậy, mức sinh giảm diễn ra dai dẳng ở gần như tất cả nhóm tuổi, nhóm thu nhập và trình độ học vấn. Những người sinh nhiều con thường chia sẻ rằng họ sẽ vẫn sinh con kể cả không có những quyền lợi đó, còn những người không sinh con cho rằng những quyền lợi đó chưa đủ để tạo ra sự thay đổi.

Hai quốc gia châu Âu được đánh giá là đang dành nhiều nguồn lực cho các gia đình nhất thế giới hiện tại là Hungary và Na Uy. Tuy nhiên, dù nỗ lực như vậy, tỷ lệ sinh tại hai quốc gia lần lượt là 1,5 và 1,4 trẻ trên mỗi phụ nữ - thấp hơn nhiều so với mức 2,1 cần thiết để duy trì dân số ổn định. Tỷ lệ sinh tại Mỹ hiện là 1,6.

Các nhà nhân khẩu học cho rằng tâm lý không muốn sinh con hiện nay là sự dịch chuyển căn bản mang tính văn hóa chứ không đơn thuần về mặt tài chính.

“Tôi từng tự nói với bản thân rằng tôi còn quá trẻ. Tôi phải hoàn thành chương trình học cử nhân. Mà kể cả không có rào cản nào, thì tôi nhận ra rằng tôi cũng không muốn có con”, Nancy Lystad Herz, 28 tuổi hiện sống ở Na Uy, chia sẻ.

MÔ HÌNH CỦA HUNGARY

Cả Hungary và Na Uy hiện đều chi hơn 3% GDP cho các chính sách hỗ trợ gia đình, nhiều hơn chi tiêu dành cho quân đội – theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Trong đó, Hungary thậm chí chi hơn 5% GDP cho các chính sách này. Tại Hungary, chương trình tín dụng nhà ở đã giúp gần 250.000 gia đình mua hoặc nâng cấp nhà. Để so sánh, hiện Mỹ chi khoảng 1% GDP cho các chính sách hỗ trợ gia đình, bao gồm tín dụng thuế trẻ em và chương trình dành cho hộ gia đình thu nhập thấp.

Orsolya Kocsis, một nhân viên nhân sự 28 tuổi, biết rằng sinh con sẽ giúp cô và chồng mua được căn nhà lớn hơn tại thủ đô Budapest (Hungary), nhưng điều đó không đủ để cô thay đổi quyết định không sinh con.

“Nếu chúng tôi nói rằng sẽ sinh 2 con, về cơ bản chúng tôi sẽ có thể mua nhà mới ngay ngày mai”, Kocsis cho biết. “Nhưng xét về mặt đạo đức, tôi cảm thấy không ổn nếu sinh con để mua nhà”.

Thúc đẩy sinh con là một trong những mục tiêu chính trong chương trình nghị sự của Thủ tướng Hungary Viktor Orbán. Hội nghị thượng đỉnh nhân khẩu học Budapest được tổ chức 2 năm một lần tại Hungary hiện trở thành nơi gặp gỡ của các chính tị gia và nhà tư tưởng nổi tiếng. Cựu phát thanh viên Tucker Carlson của kênh Fox News và JD Vance, người được ông Trump chọn làm ứng viên phó tổng thống của mình, cũng từng dành lời khen cho chính sách gia đình của ông Orbán.

Vị Thủ tướng mô tả việc sinh con trong mô hình gia đình “truyền thống” là nhiệm vụ quốc gia, là một giải pháp thay thế cho việc tiếp nhận người nhập cư để tăng dân số. Tại Hungary, đối tượng được hưởng lợi chính từ chính sách gia đình chủ yếu là các cặp đôi kết hôn, người đồng tính và các gia đình trung lưu. Những cặp đôi ly hôn không được hưởng lãi suất vay ưu đãi và trong một số trường hợp phải trả lại tiền hỗ trợ.

Dân số Hungary bắt đầu giảm từ những năm 1980. Với chưa đầy 10 triệu người, dân số nước này hiện tương đương với dân số bang Indiana của Mỹ.

Tỷ lệ sinh của Hungary giảm mạnh sau khi Liên Xô sụp đổ và giảm xuống còn 1,25 trẻ trên mỗi phụ nữ vào năm 2010. Năm 2021, tỷ lệ sinh của nước này tăng lên 1,6.

Ivett Szalma, phó giáo sư tại Đại học Corvinus Budapest, cho biết giống như nhiều quốc gia khác, những phụ nữ Hungary trì hoãn việc sinh con sau khủng hoảng tài toàn cầu giờ đây đã bắt đầu suy nghĩ lại.

Tuy nhiên, điều này không kéo dài lâu. Hai năm qua, tỷ lệ sinh của Hungary lại giảm. Tính từ đầu năm nay tới tháng 8, nước này chỉ có khoảng 51.500 trẻ em được sinh ra, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều phụ nữ cho biết tình trạng thiếu kinh phí trong hệ tống giáo dục và y tế, cùng những khó khăn trong cân bằng công việc và gia đình là lý do khiến họ không muốn sinh thêm con.

Anna Nagy, một cựu luật sư 35 tuổi, sinh con vào tháng 1/2021. Cô nhận được một khoản vay khoảng 27.300 và được hoãn trả nợ cho tới khi con trai tròn 3 tuổi. Nagy đã nghỉ việc trước khi sinh con nhưng vẫn nhận được trợ cấp thai sản từ chính phủ tương đương 70% mức lương của công việc gần nhất trong 2 năm đầu và tỷ lệ thấp hơn cho năm thứ ba. Nagy từng có ý nghĩ muốn sinh 2-3 con, nhưng bây giờ chỉ một là đủ. Cô cảm thấy khó chịu về những ẩn ý rằng những người như cô có trách nhiệm giải quyết các thách thức nhân khẩu học của đất nước.

“Là phụ nữ, chúng tôi không có trách nhiệm duy trì dân số cho đất nước”, Nagy nói.

LIỆU CÓ LÃNG PHÍ?

Tại Hungary, những hộ gia đình có nhiều con hoặc sinh con khi còn trẻ nhận được nhiều hỗ trợ hào phóng. Tuy nhiên, năm ngoái, chính phủ thông báo sẽ giới hạn đối tượng của trình cho vay tương tự như Nagy nhận để chỉ áp dụng cho nữ giới dưới 30 tuổi. Những gia đình cam kết có từ 3 con trở lên có thể nhận được khoản vay lãi suất thấp trị giá trên 150.000 USD. Các quyền lợi khác bao gồm miễn thuế thu nhập cá nhân trọn đời cho các bà mẹ có từ 4 con trở lên và thêm tối đa 7 ngày nghỉ phép/năm cho cả bố và mẹ.

Theo một chương trình khác (hiện đã hết hạn), gần 30.000 gia đình đã sử dụng trợ cấp từ chính phủ để mua xe minivan - loại xe phù hợp với gia đình đông người.

Tuy nhiên, một số người phản đối cho rằng chính sách gia đình của Hungary là “lãng phí”, bởi những người thuộc đối tượng hưởng hiện tại sẽ vẫn sinh nhiều con dù có được hỗ trợ hay không. Chính phủ cũng bị chỉ trích khi không áp dụng chính sách hỗ trợ cho các nhóm người như người dân tộc thiểu số Roma và người nghèo bởi để nhận trợ cấp cần có tài khoản ngân hàng, lịch sử tín dụng và lịch sử việc làm ổn định.

Các chương trình của chính phủ không phải là nhân tố quyết định đối với Eszter Gerencsér, 37 tuổi, bởi cô và chồng luôn có một gia đình đông con. Hiện họ có 4 con ở độ tuổi từ 3-10. Họ nhận được khoản vay lãi suất thấp khoảng 62.800 USD thông qua các chương trình của chính phủ và được trợ cấp khoảng 35.500 USD. Họ đã dùng số tiền này để mua và nâng cấp căn nhà ở ngoại ô Budapest của mình. Sau khi sinh đứa con thứ 4, Chính phủ đã xóa nợ khoảng 11.000 USD cho cô. Gia đình Gerencsér hiện nhận được trợ cấp hàng tháng khoảng 40 USD/trẻ.

Hầu hết nữ giới Hungary ở nhà chăm con cho tới khi con được 2 tuổi. Sau đó, trợ cấp dành giảm xuống, nhưng họ được miễn phí dịch vụ chăm sóc trẻ nếu có đông con. Gerencsér làm việc bập bõm giữa các lần mang thai và sinh con, và mới trở lại công việc toàn thời gian vào năm nay. Cô cho rằng xã hội Hungary vẫn có cái nhìn thiếu thiện cảm với các bà mẹ và cho biết cô đã phải chật vật để tìm việc do các chủ doanh nghiệp lo rằng cô sẽ hay phải nghỉ làm để chăm sóc con.

“Danh tiếng là quốc gia thân thiện với các gia đình của Hungary chỉ là một bài tiếp thị hiệu quả”, Gerencsér nói.

Eszter Gerencsér cùng chồng và 4 con - Ảnh: WSJ
Eszter Gerencsér cùng chồng và 4 con - Ảnh: WSJ

KHÔNG PHẢI VẤN ĐỀ TIỀN BẠC

Trong nhiều thập kỷ qua, Na Uy có chính sách hỗ trợ sinh đẻ với chế độ nghỉ sinh và trợ cấp chăm sóc con hào phóng. Các cặp đôi mới có con tại nước này được chia nhau nghỉ phép hưởng 100% lương trong gần một năm hoặc khoảng 14 tháng hưởng 80% lương. Các ông bố cũng được nghỉ hơn 3 tháng để khuyến khích chăm con bình đẳng. Các bà mẹ đi làm được nghỉ ít nhất một tiếng tại công sở để hút sữa.

Theo giáo sư nhân khẩu học Trude Lappegard của Đại học Oslo, mục tiêu của Chính phủ Na Uy chưa bao giờ là khuyến khích sinh nhiều con hơn mà là giúp phụ nữ cân bằng giữa sự nghiệp và con cái dễ dàng hơn. Nước này cũng không hạn chế quyền lợi trợ cấp sinh đẻ đối với các cặp đôi chưa kết hôn hay cặp đôi đồng giới.

Từ năm 2009, tỷ lệ sinh của nước này đã giảm đều đặn từ mức gần 2 trẻ trên mỗi phụ nữ xuống còn 1,4 trẻ năm 2023. Tuy nhiên, không giống Hungary, dân số của Na Uy hiện vẫn tăng, chủ yếu nhờ người nhập cư.

“Thật khó để tìm lý do người dân có xu hướng sinh ít con hơn”, bà Kjersti Toppe, Bộ trưởng Bộ Trẻ em và Gia đình Na Uy, phát biểu. Theo bà. Chính phủ đã tăng mức trợ cấp hàng tháng cho các cặp cha mẹ và thành lập một ủy ban để điều tra tình trạng suy giảm trẻ em và tìm cách đảo ngược tình thế.

Hiện tại, ngày càng nhiều phụ nữ Na Uy không sinh con hoặc chỉ sinh một con. Tỷ lệ phụ nữ 45 tuổi có từ 3 con trở lên đã giảm từ mức 33% năm 2010 xuống còn 27,5% vào năm ngoái. Nữ giới cũng sinh con muộn hơn.

Độ tuổi sinh con đầu lòng bình quân của nữ giới nước này tăng lên 30,3 tuổi vào năm ngoái. Đây là tình trạng phổ biến tại nhiều quốc gia phát triển. Chi phí nhà ở tăng lên cùng với việc mất nhiều thời gian hơn để xây dựng sự nghiệp được cho là hai trong số nhiều nguyên nhân. Sinh con muộn, đặc biệt là phụ nữ trên 35 tuổi, có thể gây ra nhiều nguy cơ như vô sinh hoặc biến chứng thai kỳ.

Gina Ekholt, 39 tuổi, cho biết các chính sách của chính phủ đã giúp cô trang trải phần lớn chi phí chăm sóc con và tiếp tục sự nghiệp tại tổ chức phi lợi nhuận Save the Children Norway. Ekholk được trợ cấp làm thụ tinh nhân tạo, trị giá khoảng 1.600 USD, và sinh con đầu lòng năm 34 tuổi. Hiện tại, cô nhận được trợ cấp khoảng 160 USD/tháng, gần như đủ chi phí chăm sóc trẻ 190 USD/tháng.

“Về mặt kinh tế thì không có vấn đề gì. Vấn đề chính của tôi là khó khăn trong việc sinh thêm con. Mọi người đều nói chúng tôi nên sinh thêm con và thật ích kỷ nếu chỉ sinh một đứa. Những điều này khiến tôi thấy áp lực”, Ekholt chia sẻ. “Với tôi, quyết định sinh con không liên quan tới vấn đề tiền bạc mà liên quan tới cuộc sống của tôi”.