12:47 05/09/2009

Mỹ “xóa sổ” thêm 5 ngân hàng

Kiều Oanh

Từ đầu năm tới nay, đã có 89 ngân hàng Mỹ bị đóng cửa, so với con số 25 ngân hàng “sập tiệm” trong cả năm 2008

Vantus Bank có tổng tài sản 458 triệu USD và quản lý 368 triệu USD tài sản của khách hàng.
Vantus Bank có tổng tài sản 458 triệu USD và quản lý 368 triệu USD tài sản của khách hàng.
Các nhà chức trách Mỹ làm thủ tục đóng cửa thêm 5 nhà băng, nâng tổng số ngân hàng bị giải thể ở nước này từ đầu năm 2009 tới nay lên con số 89. Những khoản nợ xấu tiếp tục làm các ngân hàng ở nước này, đặc biệt là các ngân hàng quy mô nhỏ, điêu đứng.

Theo Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC), các ngân hàng bị đóng cửa đợt này bao gồm Vantus Bank ở bang Iowa, InBank ở bang Illinois, Platinum Community Bank of Rolling Meadows ở Illinois, First Bank of Kansas City ở bang Missouri, và First State Bank of Flagstaff thuộc bang Arizona.

Trong số này, ngân hàng có quy mô lớn nhất là Vantus Bank với tổng tài sản 458 triệu USD và quản lý 368 triệu USD tài sản của khách hàng.

Còn lại, Inbank có 212 triệu USD tài sản và 199 triệu USD tiền gửi; First State Bank of Flagstaff có 105 triệu USD tài sản và 95 triệu USD tiền gửi; First Bank of Kansas City có 16 triệu USD tài sản và 15 triệu USD tiền gửi.

Theo Văn phòng Giám sát tiết kiệm Mỹ (OTS), Platinum Community Bank có tổng tài sản 148 triệu USD, nhưng Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi Liêng bang (FDIC) lại cho rằng, ngân hàng này sở hữu khối tài sản trị giá 345,6 triệu USD.

FDIC cho hay, 5 vụ giải thể ngân hàng này tiêu tốn của FDIC số tiền 401,3 triệu USD.

Như vậy, từ đầu năm tới nay, đã có 89 ngân hàng Mỹ bị đóng cửa, so với con số 25 ngân hàng “sập tiệm” trong cả năm 2008.

Tính tới cuối quý 2 vừa qua, quỹ bảo hiểm của FDIC chỉ còn 10,4 tỷ USD. Tuy nhiên, ngoài khoản này, FDIC đã dự phòng một khoản 32 tỷ USD để giải quyết các vụ đổ vỡ ngân hàng có thể xảy ra trong năm 2010. Mức trần bảo hiểm tiền gửi mà FDIC đang áp dụng là 250.000 USD mỗi tài khoản.

Cũng ở thời điểm cuối quý 2, đã có 416 ngân hàng bị FDIC liệt vào danh sách những nhà băng có nguy cơ đổ vỡ. Danh tính cụ thể của các ngân hàng này không được tiết lộ.

Bà Chủ tịch FDIC Sheila Bair cho rằng, số vụ đổ vỡ ngân hàng tại Mỹ sẽ còn tiếp tục gia tăng thậm chí cả khi kinh tế Mỹ bắt đầu phục hồi vì ngành ngân hàng vẫn đang tiếp tục đối đầu với thua lỗ và trong quá trình “làm sạch” bảng cân đối kế toán của họ.

(Theo Reuters)