Thêm 2 trường hợp bị phản ứng nặng sau tiêm vaccine Covid-19
Trong ngày 14/3 đã ghi nhận 2 trường hợp phản ứng nặng sau tiêm vaccine Covid-19. Các tỉnh bắt đầu triển khai trong tuần này gồm Quảng Ninh, Điện Biên, Đồng Tháp
Theo thông tin từ Chương trình Tiêm chủng Mở rộng quốc gia (TCMR), ngày 14/3 đã có thêm 1.382 người được tiêm chủng vaccine Covid-19, đã ghi nhận thêm 2 trường hợp phản ứng nặng sau tiêm vaccine. Trong tuần này thêm 3 địa phương sẽ triển khai tiêm vaccine Covid-19 là Quảng Ninh, Điện Biên và Đồng Tháp.
Sau 1 tuần triển khai, từ 8 - 14/3, tổng cộng đã thực hiện tiêm vaccine phòng Covid-19 cho 11.605 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng.
Trong số 11.605 người được tiêm tại 12 tỉnh/thành phố trong các ngày từ 8-14/3, tỉnh Hải Dương 7.276 người, Tp Hà Nội 163 người, Hưng Yên 1.008 người, Bắc Ninh 312 người, Bắc Giang 1.230 người, Tp Hải Phòng 205 người, Tp.HCM 774 người, Gia Lai 200 người, Long An 193 người, Tp Đà Nẵng 117 người, Hòa Bình 32 người và Khánh Hòa 95 người.
Một số cơ sở y tế tạm ngừng tiêm trong 2 ngày nghỉ cuối tuần và tiếp tục triển khai vào đầu tuần này khi quay trở lại làm việc. Các tỉnh bắt đầu triển khai trong tuần này gồm Quảng Ninh, Điện Biên, Đồng Tháp.
Theo báo cáo nhanh từ các điểm tiêm chủng, trong ngày 14/3 đã ghi nhận 2 trường hợp phản ứng nặng, trong đó 1 trường hợp có dấu hiệu chóng mặt, bồn chồn, khó chịu xuất hiện trong vòng 30 phút sau tiêm.
Trường hợp thứ hai được chẩn đoán sốc phản vệ độ 3 với dấu hiệu ban đầu sốt, rét run kèm theo co quắp, tê bì tay xuất hiện 8 giờ sau tiêm. Cả hai trường hợp này được phát hiện và xử trí kịp thời theo đúng quy định, hiện tại sức khoẻ đã ổn định.
Trước đó, những ngày qua cũng đã ghi nhận 12 trường hợp phản ứng phản vệ nặng sau tiêm độ 2-3 như: nổi mày đay, ngứa, phù mạch tại chỗ tiêm, khó thở…Trong đó, điểm tiêm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Tp.HCM có 6 người bị phản ứng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Phòng 4 người, Bệnh viện dã chiến Gia Lai 1 người, 1 trường hợp tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp cơ sở 2 Hải Phòng.
Tất cả các trường hợp phản ứng sau tiêm này đều được xử trí trong một ngày, sức khỏe ổn định.
Bộ Y tế cũng đã yêu Tp.HCM, Tp Hải Phòng, Gia Lai khẩn trương điều tra xác minh thông tin. Đồng thời tổ chức họp Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân tai biến sau tiêm chủng để đánh giá, kết luận nguyên nhân các trường tai biến nặng sau tiêm.
Các địa phương yêu cầu người đi tiêm chủng thông báo đầy đủ tình trạng sức khỏe và tiền sử tiêm chủng cho cán bộ y tế như các bệnh nền, các bệnh cấp tính mắc và sử dụng thuốc trong thời gian gần đây, lưu ý các trường hợp có tiền sử dị ứng.
Về tình hình dịch bệnh trong nước, sáng nay (15/3), Bộ Y tế chưa ghi nhận thêm ca nhiễm mới. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly là 39.613 người, trong đó, cách lly tập trung tại bệnh viện 503 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 16.056 người, số còn lại cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Số ca âm tính với SARS-CoV-2 lần 1 và lần 2 đều 48 người, âm tính lần 3 là 91 người.
Từ đầu năm đến nay, 13 tỉnh, thành ghi nhận ca nhiễm Covid-19 do lây nhiễm cộng đồng, trong đó Hải Dương 717 ca, Quảng Ninh 61 ca, Tp.HCM 36 ca, Hà Nội 35 ca, Gia Lai 27 ca, Bình Dương 6 ca, Bắc Ninh 5 ca, Hải Phòng 4 ca, Điện Biên 3 ca, Hòa Bình, Hưng Yên, Bắc Giang mỗi nơi 2 ca và Hà Giang 1 ca.
Tổng cả nước hiện có 1.594 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 901 ca.
10 tỉnh, thành phố tròn 1 tháng không ghi nhận trường hợp mắc mới Covid-19 trong cộng đồng gồm: Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Bắc Ninh, Quảng Ninh và Tp.HCM.
Hà Nội 27 ngày không có ca bệnh Covid-19 mắc mới tại cộng đồng. Hải Phòng tính từ ca bệnh mắc gần nhất đến nay tròn 20 ngày thành phố này không có ca bệnh mới tại cộng đồng.