Thêm một bước cụ thể trong mục tiêu đẩy lùi tín dụng đen
Hạn mức cho vay không phải bảo đảm tiền vay đối với các hộ nghèo được nâng lên gấp đôi từ 1/3 tới
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội vừa ký ban hành quyết định nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối với hộ nghèo đáp ứng nh cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.
Theo đó, kể từ ngày 1/3/2019, Ngân hàng Chính sách xã hội nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ vay không phải bảo đảm tiền vay.
Đồng thời, quyết định trên cũng nâng thời hạn cho vay tối đa lên 120 tháng, phù hợp với quá trình sinh trưởng và phát triển của các đối tượng đầu tư dài hạn.
Như vậy, sau định hướng Ngân hàng Nhà nước đề ra đầu năm, hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam tiếp tục có thêm một bước đi cụ thể nữa trong các giải pháp, các bước đẩy lùi tình trạng tín dụng đen.
Trong định hướng này, Ngân hàng Chính sách xã hội cùng Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) là hai đầu mối chính xây dựng nguồn vốn cụ thể, chính sách và lợi thế mạng lưới phủ đến các phường xã để đẩy mạnh cho vay hỗ trợ các hộ dân.
Trước đó, Agribank cũng đã xây dựng gói tín dụng 5.000 tỷ đồng để triển khai từ đầu năm 2019.
Có một điểm đáng chú ý, hoạt động cho vay tín chấp với các đối tượng là hộ nghèo trên cả nước, nhưng chất lượng tín dụng tại Ngân hàng Chính sách xã hội những năm qua vẫn được kiểm soát tốt.
Tính đến 31/12/2018, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách tại đầu mối này đã đạt 194.420 tỷ đồng, tăng 19.038 tỷ đồng so năm 2017. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt 187.792 tỷ đồng, tăng 16.003 tỷ đồng (9,3%) so với năm 2017, với gần 6,7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang được vay vốn; trong đó, dư nợ tín dụng thực hiện theo kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đạt 165.141 tỷ đồng, tăng 12.938 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch.
Riêng trong năm 2018, tổng doanh số cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 62.078 tỷ đồng với hơn 2,1 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn.
Và đến 31/12/2018, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh tại ngân hàng này chỉ chiếm 0,78%/tổng dư nợ, trong đó nợ quá hạn 736 tỷ đồng, chiếm 0,39%/tổng dư nợ.
Sau những bước đi cụ thể trên, được biết Ngân hàng Nhà nước đang lên kế hoạch cùng một số tổ chức tín dụng sẽ tiến hành khảo sát trực tiếp tại một số địa bàn "điểm nóng" của tín dụng đen thời gian qua, nắm thêm thực tế để tiếp tục triển khai các bước trong định hướng đề ra đầu năm nay.