Thêm nhiều "mạng ảo", thị trường mạng di động Việt Nam có "bội thực"?
Tới đây thị trường viễn thông có thể đón thêm nhiều "mạng di động ảo" mới, điều này đặt ra câu hỏi có quá nhiều nhà mạng và có bị "bội thực" mạng di động?
Những tín hiệu gần đây cho thấy thị trường viễn thông di động tới đây có thể đón thêm nhiều mạng di động ảo mới, qua đó làm gia tăng số lượng mạng di động lên gần chục nhà cung cấp. Điều này đặt ra câu hỏi thị trường Việt Nam có quá nhiều mạng di động?
Có "bội thực" mạng di động?
Thời điểm năm 2009, khi thị trường có 7 nhà mạng gồm MobiFone, VinaPhone, Viettel, Sfone, EVN Telecom, Vietnamobile và Beeline, nhiều chuyên gia viễn thông trong và ngoài nước cho rằng thị thường di động Việt Nam đang tồn tại quá nhiều nhà mạng với mức độ cạnh tranh dày đặc. Tuy nhiên, tới đây, số lượng mạng di động tại thị trường Việt còn có thể nhiều hơn con số 7.
Hiện tại, sau khi mạng di động ảo Itelecom (đầu số di động là 087, chạy trên hạ tầng của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam - VNPT) của Công ty Cổ phần Viễn thông Đông Dương Telecom ra mắt cuối tháng 4 vừa rồi, thị trường viễn thông di động có 6 nhà cung cấp dịch vụ gồm Viettel, VinaPhone, MobiFone, Vietnamobile, Gmobile và Itelecom.
Tuy vậy, tín hiệu từ một lãnh đạo VNPT cho biết, hiện tập đoàn đã tiếp tục ký kết với một công ty về viễn thông chuyên kinh doanh mạng di động ảo (MVNO) nổi tiếng của Malaysia để cung cấp dịch vụ viễn thông di động tại Việt Nam theo mô hình MVNO. Một nhà mạng lớn khác là MobiFone, lãnh đạo của nhà mạng này cũng tiết lộ với VnEconomy là MobiFone hiện đang trong quá trình đàm phán với đối tác về các quy định, điều khoản để có thể ký kết và sớm triển khai mạng di động ảo, và đối tác triển khai mạng ảo này là một doanh nghiệp trong nước.
Vị lãnh đạo MobiFone cũng cho biết không chỉ có một đối tác đang đàm phán trên mà nhiều đơn vị khác cũng đã ngỏ lời với MobiFone để triển khai mạng di động ảo và MobiFone sẽ cân nhắc. Những chỉ dấu này cho thấy thị trường viễn thông di động Việt Nam có thể sẽ có tới 8-9 nhà mạng, nhiều hơn cả số lượng nhà mạng ở thời điểm Việt Nam được nhìn nhận có nhiều nhà mạng nhất – 7 nhà mạng.
Theo lãnh đạo MobiFone, sẽ khó có thể nói thị trường có quá nhiều mạng hay có "bội thực" nhà mạng hay không bởi điều này phụ thuộc vào việc tiếp nhận của người tiêu dùng có chấp nhận sản phẩm dịch vụ của mạng ảo đó hay không, còn nếu không thì các "ông ảo" đó sẽ bị triệt tiêu. Theo ông, ở nhiều nước trên thế giới, số lượng mạng di động ảo rất nhiều, thậm chí còn lên tới hàng chục mạng ảo.
Ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, Việt Nam hay các nước trên thế giới cũng vậy, là đều có quy hoạch phát triển thị trường viễn thông, trong đó chỉ giới hạn cấp phép cho nhà mạng có hạ tầng, còn với các nhà mạng di động không tần số cơ quan quản lý không giới hạn cấp phép, mà điều này phụ thuộc vào nhu cầu thực tế của mỗi nhà mạng có hạ tầng. Và thực tế các nước trên thế giới có nhiều nhà cung cấp "mạng di động ảo" cùng hoạt động, ông Trung cho biết.
Có lợi nhưng lo ngại "cuộc chiến giá"
Vị lãnh đạo nói trên của Tập đoàn VNPT cho biết, việc doanh nghiệp – VNPT đầu tư hạ tầng mạng lưới, VinaPhone (đơn vị kinh doanh viễn thông di động của VNPT) không bán hết (lưu lượng viễn thông) nên dư thừa, trong khi thị trường viễn thông lại rơi vào tình trạng bão hòa. Khi đó đối tác (đơn vị triển khai mạng di động ảo) lại có những lợi thế như có hệ thống bán hàng hiện đại, có sẵn tập khách hàng, có thế mạnh trong từng phân khúc thị trường… thì tội gì không bán.
"Mình bán buôn theo gói, còn việc họ có kinh doanh được không là việc của nhà mạng ảo. Nhưng khi họ thêm vào mạng lưới thì mình có thêm tiền, thêm nguồn doanh thu mới, thêm lợi nhuận, mà lại chẳng phải làm gì. Trong khi lưu lượng mình bán không hết, để không máy vẫn chạy, vẫn phải trả lương, rồi chi phí khấu hao", vị lãnh đạo VNPT chia sẻ.
Ông Nguyễn Đăng Nguyên, Phụ trách chức vụ Tổng giám đốc MobiFone cho rằng, mạng di động ảo thực chất là hình thức bán buôn của những mạng sở hữu hạ tầng mạng lưới – bán lưu lượng ở những vùng dung lượng đang thừa, vùng thị trường phát triển kém… cho người mua buôn dung lượng để bán lại, như thế đồng nghĩa với việc nhà mạng (bán lưu lượng) sẽ tăng doanh thu.
Thậm chí theo ông Nguyên, những đơn vị có hạ tầng, chẳng hạn như MobiFone còn có thể đi mua buôn lưu lượng của "ông" khác – ví như VNPT đang thừa dung lượng nhưng MobiFone có thị trường tốt hơn thì có thể mua lại dung lượng rồi bán, như vậy, sẽ tốt hơn cho nhà mạng để tiết giảm chi phí.
Lãnh đạo nhiều nhà mạng cho biết sẽ không hạn chế mạng di động ảo miễn là không để hai ba mạng (ảo) cùng một vùng, vì như thế lại "đánh nhau" thì bản thân sản phẩm của chính nhà mạng cho thuê cũng bị ảnh hưởng và không phát huy hiệu quả. Do đó, điều kiện đặt ra là sẽ phân ra từng địa bàn, nhà mạng có hạ tầng vẫn tiếp cận đối tượng khách hàng doanh nghiệp, khách hàng lớn, còn những khách hàng phổ thông, khách hàng lẻ thì có thể để đối tác – mạng ảo tiếp cận, cung cấp.
Do là các mạng nhỏ, lại đến sau, nhất là khi thi trường đã tiệm cận ngưỡng bão hòa (với trên 133 triệu thuê bao) nên các mạng di động ảo gần như buộc phải cạnh tranh bằng giá bán mới có thể thu hút được người dùng. Viễn cảnh này khiến chính các nhà mạng lớn – đơn vị có hạ tầng cho thuê - cũng lo ngại "không khéo thị trường lại lao vào cuộc chiến về giá".
Bởi, thứ nhất, mạng ảo mua buôn giá sẽ rẻ hơn giá của doanh nghiệp bán lẻ ra thị trường. Thứ hai, đơn vị làm mạng ảo có thể sẽ mang các gói cước (giá bán buôn) đến ra giá với từng nhà mạng có hạ tầng, do đó vô hình trung các nhà mạng có thể sẽ đẩy nhau vào vòng xoáy giảm giá để cạnh tranh nhau về doanh thu, điều này tương tự như câu chuyện giá cước quốc tế chiều về đã diễn ra trong nhiều năm qua.
"Thế nên vẫn cần các quy chế quản lý của nhà nước trong việc khai thác mạng ảo, như về phạm vi kinh doanh, trách nghiệm nghĩa vụ… nếu không sẽ xảy ra tình trạng cạnh tranh không công bằng và có thể dẫn đến cuộc chiến về giá cước", lãnh đạo nhiều nhà mạng nêu quan điểm.