22:42 04/04/2011

Thêm những ngân hàng lớn giảm lãi suất USD

Minh Đức

Hướng điều chỉnh giảm lãi suất huy động USD tiếp tục mở rộng khi có thêm sự nhập cuộc của một số ngân hàng lớn

Từ tuần thứ hai của tháng 3/2011 đến nay, nhiều ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất huy động USD.
Từ tuần thứ hai của tháng 3/2011 đến nay, nhiều ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất huy động USD.
Hướng điều chỉnh giảm lãi suất huy động USD tiếp tục mở rộng với sự nhập cuộc của một số ngân hàng lớn, dù mức giảm chưa thực sự mạnh.

Đầu tháng này, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) áp dụng biểu lãi suất huy động mới. Điểm đáng chú ý ở biểu lãi suất mới của Sacombank là sự điều chỉnh có ở lãi suất tiết kiệm có kỳ hạn thông thường bằng USD.

Cụ thể, với các khoản tiết kiệm có giá trị dưới 10.000 USD, mức lãi suất cao nhất tại Sacombank chỉ 4,62%/năm, lĩnh lãi cuối kỳ ở kỳ hạn 6 tháng; các kỳ hạn khác đồng loạt nằm dưới 4,5%/năm. Với các khoản tiền gửi cao hơn, ngay cả trên 300.000 USD, mức lãi suất cao nhất cũng chỉ 4,88%/năm và chỉ áp cho hai kỳ hạn ngắn là 2 và 3 tháng; các kỳ hạn khác áp thấp dần, phổ biến dưới 4,7%/năm và thấp nhất là các kỳ hạn dài 18, 24 và 36 tháng (không tính các kỳ hạn theo tuần chưa đầy 1%/năm).

Như vậy, lãi suất huy động USD của Sacombank đã có điều chỉnh, những mức cao ở khoảng 5% - 5,2%/năm trước đó đã không còn.

Biểu lãi suất mới của Sacombank được áp dụng ngay sau sự kiện ngân hàng này ký hợp đồng vay vốn cấp 2 với tổng hạn mức 150 triệu USD của Định chế tài chính hỗ trợ phát triển Hà Lan (FMO) với thời hạn vay lên tới 10 năm. Có thể, sự bổ sung của nguồn vốn lớn này là một nguyên nhân chính để Sacombank điều chỉnh lãi suất huy động USD.

Tương tự, một thành viên lớn khác là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng vừa có quyết định giảm lãi suất huy động USD. Mức cao nhất 5,55%/năm hồi đầu tháng 3/2011 đã rút về còn 5,3%/năm và chỉ áp ở kỳ hạn 9 tháng; các kỳ hạn còn lại chỉ áp từ 5% - 5,2%/năm; các kỳ hạn dài 18 và 24 tháng lần lượt là 4,8% và 4,7%/năm.

Việc cả Sacombank và Agribank cùng áp lãi suất thấp rõ rệt ở các kỳ hạn dài có thể xem là sự dự phòng rủi ro chi phí huy động trong tương lai.

Như vậy, từ tuần thứ hai của tháng 3/2011 trở lại đây, sau khi một số thành viên như Eximbank, Kienlong Bank mở đầu đợt điều chỉnh, nhiều ngân hàng thương mại khác cũng đã nhập cuộc giảm lãi suất huy động USD như VietinBank, PG Bank, SeABank, VietABank và nay có thêm Sacombank, Agribank.

Xu hướng điều chỉnh trên được mở rộng, nhưng mức giảm chưa thực sự mạnh. Điều này có thể giải thích từ sự thận trọng của ngân hàng trong cân đối các nguồn vốn, cũng như chờ đợi những động thái mới của chính sách.

Cuối tháng 3 vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã chính thức ban hành thông tư hướng dẫn cơ chế mới về cho vay bằng ngoại tệ. Và dự kiến trong tháng 4 này, nhà điều hành cũng sẽ đề xuất Thủ tướng Chính phủ lộ trình giảm Đô la hóa trong nền kinh tế, trong đó có định hướng chuyển dần quan hệ huy động - cho vay trong nước bằng ngoại tệ của các tổ chức tín dụng sang quan hệ mua - bán ngoại tệ.