Thêm rào cản cho xuất khẩu tôm
VASEP phản bác lời cáo buộc ngành tôm Việt Nam có nhận sự trợ cấp là không có cơ sở.
Dù đã kiên trì theo đuổi mục tiêu hạ mức thuế nhưng tới giờ, thuế chống bán phá giá áp đặt cho mặt hàng tôm Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ vẫn chưa được tháo gỡ. Thêm một lần nữa, các doanh nghiệp tôm của Mỹ lại tạo cơn sóng gió khi yêu cầu áp thuế trợ cấp đối với mặt hàng này của Việt Nam.
Năm 2012, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của ngành tôm Việt Nam sau Nhật Bản, chiếm 20% tỷ trọng giá trị xuất khẩu của toàn ngành.
Nhiều trở ngại cho xuất khẩu
Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ năm 2012 giảm mạnh, kim ngạch xuất khẩu đạt 480 triệu USD, giảm 14% so với cùng kì 2011. Kim ngạch xuất khẩu giảm là do nguồn cung tôm vào thị trường Mỹ vượt cao hơn so với nhu cầu của thị trường, nhất là giai đoạn cuối năm. Tháng 8 kim ngạch giảm 23,3%, tháng 9 và 10 đều có mức giảm trên 20%.
Trong cơ cấu sản phẩm tôm Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ, tôm thịt là mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất với tỉ lệ 56,7%. Hiện tôm Việt Nam đang mất dần lợi thế so với các nhà cung cấp khác như Ấn Độ, Ecuador tại thị trường này. Trong khi tôm Việt Nam xuất vào Mỹ sụt giảm thì xuất khẩu của hai nước này lại tăng lên lần lượt với mức 25,7% và 12,1%. Cạnh tranh với các nước đang là nỗi lo lớn khi kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ của ngành tôm Việt Nam đã giảm rõ rệt.
Mặt khác, giá tôm của Việt Nam luôn cao hơn tôm của các nước từ 1-2 USD. Nếu bị áp thêm thuế trợ cấp, cạnh tranh của con tôm Việt Nam tại thị trường Mỹ càng tăng lên và chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kim ngạch xuất khẩu của ngành.
Ngày 28/12/2012, Liên minh các nhà chế biến tôm của Mỹ đã nộp đơn lên Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) yêu cầu điều tra áp thuế chống trợ cấp và đệ đơn lên Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC) yêu cầu điều tra về thiệt hại liên quan đến mặt hàng tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Ecuador. Việt Nam đang chiếm 8,02% trong tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng tôm nước ấm của thị trường Mỹ trong thời gian từ tháng 11/2011 – 10/2012.
Theo đơn kiện, DOC sẽ tiến hành điều tra để xác định các công ty tôm Việt Nam có nhận được các khoản trợ cấp không chính đáng từ Chính phủ ở các cấp độ quốc gia, tỉnh hoặc địa phương. Nếu DOC xác định các công ty tôm Việt Nam có nhận được sự trợ cấp, tôm Việt Nam sẽ phải chịu thêm một khoản thuế trợ giá bên cạnh khoản thuế chống bán phá giá mà Mỹ đang áp lên tôm Việt Nam nhập khẩu vào thị trường này từ năm 2004. Dự kiến cuối tháng 1/2013, sẽ bước vào giai đoạn rà soát hành chính lần thứ 9.
Đây là vụ cáo buộc trợ cấp thứ 4 của các doanh nghiệp Hoa Kỳ nhằm vào các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam kể từ năm 2009, sau các mặt hàng túi nhựa P.E, ống thép hàn cacbon và mắc áo thép. Tôm là mặt hàng nông nghiệp đầu tiên của Việt Nam bị doanh nghiệp Mỹ kiện có trợ cấp.
Sẵn sàng minh oan cho con tôm
Lý do các doanh nghiệp tôm của Mỹ kiện tôm Việt Nam có trợ cấp là do giá tôm nhập khẩu vào thị trường Mỹ có giá rẻ hơn giá tôm của các doanh nghiệp nội địa. Theo Cục Quản lý cạnh tranh, doanh nghiệp Mỹ lo ngại sự phát triển mạnh mẽ của ngành nuôi thủy sản của các nước khu vực Đông Nam Á ngày càng đạt trình độ kỹ thuật cao, tiết kiệm được chi phí nên giá thành sẽ thấp đi.
Trong khi đó, ngành tôm của Mỹ chủ yếu khai thác từ đánh bắt nên đã đội chi phí lên rất nhiều và không thể hạ giá thành thấp hơn. Do đó, phía Mỹ tạo ra các hàng rào thuế quan để cản bớt tôm nhập khẩu vào thị trường này. Đối với Việt Nam, Mỹ sẽ xem xét 14 nội dung mà Mỹ nghi ngờ Chính phủ có trợ cấp đối với ngành tôm như chương trình phát triển nuôi tôm, hỗ trợ vốn, tiền thuê đất nuôi tôm, các loại thuế, phí...
Theo Luật chống trợ cấp của Mỹ, DOC sẽ điều tra xác định biên độ trợ cấp và ITC sẽ điều tra xác định thiệt hại đối với ngành sản xuất nội địa của Mỹ. Chỉ cần một trong hai cơ quan trên đưa ra quyết định phủ nhận tồn tại việc trợ cấp hoặc thiệt hại là cuộc điều tra sẽ được hủy bỏ.
Trong 45 ngày tới, ITC sẽ đưa ra quyết định ban đầu về việc có hay không những thiệt hại kinh tế đối với ngành tôm nội địa Mỹ. Trong 25 ngày tới, DOC sẽ tiến hành điều tra việc áp dụng thuế trợ cấp bắt đầu bằng việc gửi bảng câu hỏi về số lượng và giá trị xuất khẩu cho tất cả các nhà xuât khẩu tôm Việt Nam mà phía Hoa Kỳ có thông tin.
Các doanh nghiệp khi nhận được bảng câu hỏi cần trả chính xác, đầy đủ. Việc trả lời các câu hỏi là vô cùng quan trọng bởi những doanh nghiệp không tham gia trả lời sẽ bị áp đặt mức thuế chống trợ cấp rất cao và có khả năng không thể xuất khẩu được sang Hoa Kỳ nếu thuế chống trợ cấp được thực thi.
Sau khi nhận được các câu hỏi trả lời, DOC sẽ chọn từ 2-4 nhà sản xuất của Việt Nam làm bị đơn bắt buộc của vụ kiện. Khi đó, các bị đơn bắt buộc sẽ nhận được tiếp bảng câu hỏi chi tiết liên quan đến thuế chống trợ cấp từ DOC. Song song đó, DOC sẽ tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất của các bị đơn bắt buộc.
Hiện nay, VASEP đã thông tin về vụ khởi kiện tôm bị trợ cấp tại thị trường Hoa Kỳ cho các doanh nghiệp trong ngành. Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp tập hợp số liệu, chứng từ liên quan cần thiết và tham gia trả lời bảng câu hỏi, phối hợp với quá trình điều tra của phía cơ quan Hoa Kỳ. VASEP cũng đã làm việc với công ty luật chuyên về các vụ kiện chống trợ cấp để đại diện cho doanh nghiệp Việt Nam theo đuổi vụ kiện lần này.
Trong vụ kiện chống trợ cấp của các thị trường nhập khẩu, ngoài các bị đơn là doanh nghiệp, Chính phủ của nước sản xuất bị điều tra cũng là một bên liên quan của vụ việc. Vì vậy, Chính phủ cũng sẽ nhận được bảng câu hỏi để trả lời và tham gia trong giai đoạn thẩm tra tại chỗ. Vấn đề ngành tôm nhận được trợ cấp mà Mỹ đưa ra gắn liền với các chính sách của nhiều bộ, ngành. Vì vậy, Chính phủ đóng vai trò rất quan trọng trong việc thành công hay thất bại của vụ kiện trợ cấp.
Cục Quản lý cạnh tranh là đầu mối tập hợp các thông tin, làm việc với các bộ, ngành liên quan và Vasep để có cơ sở vững vàng chống lại lời buộc tội của các doanh nghiệp Mỹ.
Đại diện VASEP cho biết, các doanh nghiệp tôm và thủy sản trong thời gian qua dù gặp rất nhiều khó khăn vẫn phải tự tìm lối đi và không hề có chuyện ngành tôm nhận được trợ cấp. Các doanh nghiệp phải vay vốn với lãi suất cao để hoạt động và hàng năm vẫn đóng các loại thuế, phí, chi phí hoạt động.
Do vậy, lời cáo buộc ngành tôm có nhận sự trợ cấp là vô lí, thiếu cơ sở. Nếu việc điều tra không bị hoãn, dự kiến ngày 22/7/2013 (205 ngày kể từ ngày có đơn kiện) Hoa Kỳ sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng về nội dung kiện tôm Việt Nam được trợ cấp.
(Theo Thời báo Kinh tế Việt Nam)