09:35 16/05/2011

Theo chân quỹ đầu tư chỉ số: Cơ hội từ VCB?

Khánh Hà

Nhà đầu tư trong nước sáng nay đã tranh mua quyết liệt VCB sau khi có tin sẽ niêm yết nốt 1,6 tỷ cổ phiếu

Xu hướng đầu tư vào những mã của quỹ ETF đang được nhà đầu tư trong  nước quan tâm
Xu hướng đầu tư vào những mã của quỹ ETF đang được nhà đầu tư trong nước quan tâm
Đã có những phản ứng đầu tiên với thông tin Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã VCB-HOSE) niêm yết nốt 1,6 tỷ cổ phiếu. Lượng dư mua trần đã tăng vọt và đa số người mua là nhà đầu tư trong nước.

Việc niêm yết VCB không làm tăng thanh khoản của cổ phiếu này vì toàn bộ số lượng nói trên thuộc sở hữu của nhà nước. Tuy nhiên, động thái này gợi mở nhiều khả năng.

Thứ nhất, dường như khả năng thoái bớt vốn nhà nước tại Vietcombank đã chấp nhận tính thị trường hơn. Năm 2011, Vietcombank dự kiến tăng vốn điều lệ thêm 7.035 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu tăng vốn. Trong đó, Vietcombank sẽ phát hành 211.050.483 cổ phiếu trả cổ tức năm 2010 tỷ lệ 12%. Dự kiến sẽ thực hiện trong quý 2/2011 ngay sau khi có sự chấp nhận của các cơ quan chức năng.

Ngoài ra, ngân hàng này sẽ phát hành 492.451.128 cổ phiếu chào bán cho cổ đông chiến lược nước ngoài. Thời điểm phát hành dự kiến cuối năm 2011 hoặc đầu 2012. Giá phát hành theo thỏa thuận giữa Vietcombank và đối tác trên cơ sở tư vấn tài chính quốc tế...

Đợt IPO Vietcombank được thị trường đánh giá là khá cao, vượt xa mức định giá của đơn vị tư vấn. Ngay sau khi cổ phần hóa và suốt thời gian niêm yết, giá cổ phiếu VCB ngoài ảnh hưởng của xu hướng chung cũng cho thấy mức giá 100.000 đồng là quá cao. Với việc niêm yết nốt số cổ phiếu thuộc sở hữu nhà nước, giá bán cho cổ đông chiến lược nước ngoài không thể căn cứ vào giá đang giao dịch trên thị trường.

Lựa chọn cổ đông chiến lược cho Vietcombank trước đây chỉ gặp vướng mắc duy nhất là giá. Tình hình thị trường chứng khoán cuối tháng 12/2007 vẫn khá tốt, nhiều tổ chức nước ngoài có nhu cầu trở thành cổ đông chiến lược của Vietcombank. Tuy nhiên với mức giá trên dưới 100.000 đồng/cổ phiếu, cả hai bên đã không gặp nhau. Rõ ràng việc định giá chỉ còn một phần ba thời điểm IPO, cổ phiếu VCB đã trở nên hấp dẫn hơn và triển vọng phát hành cho tổ chức nước ngoài sẽ dễ dàng hơn, trừ phi một lần nữa VCB lại được áp đặt một mức giá chủ quan.

Thứ hai, việc niêm yết nốt khối lượng lớn cổ phiếu đang lưu hành sẽ đưa VCB thành một trong những mã có vốn hóa lớn nhất thị trường. Một số quan điểm cho rằng do ảnh hưởng lệch lạc của MSN, BVH thời gian qua mà cơ quan quản lý quyết định niêm yết 1,6 tỷ cổ phiếu VCB. Thực tế quan điểm này rất khó xác nhận vì VCB cũng có thể được niêm yết với lý do khác.

Bất chấp VCB niêm yết thêm sẽ nhảy lên vị trí thứ 4 trong “bậc thang” vốn hóa thị trường, tác động đến chỉ số vẫn phụ thuộc nhiều vào MSN và BVH. Nguyên nhân chính vẫn là thanh khoản. Muốn tác động đến VN-Index, không nhất thiết phải đẩy giá VCB mà chỉ cần giữ giá cổ phiếu này. Khi VCB đứng tham chiếu, tác động của cổ phiếu này đến chỉ số sẽ bị loại bỏ. Chi phí vốn để kéo giá tại BVH và MSN rẻ hơn nhiều tại VCB vì thanh khoản của hai cổ phiếu trên rất thấp.

Thứ ba, có lẽ là phù hợp hơn với mục đích niêm yết VCB, là tăng tính hấp dẫn của cổ phiếu này.

VCB không được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhiều vì tỷ lệ sở hữu của nhà nước còn quá cao. Cổ đông nước ngoài cũng không có vai trò gì đối với ngân hàng nếu sở hữu một tỉ lệ thấp. Chính vì thế từ khi niêm yết đến nay, mã VCB vẫn còn dư hơn 163 triệu cổ phiếu cho khối ngoại.

VCB cũng không hấp dẫn các quỹ đầu tư theo chỉ số vì vốn hóa quá thấp (đứng thứ 18 trong bậc thang vốn hóa). Việc đẩy VCB lên “bậc 4”, rõ ràng chiến lược của các quỹ này phải thay đổi. Muốn bám sát biến động của VN-Index, danh mục không thể không tăng tỉ trọng với VCB. Rõ ràng khả năng tăng cầu tại VCB thời gian tới là rất lớn.

Sức mua tại VCB sẽ được cộng hưởng bởi xu hướng đầu tư theo các quỹ chỉ số của nhà đầu tư trong nước. Xu hướng này đang nở rộ kể từ khi BVH, MSN đem lại những tỉ suất lợi nhuận gần như không tưởng trong bối cảnh thị trường chung quá ảm đạm. Chắc chắn trong một vài phiên tới, nhà đầu tư trong nước sẽ tranh mua tại VCB.

Như vậy, việc niêm yết thêm 1,6 tỷ cổ phiếu sẽ góp phần định giá lại Vietcombank. Giá cổ phiếu được cải thiện sẽ góp phần tạo lợi thế cho Vietcombank trong việc phát hành thêm, bán cho đối tác chiến lược.