07:02 21/07/2023

Dùng vốn ngân sách ba địa phương chuẩn bị đầu tư cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, Hòa Bình - Mộc Châu

Anh Tú

Thủ tướng Chính phủ vừa có Công văn số 671/TTg – CN gửi Bộ Giao thông vận tải, UBND TP. Hải Phòng; UBND tỉnh Ninh Bình; UBND tỉnh Sơn La về việc giao cơ quan chủ trì thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư một số tuyến đường bộ cao tốc: Ninh Bình - Hải Phòng và Hòa Bình - Mộc Châu...

Quốc hội ban hành cơ chế thí điểm để đầu tư cao tốc bằng vốn ngân sách ba địa phương.
Quốc hội ban hành cơ chế thí điểm để đầu tư cao tốc bằng vốn ngân sách ba địa phương.

Theo đó, Thủ tướng đồng ý giao UBND TP. Hải Phòng, UBND tỉnh Ninh Bình chủ trì thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua địa phận từng tỉnh, thành phố; UBND tỉnh Sơn La chuẩn bị đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, đoạn qua tỉnh Sơn La với quy mô 2 làn xe, phạm vi giải phóng mặt bằng theo quy mô 4 làn xe như đề nghị của Bộ Giao thông vận tải.

DÙNG NGÂN SÁCH NINH BÌNH, HẢI PHÒNG ĐẦU TƯ CAO TỐC

Thủ tướng yêu cầu UBND TP. Hải Phòng, UBND tỉnh Ninh Bình và UBND tỉnh Sơn La thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư bảo đảm đúng trình tự thủ tục và dự toán chi phí theo quy định của pháp luật, không để xảy ra thất thoát, lãng phí.

“Sau khi Quốc hội ban hành Luật/Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật có liên quan đến đầu tư, ngân sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư công, Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định giao cơ quan chủ quản triển khai các dự án theo quy định pháp luật; đồng thời, đề xuất việc hoàn trả kinh phí chuẩn bị đầu tư (nếu có)”, Công văn số 671 nêu rõ.

Trước đó, tại văn bản số 7205/BGTVT-CĐCTVN ngày 8/7/2023 về phương án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình và TP. Hải Phòng, Bộ Giao thông vận tải đề nghị lãnh đạo Chính phủ tiếp tục giao UBND tỉnh Ninh Bình, TP. Hải Phòng chủ trì lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua địa phận của từng tỉnh, thành phố.

Bộ Giao thông vận tải cho biết, theo quy hoạch được duyệt, tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng dài 109 km, quy mô 4 làn xe, với điểm đầu tại đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, TP. Ninh Bình, điểm cuối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, quy mô mặt cắt ngang 4 làn xe, tiến trình đầu tư trước năm 2030.

Trong quá trình triển khai chuẩn bị dự án, tỉnh Ninh Bình kiến nghị điều chỉnh vị trí đầu tuyến để phù hợp với quy hoạch phát triển địa phương, theo đó tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 117 km (tăng khoảng 8 km so với quy hoạch).

Trong đó, đoạn qua địa phận TP. Hải Phòng có tổng chiều dài 29 km đang được UBND TP. Hải Phòng đầu tư khoảng 22 km theo hình thức BOT. Đối với 7 km còn lại, UBND TP. Hải Phòng đã báo cáo Thủ tướng giao Hải Phòng là cơ quan chủ quản và cho phép đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách của thành phố.

Đối với đoạn qua tỉnh Thái Bình và Nam Định (dài 62 km), Thủ tướng đã giao UBND tỉnh Thái Bình là cơ quan có thẩm quyền triển khai theo phương thức PPP. Đối với đoạn còn lại qua địa phận tỉnh Ninh Bình (dài 26 km) đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình có Nghị quyết thống nhất chủ trương sử dụng 2.000 tỷ đồng vốn ngân sách tỉnh và kiến nghị Trung ương hỗ trợ khoảng 4.865 tỷ đồng để thực hiện dự án.

ĐẨY MẠNH PHÂN CẤP, ĐẦU TƯ CAO TỐC HOÀ BÌNH - MỘC CHÂU 2 LÀN XE

Còn tại văn bản số 7209/BGTVT-KHĐT ngày 10/7/2023 về việc giao cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Hòa Bình - Mộc Châu, đoạn tuyến thuộc địa bàn tỉnh Sơn La, Bộ Giao thông vận tải cũng kiến nghị lãnh đạo Chính phủ giao UBND tỉnh Sơn La thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư dự án và nghiên cứu đầu tư với quy mô 2 làn xe, phạm vi giải phóng mặt bằng theo quy mô 4 làn xe, đảm bảo đồng bộ với quy mô dự án đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu đoạn qua địa bàn tỉnh Hòa Bình đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Bộ Giao thông vận tải cho biết sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng luật sửa các luật về một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ theo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chỉ đạo của Phó Thủ tướng để trình Quốc hội xem xet, quyết định.

Theo Bộ Giao thông vận tải, đề xuất này sẽ góp phần tiếp tục đẩy mạnh chủ trương phân cấp, phần quyền trong quản lý đầu tư xây dựng, bảo đảm triển khai đồng bộ, phát huy hiệu quả đầu tư toàn tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, sử dụng được nguồn vốn ngân sách địa phương đã được bố trí.

Được biết, tại Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đoạn tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, đoạn qua tỉnh Sơn La từ Km53- Km84 (huyện Mộc Châu), dài khoảng 31 km, có quy mô 4 làn xe, tiến trình đầu tư trước năm 2030.

Quy mô đầu tư chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 thiết kế, xây dựng tuyến đường với tốc độ thiết kế 80 km/h, những đoạn có địa hình khó khăn có tốc độ thiết kế 60 km/h.

Sau khi hoàn thành, tuyến cao tốc này sẽ kết nối mạng lưới giao thông đối ngoại của tỉnh Sơn La với Hòa Bình và với Thủ đô Hà Nội, tạo nên tuyến trục cao tốc kết nối vùng Tây Bắc với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, kết nối đến cửa khẩu biên giới Đông Bắc và cảng biển quốc tế Lạch Huyện.

Đồng thời, dự án cũng giảm tải cho tuyến Quốc lộ 6 đoạn Hòa Bình - Sơn La, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương thuộc 2 tỉnh, tạo điều kiện khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của các địa phương.