13:26 24/07/2023

Thí điểm mô hình xã nông thôn mới ở Củ Chi và Cần Giờ

Hoài Niệm

TP.HCM sẽ có hai mô hình xã nông thôn mới tại các huyện ngoại thành; cụ thể là mô hình xã nông thôn mới thông minh tại Củ Chi và xã nông thôn mới thương mại điện tử ở Cần Giờ...

Huyện Củ Chi nổi tiếng với các vườn hoa lan, cung cấp cho thị trường thành phố và các địa phương lân cận.
Huyện Củ Chi nổi tiếng với các vườn hoa lan, cung cấp cho thị trường thành phố và các địa phương lân cận.

Ủy ban nhân dân TP.HCM vừa có ý kiến thống nhất theo đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố về điều chỉnh thời gian hoàn thành xây dựng đề án thí điểm mô hình xã nông thôn mới tại hai huyện Củ Chi và Cần Giờ.

Theo đó, đề án thí điểm mô hình xã nông thôn mới thông minh tại xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi giai đoạn 2023 - 2025 và đề án thí điểm mô hình xã nông thôn mới thương mại điện tử tại xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ giai đoạn 2023 - 2025. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM tham mưu và trình Uỷ ban nhân dân Thành phố trong tháng 10/2023.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến cuối tháng 6/2023, 100% số xã (56/56) tại các huyện ngoại thành đã được Uỷ ban nhân dân TP.HCM ban hành quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn nâng chất; 5/5 huyện (Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Chánh) được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM cũng cho biết trong giai đoạn 2021 - 2025, TP.HCM chuyển sang giai đoạn nâng chất và xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa trên địa bàn vùng nông thôn. Thành phố cũng phát động phong trào cả thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa để sớm hoàn thành các mục tiêu.

Uỷ ban nhân dân TP.HCM đặt mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 321/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Xã Thái Mỹ nơi có hạ tầng giao thông nông thôn phát triển của huyện Củ Chi. Trong ảnh: Ngã ba nhà thờ Mỹ Khánh, xã Thái Mỹ.
Xã Thái Mỹ nơi có hạ tầng giao thông nông thôn phát triển của huyện Củ Chi. Trong ảnh: Ngã ba nhà thờ Mỹ Khánh, xã Thái Mỹ.

Mục tiêu cấp huyện, phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 20% số huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao gắn với đô thị hóa của Thành phố. Các huyện còn lại đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Quyết định số 320/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

TP.HCM đã và đang triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) và được xác định là một trong sáu chuyên đề trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay, Thành phố đã có tổng cộng 66 sản phẩm OCOP bao gồm 36 sản phẩm đạt 4 sao và 30 sản phẩm đạt 3 sao.

Theo giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM Đinh Minh Hiệp, hiện nay Sở đang tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố xây dựng, hoàn chỉnh đề án thí điểm mô hình xã nông thôn mới thông minh tại xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi giai đoạn 2023 – 2025, và đề án thí điểm mô hình xã nông thôn mới thương mại điện tử tại xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ giai đoạn 2023 - 2025. Đây là hai đề án trọng điểm trong chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn vùng nông thôn TP.HCM.

Xã Bình Khánh sẽ là đô thị vệ tinh của huyện Cần Giờ. Trong ảnh là một góc công trường thi công cầu Bình Khánh, xã Bình Khánh.
Xã Bình Khánh sẽ là đô thị vệ tinh của huyện Cần Giờ. Trong ảnh là một góc công trường thi công cầu Bình Khánh, xã Bình Khánh.

Để triển khai, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố phối hợp cùng ủy ban nhân dân các huyện cùng các sở, ngành trong việc đầu tư đồng bộ hạ tầng nông thôn mới, đáp ứng yêu cầu xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu cũng như yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh đồng thời cải thiện điều kiện dân sinh trên địa bàn vùng nông thôn thành phố.

Đầu tháng 7 vừa qua, Ủy ban nhân dân TP.HCM đã ban hành Kế hoạch số 2784 về việc thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh trên địa bàn thành phố đến năm 2025. Mục tiêu cụ thể được đặt ra đến năm 2025 đối với 4 tiêu chí thành phần là phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, mô hình thí điểm xã nông thôn mới thông mình trong xây dựng nông thôn mới.

Với mục tiêu phát triển kinh tế số góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, Kế hoạch 2784 nhắm phấn đấu 100% xã có các hợp tác xã, 80% cấp huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực và 70% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số.

 

OCOP (One commune one product – Mỗi xã một sản phẩm) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn nhằm thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và khuyến khích thực hiện trên phạm vi toàn quốc.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 01/8/2022 phê duyệt chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 – 2025. OCOP là giải pháp thúc đẩy kinh tế nông thôn, khởi dậy tiềm năng phát triển của các địa phương. Trọng tâm của chương trình là phát triển kinh tế nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ nổi bật ở mỗi địa phương, giúp đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn và tạo công ăn việc làm.