16:05 06/01/2023

Thi hành án dân sự: Tập trung chỉ đạo các địa phương xử lý án tồn

Như Nguyệt

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành theo hướng chủ động, khoa học, thông suốt trong thi hành án dân sự...

Thứ trưởng Mai Lương Khôi phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: Bộ Tư pháp.
Thứ trưởng Mai Lương Khôi phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: Bộ Tư pháp.

Chiều 5/1, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2023 của Tổng cục Thi hành án dân sự.

Báo cáo tại Hội nghị, Chánh Văn phòng Tổng cục Thi hành án dân sự Phan Huy Hiếu cho biết, năm 2022, kết quả thi hành án dân sự đạt được những kết quả đáng ghi nhận, thi hành xong 82,50% về việc, 45,42% về tiền, giá trị tuyệt đối đạt cao nhất trong 05 năm trở lại đây. 

Cơ quan thi hành án dân sự đã làm việc với người phải thi hành án hành chính trong 327 việc; có văn bản kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với 77 việc; đăng tải công khai và theo dõi đối với 370 quyết định buộc thi hành án hành chính.

Về công tác hoàn thiện thể chế, xây dựng đề án, văn bản, Tổng cục đã tổ chức Hội nghị đánh giá 14 năm thi hành và đề xuất định hướng sửa đổi Luật thi hành án dân sự trong nội bộ Hệ thống; tổng kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 42; sơ kết 05 năm thực hiện Nghị định số 71; có văn bản đề nghị TAND tối cao nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Tố tụng hành chính. Cùng với đó, Tổng cục đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và hoàn thiện 2 Báo cáo chuyên đề nhánh phục vụ xây dựng Đề án về chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam…

Công tác hướng dẫn nghiệp vụ ngày càng nâng cao chất lượng theo hướng cụ thể, rõ ràng. Tổng cục đã giải quyết xong 105/112 việc, đạt tỷ lệ 93,75%; đã tổ chức nhiều cuộc họp liên ngành hoặc có văn bản đề nghị phối hợp giải quyết một số vụ việc trọng điểm, phức tạp, kéo dài; tiếp tục chỉ đạo rà soát, tổng hợp kết quả thi hành án các vụ việc trên 20 tỷ và 3 năm chưa thi hành xong.

Đối với công tác phối hợp, Tổng cục đã tham mưu Bộ Tư pháp có Công văn về tiếp tục thực hiện Quy chế phối hợp liên ngành nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo chuyển biến tích cực trong công tác thi hành án dân sự và triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 04; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ trong các mặt công tác.

Các mặt công tác khác như tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; bồi thường Nhà nước và đảm bảo tài chính; kiểm tra, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tổ chức cán bộ… được thực hiện bài bản, hiệu quả.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã đạt được thì Tổng cục Thi hành án dân sự vẫn còn một số hạn chế cần tập trung khắc phục như: Một số nhiệm vụ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, còn một số văn bản chậm tiến độ so với kế hoạch, công tác tổ chức cán bộ chưa thực sự chủ động; cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo điều hành, tổ chức thi hành án còn hạn chế…

Thứ trưởng Mai Lương Khôi nhận định năm 2023 đặt ra yêu cầu cao đối với hoạt động thi hành án dân sự. Thứ trưởng đề nghị các đơn vị thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự cần nâng cao hiệu quả công tác quản lý điều hành theo hướng chủ động, khoa học, đảm bảo tính thông suốt trong chỉ đạo, điều hành; tăng cường phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ.

“Tổng cục Thi hành án dân sự cần tập trung chỉ đạo các địa phương xử lý án tồn nhiều năm chưa thi hành xong, nhất là các địa bàn lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hải Phòng, Đồng Nai… Trong đó, cần phân loại án tồn do nguyên nhân khách quan với nguyên nhân chủ quan để có giải pháp tháo gỡ phù hợp”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Cùng với đó, Thứ trưởng yêu cầu Tổng cục thi hành án dân sự cần theo sát tiến độ xử lý tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; chú trọng và làm tốt hơn nữa công tác phòng ngừa vi phạm.

Muốn làm tốt vấn đề này, Tổng cục thi hành án dân sự cần quán triệt đầy đủ các văn bản về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực để nâng cao nhận thức của công chức, cán bộ; tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, chú trọng tại các địa bàn lớn đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm để tạo tính răn đe.