Thị trường bất động sản 2020: Chưa có dấu hiệu cực đoan
Thị trường bất động sản năm 2020 theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, còn nhiều bất cập như giá nhà ở tăng cao, lệch pha cung cầu giữa các phân khúc, dù vậy, vẫn chưa có dấu hiệu cực đoan, phát triển nóng.
Thay mặt Chính phủ gửi báo cáo việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nhận định: Từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng và trực tiếp tới nhiều ngành, lĩnh vực trong đó có thị trường bất động sản. Tuy nhiên, về cơ bản thị trường bất động sản không bị ảnh hưởng quá nghiêm trọng, các tác động chỉ mang tính chất cục bộ ở một số yếu tố của thị trường và một số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
TÌNH TRẠNG LỆCH PHA CUNG - CẦU NGÀY CÀNG RÕ RỆT
Chi tiết về một số chỉ tiêu thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm 2020, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, do các doanh nghiệp tập trung cơ cấu lại bộ máy, hoạt động sản xuất kinh doanh; cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương tập trung cao độ cho nhiệm vụ chống dịch Covid-19, thực hiện giãn cách xã hội nên hiệu suất giải quyết công việc bị suy giảm dẫn đến số dự án cấp phép mới hạn chế.
Cuối quý 2/2020 số lượng dự án nhà ở, dự án du lịch, nghỉ dưỡng được cấp phép tăng hơn so với quý 1, một số địa phương trọng điểm như: dự án nhà ở tại Hà Nội cấp phép 8 dự án, Thành phố Hồ Chí Minh cấp phép 4 dự án trong khi quý 1 cả 2 địa phương là 0 dự án; dự án du lịch, nghỉ dưỡng tại Khánh Hòa cấp phép 3 dự án, tại Phú Yên cấp phép 2 dự án trong khi quý 1 cũng không có dự án nào.
Lượng sản phẩm giao dịch thành công quý 1/2020 chỉ đạt khoảng 16% so với tổng sản phẩm có, thấp nhất trong vòng 4 năm qua, tuy nhiên, quý 2 lượng sản phẩm giao dịch bình quân tăng mạnh, bằng khoảng 130 - 140% so với quý 1. Tính đến hết tháng 6/2020 có 42.716 giao dịch bất động sản thành công. Riêng tại Hà Nội có khoảng 2.521 giao dịch, tại TP. Hồ Chí Minh có khoảng 6.774 giao dịch bất động sản thành công. Có được điều này do các doanh nghiệp đã nhanh chóng thích ứng, bám sát các chính sách hỗ trợ của Chính phủ sau thời gian giãn cách xã hội
Nguồn cung nhà ở trong 6 tháng đầu năm 2020 có tăng tuy nhiên vẫn còn hạn chế và giảm so với cùng kỳ năm trước, giảm 5,8% so với cùng kỳ quý 2 năm 2019.
Đáng lưu ý, tình trạng lệch pha cung cầu ngày càng rõ rệt: Nguồn cung nhà ở trung cao cấp dư thừa trong khi rất thiếu nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp. Nhu cầu nhà ở của người dân thuộc phân khúc trung, cao cấp giá từ 25 triệu đồng/m2 trở lên chỉ chiếm khoảng từ 20% - 30% thị trường tùy từng địa phương, đô thị cụ thể và tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn; nhu cầu phân khúc nhà ở bình dân, giá thấp dưới 25 triệu đồng/m2 chiếm đến 70% - 80% thị trường nhưng nguồn cung hiện nay lại đang thiếu.
GIÁ NHÀ KHÓ TIỆM CẬN THU NHẬP CỦA NGƯỜI DÂN
Một trong những tồn tại của thị trường bất động sản Việt Nam lâu nay là giá nhà ở ngày càng tăng và khó tiệm cận với thu nhập của người dân.
Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy: Giá bất động sản trên thị trường không có xu hướng giảm mà vẫn tăng so với cuối năm 2019. Tại Hà Nội giá căn hộ chung cư tăng 0,16% so với cùng kỳ năm 2019, đối với nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 0,01% so với cùng kỳ năm 2019; tại TP. Hồ Chí Minh giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,25% so với cùng kỳ năm 2019, đối với nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 0,15% so với cùng kỳ năm 2019.
"Giá cả hàng hóa bất động sản, nhất là giá nhà ở chưa ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực của bất động sản, cũng như không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân, theo cách đánh giá chung hiện nay: giá nhà ở là hợp lý nếu lợi nhuận cho thuê đạt xấp xỉ lãi suất tiền gửi ngân hàng", Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh.
Đánh giá tổng quan về thị trường, tư lệnh ngành Xây dựng nói rõ: "Trên cơ sở đánh giá các yếu tố vĩ mô cũng như các chỉ số cụ thể của thị trường cho thấy hiện nay thị trường bất động sản chưa có biểu hiện cực đoan như "đóng băng" hay "phát triển nóng".
SẮP CÓ THÊM 215.000 CĂN NHÀ Ở XÃ HỘI
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, Chương trình phát triển nhà ở xã hội tại khu vực đô thị trên địa bàn cả nước đến nay đã hoàn thành 249 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng khoảng hơn 104.200 căn, với tổng diện tích hơn 5.210.000 m2. Đang tiếp tục triển khai 263 dự án, quy mô xây dựng khoảng 215.800 căn, với tổng diện tích khoảng 10.790.000 m2.
Bộ Xây dựng đánh giá, dù cho thu nhập của các hộ thu nhập thấp đã được cải thiện, nâng cao từng bước nhưng còn thấp, rất khó khăn trong việc chi trả chi phí nhà ở, kể cả trường hợp đã được Nhà nước hỗ trợ một phần. Trong khi đó, việc phối hợp giữa các Bộ, ngành đôi khi còn chưa chặt chẽ, có chính sách chưa được hướng dẫn triển khai kịp thời. Không ít các địa phương chưa quan tâm đúng mức đến phát triển nhà ở xã hội; chưa tích cực xây dựng cơ chế ưu đãi thêm để phát triển nhà ở xã hội thuộc thẩm quyền để thu hút các doanh nghiệp tham gia.
Nguồn vốn tín dụng để phát triển nhà ở xã hội cũng gặp khó khăn. Sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng dừng giải ngân tái cấp vốn, nguồn vốn ngân sách bố trí cho vay chương trình nhà ở xã hội hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu, đến nay mới phân bổ được 2.100/9.000 tỷ đồng, đạt 24% so với nhu cầu vốn trung hạn 2016 - 2020.
Bên cạnh đó, chưa có kênh huy động vốn dài hạn cho nhà ở xã hội bên cạnh nguồn vốn tín dụng dẫn đến 221 dự án nhà ở xã hội đang triển khai bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công, trong đó có một số chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội có nhu cầu xin chuyển đổi sang dự án nhà ở thương mại. Số lượng nhà ở xã hội hoàn thành, đưa vào sử dụng trong thời gian gần đây rất hạn chế.
Chính phủ đã quyết định cấp thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 của Quốc hội và cấp bổ sung thêm 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho 04 ngân hàng thương mại để thực hiện hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Thời gian tới, Bộ Xây dựng tiếp tục đánh giá, tổng kết để đề xuất đổi mới phương thức, cơ chế chính sách để giải quyết căn bản nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp phù hợp với cơ chế thị trường.
Đồng thời, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, lựa chọn, tổng hợp danh mục các dự án nhà ở xã hội đang triển khai dở dang, có thể tiếp tục triển khai trong năm 2020 để các ngân hàng thương mại thực hiện cho vay và danh mục các dự án nhà ở phục vụ công nhân khu công nghiệp để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay trong năm 2020.