Thị trường bất động sản những nơi dự kiến lập đặc khu đang dần ổn định
Đó là thông tin được Bộ Xây dựng cho biết tại báo cáo thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn
Đó là thông tin được Bộ Xây dựng cho biết tại báo cáo thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn.
Báo cáo này vừa được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội khoá 14.
Biến động không lớn
Qua giám sát và chất vấn, một trong những yêu cầu của Quốc hội với ngành xây dựng là tăng cường kiểm soát và quản lý để bảo đảm thị trường bất động sản hoạt động ổn định, thông suốt và hiệu quả, tiếp tục tái cơ cấu thị trường bất động sản, đa dạng hoá sản phẩm, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội.
Kết quả đến nay, theo báo cáo, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về nhà ở và thị trường bất động sản đã cơ bản hoàn thiện, tạo lập hành lang pháp lý tương đối hoàn chỉnh để kiểm soát, điều tiết các hoạt động của thị trường. Bao gồm cả việc tạo lập, giao dịch xác lập quyền sở hữu, quản lý sử dụng sản phẩm bất động sản, nhà ở, cũng như quản lý các chủ thể tham gia thị trường.
Với các quy định mới đã phát huy tác dụng tích cực, Bộ Xây dựng đánh giá thị trường bất động sản năm 2018 và quý 1/2019 nhìn chung phát triển khá ổn định. Sau ba năm từ 2013 đến 2016 thị trường bất động sản từ 2017, 2018 có xu hướng chững lại.
Trong quý 1/2019 giá bất động sản tại Hà Nội và Tp.HCM có biến động, tuy nhiên lượng biến động là không lớn.
Cụ thể, tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư giảm khoảng 0,05% so với quý 4/2018, nhưng ở từng phân khúc thì căn hộ bình dân giá tăng khoảng 0,36%, nhà ở riêng lẻ tăng khoảng 1,68%.
Tại Tp.HCM giá căn hộ chung cư tăng khoảng 1%, nhà ở riêng lẻ tăng khoảng 2,54%.
Theo báo cáo, giao dịch bất động sản tại Hà Nội, Tp.HCM và môt số địa phương thị trường bất động sản phát triển như Khánh Hoà, Quảng Ninh, Kiên Giang... có 10.047 giao dịch thành công. Chiếm tỷ lệ lớn vẫn là giao dịch về nhà ở chung cư và nhà ở thấp tầng (chiếm 94% tổng lượng giao dịch thành công).
Số lượng bất động sản du lịch nghỉ dưỡng (condotel, biệt thự du lịch) giao dịch thành công trong quý 1/2019 là 767 giao dịch (chiếm hơn 5%). Hà Nội và Tp.HCM vẫn là hai thị trường có lương giao dịch chiếm tỷ trọng lớn trên cả nước.
Cơ cấu sản phẩm thị trường trong quý 1 cũng có sự thay đổi. Nguồn cung sản phẩm căn hộ trung, cao cấp mới giảm, thay vào đó là phân khúc căn hộ có diện tích trung bình, phù hợp với nhu cầu của gia đình trẻ và đối tượng độc thân, như các dòng sản phẩm căn hộ chung cư của Vincity tại Hà Nội, Tp.HCM.
Đã chấn chỉnh kịp thời
Liên quan đến tình hình tại các địa phương dự kiến thành lập đặc khu (Quảng Ninh, Khánh Hoà, Kiên Giang), giữa năm 2018, gửi báo cáo đến Quốc hội, Chính phủ cho biết, sau khi có thông tin về việc chuẩn bị thành lập đặc khu, tình hình "chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất tại cơ quan nhà nước thuộc các địa phương đã tăng đáng kể".
Thủ tướng và các bộ, ngành đã ban hành các văn bản để chấn chỉnh công tác quản lý và sử dụng đất tại các địa phương dự kiến thành lập đặc khu. Song, tình trạng chuyển nhượng đất "ngầm" vẫn còn diễn ra ở các khu vực dự kiến thành lập đặc khu mà vẫn chưa được phát hiện kịp thời, xử lý, nhất là tại các tỉnh Khánh Hòa và Kiên Giang.
Tại báo cáo này, Bộ Xây dựng thông tin, về tình trạng sốt ảo, làm giá, đẩy giá đất lên cao thu lợi bất chính tại Tp.HCM và ba địa phương nói trên, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương có giải pháp chấn chỉnh kịp thời nhằm ổn định thị trường bất động sản.
Bộ Xây dựng cho biết, sau chỉ đạo của Thủ tướng hồi tháng 5/2018 các địa phương đã có một số động thái nhằm ngăn chặn việc giá đất tăng đột biến, ngăn chặn việc tách thửa giao dịch quyền sử dụng đất rừng, đất nông nghiệp và tuyên truyền đến người dân.
"Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng và chính quyền địa phương quyết liệt vào cuộc, tình hình thị trường bất động sản tại các khu vực nêu trên đang dần ổn định trở lại", Bộ Xây dựng báo cáo Quốc hội.