19:34 30/03/2023

Thị trường bất động sản sẽ “ấm dần” lên

Thanh Xuân

Với các yếu tố tích cực xuất hiện ngày càng nhiều, TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, nhận định thị trường bất động sản sẽ ấm lên từ quý 3/2023…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo chuyên gia, những yếu tố đóng vai trò tạo đà bật cho thị trường sau thời gian dài trầm lắng, đều mang tính chất vĩ mô. Vì vậy, đây là cơ sở mở  ra cửa sáng cho bất động sản.

NHIỀU TÍN HIỆU TỐT ĐỂ "PHÁ BĂNG"

TS.Đính cho biết, thị trường bất động sản quý 1/2023 đang có những tín hiệu tốt để “phá băng” nhờ hàng loạt động thái hỗ trợ từ Chính phủ, như việc thành lập tổ công tác rà soát thực trạng khó khăn của doanh nghiệp, địa phương có các dự án đang vướng mắc. Trên cơ sở đó, Chính phủ tiếp tục ban hành công điện đôn đốc đơn vị liên quan xem xét, tìm cách tháo gỡ khó khăn ở từng địa phương.

Ngoài ra với điểm nghẽn về nguồn vốn, Chính phủ lại đưa ra phương án tháo gỡ rất cụ thể, khi giao Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay kèm lãi suất thấp hơn thị trường. Đây là liều thuốc bổ rất có giá trị hỗ trợ thị trường vào thời điểm này.

Bên cạnh đó, vị này chia sẻ, Nhà nước đang điều chỉnh khung pháp lý cho hoạt động M&A bất động sản thông qua các chính sách. Việc điều chỉnh tập trung theo hướng tránh chồng chéo với văn bản pháp luật. Mặt khác, Nhà nước cũng đề cập đến việc doanh nghiệp bất động sản cần tái cấu trúc hoạt động sản xuất kinh doanh, và cơ cấu lại dòng sản phẩm để thị trường dễ hấp thụ. Bởi đưa ra thị trường sản phẩm phù hợp nhu cầu số đông là một trong những giải pháp về nguồn vốn giúp doanh nghiệp bất động sản có thể “tự cứu mình.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, nhấn mạnh doanh nghiệp phải chủ động tìm cách vượt qua khó khăn, vì Chính phủ hay ngân hàng sẽ không thể bỏ tiền để cứu doanh nghiệp này, rồi bỏ tiền ra để cứu doanh nghiệp khác. Hơn nữa, suốt những năm qua, bất động sản liên tục tăng giá, nếu cứ tăng thì lại đề nghị Nhà nước hay ngân hàng mua hộ hay sao? Ngân hàng là một đơn vị kinh doanh tiền tệ đương nhiên phải cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro.

“Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp bất động sản phải có kế hoạch cụ thể, khả thi nhằm đa dạng nguồn vốn, thông qua phát hành trái phiếu, cổ phiếu, quỹ đầu tư…. Đồng thời giảm đòn bẩy tài chính, hạn chế đầu tư dàn trải. Hướng tới minh bạch, chuyên nghiệp, nhất là hồ sơ tín dụng, hồ sơ phát hành chứng khoán, thực hiện các cam kết”, chuyên gia lưu ý.

TIẾP TỤC GỠ VƯỚNG VẤN ĐỀ NÓNG

Chia sẻ giải pháp nhằm gỡ vướng các vấn đề "nóng" cho thị trường bất động sản, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nêu, chúng ta cần rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện, hỏi học từ quốc tế, cách tiếp cận đa chiều và đưa ra nhóm chính sách dài hạn lẫn ngắn hạn. Trong đó, nhóm giải pháp ngắn hạn là những chính sách tập trung tháo gỡ vào các vấn đề đang "nóng" nhất của thị trường, gồm pháp lý và vốn. Nếu tháo gỡ được vấn đề pháp lý thì hàng trăm dự án được giải tỏa, dòng tiền từ đây mà ra. Quan trọng hơn, tháo gỡ được vấn đề pháp lý sẽ giúp củng cố niềm tin cho thị trường.

Còn vốn của thị trường bất động sản, theo TS. Cấn Văn Lực, "nóng" nhất hiện nay chính là trái phiếu. Qua tính toán, khoảng 120.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản đáo hạn trong năm 2023, sang năm 2024 là 110.000 tỷ đồng. Mua lại lượng trái phiếu này đang gây áp lực lớn cho nhà đầu tư bất động sản. Vì vậy, cơ quan chức năng được giao cần sớm trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung thấu đáo các quy định liên quan.

Mặt khác về vốn tín dụng, cho phép cơ cấu lại nợ, giữ nhóm nợ là cần thiết. Việc này có thể còn ý kiến trái chiều nhưng nới room tín dụng cho lĩnh vực bất động sản ở thời điểm hiện tại là chưa cấp thiết, vì trong  năm 2022 tín dụng cả hệ thống tăng trưởng 14,5%, riêng tín dụng cho bất động sản tăng trưởng 24,2%, thì năm 2023 không thể cao hơn.

Về dòng vốn từ M&A, vị chuyên gia đánh giá rất quan trọng với thị trường bất động sản. Nhiều doanh nghiệp đã kiến nghị hệ thống ngân hàng cho vay để tài trợ phần vốn thiếu hụt khi giao dịch M&A. Theo ông Lực, nên cho phép bởi việc này hoàn toàn khả thi và là nhu cầu thật.

Đưa ra ý kiến, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam David Jackson, nhận xét hoạt động M&A sẽ đóng vai trò then chốt, vừa giúp ích cho các nhà phát triển trong nước, lại vừa phù hợp tâm lý đầu tư của các nhà giao dịch quan tâm, tin tưởng vào tiềm năng thị trường bất động sản Việt Nam.

Tương tự, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Trang Bùi bổ sung “Thị trường bất động sản Việt Nam ngày càng đón nhận nhiều luồng quan tâm mạnh mẽ đến từ nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là đối với các dự án tạo ra lợi nhuận. Họ vẫn không ngừng tìm kiếm những bất động sản đang hoạt động, hoặc tìm cách liên doanh cùng các đối tác có danh tiếng tốt. Trong điều kiện tình hình kinh tế vĩ mô đã khả quan hơn và những chuyến bay quốc tế được mở lại, thị trường M&A chắc chắn là sôi động”.