06:00 19/08/2021

Thị trường bất ổn: Có phải lỗi do phân bón nhập khẩu?

Vũ Khuê

Để bình ổn giá phân bón, nhiều giải pháp từ các cơ quan quản lý, hiệp hội, doanh nghiệp được đưa ra, trong đó một số ý kiến đề nghị hạn chế hoặc tạm dừng xuất khẩu phân bón, đồng thời xem xét bãi bỏ thuế phòng vệ thương mại đối với phân bón DAP và MAP nhập khẩu...

Giá phân bón trong nước tăng mạnh từ đầu năm 2021 đến nay.
Giá phân bón trong nước tăng mạnh từ đầu năm 2021 đến nay.

Bộ Công Thương đã dự thảo Báo cáo Thủ tướng Chính phủ và lấy ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, trong đó đề xuất các giải pháp để các bộ, ngành, chính quyền địa phương thực hiện trong thời gian tới. Đến ngày 10/8, Bộ Công Thương đã nhận được ý kiến góp ý của hai bộ và sẽ cập nhật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất.

BÃI BỎ THUẾ NHẬP KHẨU ĐỐI VỚI PHÂN BÓN DAP, MAP SẼ KHÔNG CÓ LỢI

Về giải pháp xem xét bãi bỏ thuế phòng vệ thương mại đối với phân bón DAP, MAP nhập khẩu, Bộ Công Thương phân tích, phân bón DAP và MAP chiếm khoảng dưới 10% nhu cầu phân bón cả nước. Do đó có thể khẳng định, thuế phòng vệ thương mại đánh vào DAP và MAP nhập khẩu không phải là nguyên nhân dẫn đến sự tăng giá của thị trường phân bón.

Vì vậy, việc bãi bỏ thuế phòng vệ thương mại đối với DAP và MAP nhập khẩu nhiều khả năng chỉ dẫn đến việc tăng nhập khẩu DAP và MAP từ nước ngoài, chủ yếu là từ Trung Quốc, mà không dẫn đến việc giảm giá phân bón nói chung.

Bộ Công Thương cho rằng, Việt Nam áp dụng thuế tự vệ đối với DAP, MAP nhập khẩu từ tháng 8/2017, với lộ trình chi tiết và mức thuế giảm dần. Việc áp dụng biện pháp tự vệ đã được thực hiện một cách cẩn trọng, khách quan, theo đúng quy định của pháp luật và quy định của WTO, trên cơ sở cân nhắc rất kỹ thực trạng của thị trường trong nước và tác động tới chi phí trồng trọt.

 

Từ cuối năm 2020, dù giá DAP nhập khẩu tăng mạnh nhưng DAP sản xuất trong nước vẫn được bán với giá thấp hơn từ 2 đến 3 triệu đồng/tấn, có thời điểm thấp hơn tới 4-5 triệu đồng/tấn.

Thực tế từ năm 2017 đến nay cho thấy, biện pháp tự vệ đã góp phần tạo điều kiện cho ngành sản xuất phân bón DAP, MAP trong nước đứng vững và từng bước phát triển, giảm sự phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu, đặc biệt là nguồn DAP và MAP từ Trung Quốc.

“Có thể thấy biện pháp phòng vệ thương mại đã phát huy tác dụng trong việc bảo vệ sản xuất trong nước phát triển, hạn chế một phần ảnh hưởng tiêu cực của biến động giá trên thị trường ngoài, giúp người tiêu dùng có được những lựa chọn với chi phí rẻ hơn”, Bộ Công Thương khẳng định.

Trên thực tế, giá DAP và MAP sản xuất trong nước là tương đối ổn định và rẻ hơn DAP, MAP nhập khẩu từ năm 2017 tới nửa sau năm 2020.  

Đặc biệt theo Bộ Công Thương, Luật Quản lý ngoại thương và Nghị định 10/2018/NĐ-CP cũng như các Hiệp định của WTO không có quy định về việc tạm dừng hoặc bãi bỏ biện pháp tự vệ do những biến động mang tính thời điểm như đề nghị của doanh nghiệp.

Việc thay đổi hoặc bãi bỏ biện pháp tự vệ chỉ có thể thực hiện thông qua quy trình rà soát biện pháp tự vệ, bao gồm rà soát giữa kỳ, rà soát cuối kỳ và rà soát phạm vi sản phẩm. Theo quy trình này, thời điểm gần nhất mà Bộ Công Thương có thể xem xét điều chỉnh biện pháp tự vệ đối với DAP, MAP là tháng 12/2021.

Do vậy, khi tới thời điểm này, các doanh nghiệp có quyền gửi yêu cầu rà soát (để bãi bỏ biện pháp) về Bộ Công Thương và Bộ sẽ xem xét yêu cầu này theo đúng các quy định của pháp luật.

TẠM NGỪNG XUẤT KHẨU CẦN CÓ QUYẾT ĐỊNH TỪ CẤP CAO NHẤT

Với đề nghị hạn chế hoặc tạm dừng xuất khẩu phân bón, Bộ Công Thương phân tích, WTO quy định các bên không được áp dụng các biện pháp cấm hoặc hạn chế xuất khẩu trừ một số ít trường hợp như bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ sức khỏe con người, khan hiếm trầm trọng về lương thực…

 
Để áp dụng biện pháp tạm ngừng xuất khẩu đối với phân bón, cần có quyết định từ cấp cao nhất về tình huống "đặc biệt nghiêm trọng".

Khi gia nhập WTO, Việt Nam bảo lưu được quyền áp dụng biện pháp hạn chế xuất khẩu đối với một số mặt hàng nhưng không bao gồm mặt hàng phân bón. Các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia đều dẫn chiếu tới cam kết khi gia nhập WTO, không có bảo lưu mới về cấm hoặc hạn chế xuất khẩu.

Còn theo quy định tại Điều 12 và Điều 100 của Luật Quản lý ngoại thương, có thể áp dụng biện pháp tạm ngừng xuất khẩu trong trường hợp cán cân thanh toán bị mất cân đối nghiêm trọng hoặc các trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, áp dụng biện pháp tạm ngừng xuất khẩu đối với phân bón sẽ tạo thành tiền lệ đối với một số mặt hàng khác cũng đang tăng giá rất mạnh như sắt thép, xi măng ..., dẫn đến phản ứng không lợi từ phía các thành viên WTO.