Thị trường chứng khoán: Nhà quản lý nói gì về tình hình hiện nay?
Cơ quan quản lý nói gì trước việc đang có quá nhiều thông tin trên thị trường, với những nhận định khác nhau?
Cơ quan quản lý nói gì trước việc đang có quá nhiều thông tin trên thị trường, với những nhận định khác nhau?
Sau những diễn biến sôi sục của tuần trước, trái với nhiều dự đoán, thị trường chứng khoán chỉ "nhẹ nhàng" giảm nhiệt trong phiên giao dịch đầu tuần này. Chỉ số VN-Index nhích nhẹ thêm 4,65 điểm, lên 1.027,7 điểm.
Các cổ phiếu tăng kịch trần vẫn là những cái tên quen thuộc: FPT, SJS, KDC… Đáng chú ý là trong phiên hôm nay (22/1), tốp 5 cổ phiếu tăng giá có mặt TDH của Nhà Thủ Đức (tăng thêm 10.000 đồng).
Trước đó, nhiều dự báo đưa ra khả năng thị trường sẽ giảm mạnh khi một loạt chính sách mới bắt đầu được thông qua về kiểm soát các nguồn vốn đổ vào thị trường, cũng như việc tăng cường giám sát cơ chế thông tin và giao dịch tại sàn chứng khoán…
Cũng trong sáng nay, hai quan chức của Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán đã có cuộc tiếp xúc với báo giới. Thông tin chính được đề cập vẫn là câu hỏi mà nhiều nhà đầu tư đang đặt ra: Thị trường hiện nay đang vận động như thế nào? Cơ chế quản lý trong thời gian tới sẽ tích cực hơn?
Ông Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính:
- Theo nhận định của cá nhân tôi, tôi cho rằng thị trường chứng khoán trong thời gian gần đây là khá nóng, cho nên các nhà đầu tư hãy hết sức thận trọng khi đầu tư vào thị trường này. Bản thân các nhà đầu tư phải tự bảo vệ lấy mình và để bảo vệ cho thị trường chứng khoán phát triển một cách lành mạnh.
Nhà đầu tư, cũng như những thành viên khác của thị trường không nên vì lợi ích trước mắt mà quên mất sự phát triển lâu dài. Vì tiến trình cổ phần hóa của chúng ta vẫn tiếp tục làm, chúng ta vẫn còn nhiều công ty, nhiều doanh nghiệp lớn, tốt sẽ được niêm yết, theo đó cơ hội cho nhà đầu tư vẫn còn nhiều. Nếu chúng ta không gìn giữ, không sử dụng tốt thị trường này thì sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của chính các nhà đầu tư và của thị trường nói chung.
Còn với các nhà đầu tư, những tổ chức nước ngoài nói chung thì họ rất ngưỡng mộ sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam. Vậy thì chúng ta phải cùng nhau giữ được sự ấn tượng đó, sự phát triển đó, bởi nếu mất đi thì sẽ rất khó trở lại.
Có nhiều nhận định cho rằng thị trường hiện nay hàm chứa nhiều rủi ro. Vậy việc quản lý sẽ như thế nào, nhất là khi có những rủi ro xuất phát từ sự không minh bạch?
Để quản lý rủi ro trên thị trường chứng khoán thì vấn đề quan trọng nhất là luật lệ phải rõ ràng. Luật Chứng khoán đã có hiệu lực, nghị định hướng dẫn cũng đã được Chính phủ ban hành. Trong vài ngày nữa, tất cả các thông tư hướng dẫn cũng sẽ được ban hành.
Nhưng cũng phải lưu ý rằng bản thân Luật Chứng khoán đã quy định khá chi tiết nên nghị định chỉ quy định một số điều thôi, thông tư cũng chỉ hướng dẫn một số điểm thôi, cho nên ngay từ ngày 1/1/2007 tất cả các thành viên của thị trường đã phải có trách nhiệm thực hiện những quy định chung của Luật.
Thứ hai là về công bố thông tin. Các nhà đầu tư cần phải được biết và tiếp cận một cách đầy đủ về tình hình sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính của doanh nghiệp niêm yết. Những thông tin này rất quan trọng, để làm sao các nhà đầu tư có thể từ đó phân tích, biết được hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; hoạt động tài chính có lành mạnh hay không… Chúng tôi đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán đẩy mạnh việc này hơn trong thời gian tới.
Thứ ba là trong giao dịch. Hiện nay, qua các phiên giao dịch cho thấy lượng đặt mua, đặt bán rất nhiều. Nhưng các nhà đầu tư cần phải nắm bắt thông tin sao cho rõ ràng hơn, đặc biệt là về mức giá, lượng giao dịch… Chúng tôi cũng chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán tổng kết, phân tích kết quả giao dịch để cung cấp cho nhà đầu tư.
Một vấn đề quan trọng nữa liên quan đến việc kiểm soát các nguồn tiền. Cuối tuần trước, Ủy ban Chứng khoán cũng đã có cuộc trao đổi rất có kết quả với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phối kết hợp kiểm soát các nguồn tiền. Trong đó có vấn đề như các ngân hàng thương mại nhà nước không có cho vay các công ty chứng khoán thành viên để đầu tư vào thị trường chứng khoán nữa; Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ kiểm soát chặt chẽ về hoạt động tín dụng này.
Phải nói rằng nguồn vốn tín dụng là nguồn vốn của dân, các ngân hàng thương mại nhà nước lại đi cho các công ty chứng khoán vay mà độ rủi ro lại cao hơn các loại tín dụng khác rất nhiều, cho nên chúng tôi cho rằng những quy định mới của Ngân hàng Nhà nước là rất hợp lý.
Bên cạnh đó còn có nhiều hoạt động khác nữa mà chúng ta phải kiểm tra, kiểm soát. Đó là hoạt động repo, cho vay cầm cố chứng khoán để đầu tư vào chứng khoán cũng cần phải đặc biệt chú ý trong hoạt động kiểm soát tín dụng.
Liên quan đến các dòng tiền vào ra Việt Nam thì có các quỹ, hiện nay có những quy định như phải kiểm soát chặt chẽ tất cả những quỹ thành lập tại Việt Nam. Theo quy định định của Nghị định 144 trước đây cũng như theo Luật Chứng khoán thì phải kiểm tra lại hoạt động của các quỹ này. Còn với các quỹ nước ngoài hoạt động tại Việt Nam thì theo Luật Chứng khoán thì phải đăng ký và có cơ chế công khai một cách chặt chẽ.
Về phía Ủy ban Chứng khoán, yêu cầu đặt ra là phải tăng cường hơn nữa hoạt động kiểm tra, giám sát hoạt động của các công ty chứng khoán, kể cả hoạt động của các trung tâm giao dịch chứng khoán. Hiện nay, các phương tiện thông tin đại chúng cũng đã đưa ra thông tin có những dấu hiệu là các công ty chứng khoán chất lượng phục vụ không tốt; một số công ty chứng khoán không công khai, minh bạch trong hoạt động nên phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát. Nếu như công ty chứng khoán nào vi phạm thì phải nghiêm khắc xử lý. Đó là một công tác quan trọng.
Chúng tôi thấy rằng bản thân các công ty chứng khoán cũng là thành viên của thị trường, phát triển theo thị trường nhưng họ phải thấy được trách nhiệm của mình với các nhà đầu tư. Một số công ty chứng khoán mới ra đời cuối năm 2006 thì vốn quá nhỏ bé, vì vậy phải tăng cường hơn nữa năng lực tài chính cũng như năng lực cán bộ trong điều hành.
Ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán:
- Thị trường hiện nay đang đi lên. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân bản chất là doanh nghiệp làm ăn cuối năm tốt hơn, vốn đầu tư nước ngoài tăng, tình hình tăng trưởng kinh tế, cải cách kinh tế rất tích cực cho thị trường chứng khoán phát triển. Nhiều công ty lớn, nhiều công ty tốt hơn lên sàn... chất lượng cầu cũng tăng lên.
Tuy nhiên tốc độ tăng của thị trường tăng nhanh quá, tăng mạnh trong một thời gian ngắn. Ví dụ 10 ngày đầu năm, tỷ lệ tăng trưởng ở hai trung tâm lên tới 28%.
Xu hướng chung quốc tế khi thị trường tăng nhanh, mạnh như thế thì phải có những nghiên cứu một cách rất nghiêm túc về thị trường, đặc biệt là tâm lý đầu tư của mình hiện nay nếu kéo dài sẽ cản trở sự phát triển dài hạn của thị trường. Cần có thái độ ứng xử rất thận trọng, nhưng cũng tích cực.
Thủ tướng và Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán bàn biện pháp triển khai việc đó. Khi tăng như vậy doanh nghiệp cần công bố thông tin nhiều hơn và đã có công văn yêu cầu doanh nghiệp làm như vậy.
Thứ hai, thị trường đã phát triển rộng rồi, nguồn vốn vào ra trong nước và ngoài nước nhiều, cần có sự phối hợp hơn với ngân hàng trong trao đổi thông tin, phân tích thị trường...
Thủ tướng Chính phủ cũng đánh giá cao nguồn vốn nước ngoài. Để tăng trưởng kinh tế cần nguồn vốn trong và ngoài nước. Chính phủ cũng muốn thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhiều hơn. Tuy nhiên trong bối cảnh thị trường đang tăng mạnh, nhanh như vậy thì cũng không nên mở rộng yếu tố đầu tư nước ngoài trong thời điểm này.
Không có nghĩa là Chính phủ không mở cửa vào thời điểm thị trường đang nóng, mà hoãn lại làm vào thời điểm thích hợp.
Thứ ba, Ủy ban Chứng khoán cũng thấy cần phải kiểm tra các các công ty chứng khoán vì lượng đầu tư tăng, các nhà đầu tư kêu nhiều về đặt lệnh, lưu ký, tình trạng phục vụ... Cần phải có thanh tra một vài điểm để chấn chỉnh.
Tuy nhiên, khi nhu cầu lên rất nhanh như vậy thì khả năng đáp ứng rất khó: phải mở sàn, mở thêm chi nhánh không thể ngày một ngày hai được, nhưng cũng cần phải có nỗ lực từ các công ty chứng khoán về chất lượng phục vụ để đảm bảo công bằng, đừng để một vài ý kiến bức xúc tác động không tốt tới thị trường.