18:08 06/11/2023

Thị trường đang đặt cược trái với dự định của các ngân hàng trung ương

An Huy

Thị trường đang tin sắp đến lúc lãi suất được cắt giảm, đặt ra thách thức đối với khẩu hiệu của các ngân hàng trung ương rằng họ sẽ giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian tới để chống lạm phát...

Chủ tịch ECB Christine Lagarde (trái) và Chủ tịch Fed Jerome Powell - Ảnh: Bloomberg.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde (trái) và Chủ tịch Fed Jerome Powell - Ảnh: Bloomberg.

Các nhà đầu tư trái phiếu và các nhà giao dịch trên thị trường lãi suất tương lai đang gia tăng đặt cược rằng các ngân hàng trung ương lớn sẽ phải cắt giảm lãi suất trước khi bước vào mùa hè năm sau. Điều này đặt ra thách thức đối với khẩu hiệu của các ngân hàng trung ương rằng họ sẽ giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian tới để chống lạm phát.

Theo hãng tin Bloomberg, thị trường đang đặt cược Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 6/2024, và đến cuối năm sẽ cắt giảm tổng cộng khoảng 1 điểm phần trăm lãi suất. Lượng cắt giảm tương tự cũng được kỳ vọng ở Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), với đợt giảm đầu tiên có thể diễn ra ngay vào tháng 4. Và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) được dự báo sẽ giảm lãi suất tổng cộng 0,7 điểm phần trăm trong năm tới.

THỊ TRƯỜNG HƯNG PHẤN, NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG DÈ DẶT

Đặt cược này của thị trường đặt ra vấn đề đối với các ngân hàng trung ương, vì các nhà hoạch định chính sách tiền tệ đã thừa nhận rằng kỳ vọng về sự thắt chặt của chính sách tiền tệ là nhân tố đẩy lợi suất trái phiếu tăng thời gian qua, thông qua đó giúp giảm nhiệt nền kinh tế. Giờ đây, khi kỳ vọng “lãi suất cao hơn lâu hơn” bị đảo ngược, lợi suất đang có chiều hướng tụt nhanh, đồng nghĩa cuộc chiến chống lạm phát sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.

“Các quan chức ngân hàng trung ương muốn đẩy lùi kỳ vọng cắt giảm lãi suất càng lâu càng tốt để tránh các điều kiện tài chính trở nên nới lỏng”, nhà kinh tế cấp cao Henry Cook của MUFG nhận định. Nếu các dữ liệu kinh tế tiếp tục yếu đi trong những tháng tới như dự báo của ông Cook, vị chuyên gia cho rằng các ngân hàng trung ương sẽ càng khó duy trì lập trường cứng rắn.

Những gì mà thị trường đang đặt cược phản ánh sự hoài nghi đã đeo bám tâm trí nhà đầu tư  sau năm 2021, kể từ khi các ngân hàng trung ương khẳng định rằng lạm phát sẽ chỉ là tạm thời. Các nhà hoạch định chính sách tiền tệ đã dự báo sai về sự leo thang của lạm phát, và giờ đây, thị trường lo ngại rằng họ cũng dự báo sai nốt về sự xuống thang của lạm phát.

Đối với giới chức ngân hàng trung ương, việc lợi suất trái phiếu giảm đe doạ dẫn tới nới lỏng các điều kiện tài chính cho dù việc cắt giảm lãi suất đã chính thức diễn ra hay chưa. Điều đó sẽ làm suy yếu tác dụng của các đợt tăng lãi suất mà họ đã triển khai từ trước đến nay.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde đã lên tiếng nhằm dập tắt kỳ vọng của thị trường, cảnh báo giờ là lúc “hoàn toàn còn quá sớm” để nói đến việc cắt giảm lãi suất.

“Thách thức bây giờ của các ngân hàng trung ương là làm thế nào để ngăn thị trường trở nên hưng phấn quá mức. Chừng nào khả năng các ngân hàng trung ương tăng thêm lãi suất còn thấp, tôi cho rằng thị trường sẽ còn tiếp tục có khuynh hướng đặt cược như thế này vào việc cắt giảm lãi suất”, nhà kinh tế cấp cao Sebastian Vismara của công ty quản lý đầu tư BNY Mellon Investment Management phát biểu.

Hôm thứ Sáu tuần trước, các nhà giao dịch đã đẩy kỳ vọng vào đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên của Fed lên tháng 6 từ tháng 7 như kỳ vọng trước đó, sau khi báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy lượng việc làm mới ít hơn dự báo và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên.

Có một rủi ro là các nhà đầu tư và nhà giao dịch có thể “gậy ông đập lưng ông” bởi sự đặt cược như vậy. Đây sẽ không phải là lần đầu tiên mà họ đặt cược sai. Trong chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ này, hết lần này đến lần khác thị trường tin rằng sắp đến lúc các ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất, và lần nào họ cũng nhầm. Cũng có những lúc họ đặt cược quá mức vào việc tăng lãi suất, và cũng phạm sai lầm.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ 10 năm đã giảm từ mức 5% xuống còn 4,5% trong vòng chưa đầy 2 tuần vì thị trường tràn trề hy vọng rằng các ngân hàng trung ương, nhất là Fed, đã dừng tăng lãi suất ở đây. Vừa mới tuần trước Chủ tịch Fed Jerome Powell thừa nhận rằng lợi suất trái phiếu tăng cao đã giúp sức cho các nhà hoạch định chính sách, thì giờ đây các nhà hoạch định chính sách tiền tệ lại phải cảnh giác với những dấu hiệu cho thấy các điều kiện tài chính có thể đang nới lỏng quá nhanh.

Một sự thừa nhận như vậy “có thể phản tác dụng và các ngân hàng trung ương có thể sẽ lại phải lên tiếng mạnh mẽ để tìm cách đảo ngược những gì mà họ đã thừa nhận”, ông Vismara nhấn mạnh.

TRANH CÃI QUANH ĐẶT CƯỢC VÀO SỰ CẮT GIẢM LÃI SUẤT

Ở Anh, nơi lạm phát còn đang cao gấp 3 lần so với mục tiêu 2%, Thống đốc BOE Andrew Bailey đã dội thẳng một gáo nước lạnh vào sự đặt cược của thị trường. Hôm thứ Năm, sau khi kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ mà BOE giữ nguyên lãi suất, ông Baily nhắc lại tại họp báo rằng còn quá sớm để nghĩ đến nới lỏng chính sách tiền tệ.

“Nhưng thị trường không tin là BOE sẽ chống lại được việc phải cắt giảm lãi suất nếu các hoạt động kinh tế suy giảm và tình hình công ăn việc làm xấu đi, cho dù lạm phát còn cao đi chăng nữa”, ông Axel Botte, Trưởng bộ phận chiến lược thị trường của công ty Ostrum Asset Management, nhận định.

Đã có một số chiến lược gia cho rằng thị trường đang đặt cược sai và nhà đầu tư quá vội vã khi nghĩ đến việc cắt giảm lãi suất.

Giám đốc đầu tư Mark Dowding của Công ty BlueBay Asset Management nghi ngờ việc có bất kỳ ngân hàng trung ương nào cắt giảm lãi suất trong ít nhất 9 tháng tới. Ông nhấn mạnh rằng lạm phát vẫn còn đang cao hơn nhiều so với mục tiêu và hầu như chưa có dấu hiệu nào cho thấy nền kinh tế Mỹ thực sự yếu đi.

Nhà phân tích Adam Kurpiel của ngân hàng Societe Generale khẳng định những ai đặt cược ECB giảm lãi suất tổng cộng 1 điểm phần trăm trong năm 2024 sẽ phải thất vọng. “Cuộc họp mới đây của Fed là cái cớ để thị trường một lần nữa đặt cược rằng lãi suất sắp bước vào chu kỳ nới lỏng, và các tài sản rủi ro đã dựa vào đó để tăng giá. Nhưng thực tế có thể sẽ phức tạp hơn những gì mà thị trường mong muốn”, ông Kurpiel nhận định trong một báo cáo.

Nhưng mặt khác, trên thị trường đang hình thành một quan điểm cho ràng chính sách tiền tệ đã thắt chặt quá mức rồi, và đây là một dấu hiệu cho thấy áp lực thị trường về việc cắt giảm lãi suất sẽ còn lớn trong thời gian tới.

Ngân hàng Trung ương Canada (BOC) để ngỏ khả năng tăng lãi suất thêm lần nữa, và điều này đã vấp phải sự chỉ trích của một số nhà đầu tư kỳ cựu - những người cho rằng lẽ ra các nhà hoạch định chính sách tiền tệ đang phải nói tới việc cắt giảm lãi suất rồi.

Ông David Zahn, Trưởng bộ phận thị trường trái phiếu châu Âu của công ty Franklin Templeton, nói rằng đặt cược vào việc châu Âu cắt giảm lãi suất từ tháng 4/2024 có thể là quá sớm, nhưng về sau, ECB có thể sẽ phải giảm lãi suất nhanh hơn so với những gì mà thị trường đang định giá, để vực dậy nền kinh tế.

“Rõ ràng là họ đã hoàn thành việc tăng lãi suất, nên vấn đề bây giờ là liệu bao giờ thì họ bắt đầu giảm lãi suất. Các nhà đầu tư sẽ muốn chuẩn bị sẵn sàng cho một chu kỳ cắt giảm lãi suất liên tục ở châu Âu”, ông Zahn phát biểu.