10:02 22/01/2008

Thị trường dược: Mạo hiểm để chống lại nguy hiểm

Câu chuyện về những người đi tiên phong “tuyên chiến” với cung cách mua bán dược phẩm tùy tiện lâu nay trên thị trường bán lẻ

Nhiều năm qua, người tiêu dùng thường có thói quen sử dụng thuốc chữa bệnh dựa vào sự chỉ định của… nhân viên bán hàng (không phải là bác sĩ hay dược sĩ) tại các cửa hàng dược phẩm.
Nhiều năm qua, người tiêu dùng thường có thói quen sử dụng thuốc chữa bệnh dựa vào sự chỉ định của… nhân viên bán hàng (không phải là bác sĩ hay dược sĩ) tại các cửa hàng dược phẩm.
Câu chuyện về những người đi tiên phong “tuyên chiến” với cung cách mua bán dược phẩm tùy tiện lâu nay trên thị trường bán lẻ...

Nhiều năm qua, người tiêu dùng thường có thói quen sử dụng thuốc chữa bệnh dựa vào sự chỉ định của… nhân viên bán hàng (không phải là bác sĩ hay dược sĩ) tại các cửa hàng dược phẩm.

Tiện nhất là đến ngay hiệu thuốc gần nhà, sau vài ngày hoặc một tuần bệnh cũng thuyên giảm, khỏi phải chờ đợi mệt mỏi tại các bệnh viện đông đúc để được bác sĩ thăm khám, cho toa. Thói quen này vẫn kéo dài cho đến bây giờ, đến nỗi không phải ai cũng ý thức hết sự nguy hại cho sức khỏe nếu chữa bệnh không có sự hướng dẫn của bác sĩ.

Nhiều người bệnh còn tự ra đơn thuốc cho mình rồi đến nhà thuốc mua về … “tự xử”. Nhiều loại thuốc theo nguyên tắc phải do bác sĩ chỉ định, thế nhưng trong tình hình mua bán thuốc như hiện nay, nhiều chủ hiệu thuốc vẫn cứ “vô tư” bán, thu tiền, vì đâu ai biết mình đã bán những gì, bán cho ai mà phải sợ!

Có thể bạn chưa biết !

Có những chuyện mà khi nghe, các bậc cha mẹ chắc phải giật mình. Các chuyên gia ngành dược cho biết hiện có những công thức kết hợp một số loại dược phẩm để cho ra loại thuốc có hiệu quả tương đương thuốc “lắc” mà một số bạn trẻ đang truyền tai nhau. Để tránh sự chú ý của người lớn, họ chọn mua mỗi cửa hàng một loại thuốc khác nhau.

Hoặc một số nữ sinh đang sử dụng một loại thuốc trị mụn, nhưng đó chỉ là tác dụng phụ, tác dụng chính của thuốc là… ngừa thai! Cũng không ít phụ nữ vẫn muốn “kích thước vòng 1” tăng thêm nhưng chưa biết rằng một số loại thuốc kích thích tuyến ngực phát triển cũng đồng thời có tác dụng kích hoạt các tuyến ung bướu phát triển và gây hệ lụy cho hệ thống nội tiết.

Nêu những chuyện này để thấy nếu tất cả các cửa hàng dược phẩm đều buộc phải tổ chức theo đúng chuẩn GPP (Good Pharmacy Pratice - thực hành tốt nhà thuốc) thì làm sao một nhãn thuốc không được phép quảng cáo lại có thể nghiễm nhiên trưng bày trong tủ kính; làm sao một tác dụng phụ của thuốc được “rao” như tác dụng chính, trong khi tác dụng chính chỉ được “căn dặn” như tác dụng phụ; làm sao các loại thuốc buộc có toa của bác sĩ lại được bán tràn lan, vô tội vạ như hiện nay?

Còn nhiều tác hại khác nữa nếu không nhanh chóng thực hiện nhà thuốc theo chuẩn GPP. Một số nhà thuốc hiện nay không đủ điều kiện bảo quản thuốc, mặt bằng ẩm thấp, hoặc không đúng nhiệt độ quy định, bị nắng chiếu trực tiếp từ ngày này qua ngày khác…

Trong những điều kiện như vậy, thời hạn sử dụng ghi trên bao bì xem như không còn giá trị. Nhiều quầy bán lẻ thuốc hiện nay không những còn không được vô trùng, khay phân thuốc còn không được làm sạch, để mặc cho hoạt chất của loại thuốc này tha hồ tương tác với hoạt chất của nhiều loại thuốc khác!

Tuyên chiến với… thói quen

Tình trạng bán thuốc tùy tiện, bảo quản không đúng chuẩn của hàng chục ngàn cửa hiệu bán lẻ dược phẩm trên cả nước là nỗi ám ảnh lâu nay đối với nhiều người trong giới y bác sĩ, dược sĩ có tâm huyết đối với sức khỏe cộng đồng.

Bộ Y tế cũng đã ban hành bộ tiêu chuẩn nhà thuốc GPP nhưng việc chấn chỉnh tình hình tại các cửa hàng kinh doanh dược phẩm xem ra rất chậm, bởi đến năm 2010 bộ tiêu chuẩn này mới có hiệu lực thi hành. Một trong số ít doanh nghiệp tư nhân đã tuyên chiến với tệ nạn này là chuỗi nhà thuốc V-Phano, của Công ty Cổ phần Dược phẩm Phano, mở tại Tp.HCM hồi năm ngoái.

Ông Trương Viết Vũ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Phano, cho biết từ lâu ông đã có ý định tổ chức chuỗi cửa hàng dược phẩm theo chuẩn GPP, nhưng để đi đến quyết định đầu tư là quãng thời gian đầy khắc khoải. “Khắc khoải” là bởi đi kèm với việc thực hiện ý nguyện này là độ rủi ro kinh doanh rất cao.

“Hội đồng Quản trị Phano ý thức rõ mức đầu tư một cửa hàng dược phẩm theo chuẩn GPP cao gấp năm, sáu lần một cửa hiệu thuốc trung bình trên thị trường hiện nay, và muốn giữ đúng cung cách bán thuốc theo toa bác sĩ thì phải chấp nhận ít khách hàng”, ông Vũ nói.

Tuy vậy, với khoản tài chính tích lũy được sau quá trình kinh doanh dược phẩm khá thành công với thương hiệu Công ty Dược Duy Tân, ông Vũ đã mạnh dạn làm người mở đường cho một cung cách bán hàng mới. V-Phano ra đời nhằm thay đổi một thói quen mua bán thuốc đã ăn sâu trong đời sống xã hội.

“Chúng tôi biết V-Phano có thể đối diện với thất bại. Tuy nhiên, nếu chẳng may V-Phano… “chết yểu”, chắc chắn còn nhiều người khác sẽ tiếp bước con đường này, vì đây là xu hướng tất yếu mà ngành kinh doanh dược phẩm buộc phải chuyển đổi để hội nhập”, ông Vũ nói. Hiện nay nhu cầu sử dụng thuốc an toàn là rất lớn và chắc chắn sẽ tăng trong thời gian tới.

Với suy nghĩ như vậy, tháng 8/2007, cửa hàng thuốc GPP V-Phano 1 xuất hiện ở số 396 Cách Mạng Tháng Tám, quận Tân Bình. Ông Trần Hữu Đức, Giám đốc điều hành chuỗi cửa hàng V-Phano, cho biết tình hình mua bán tại đây nhiều lúc cũng dở khóc dở cười. Nhiều người đến mua thuốc tỏ ra khó chịu trước việc nhà thuốc không bán các loại kháng sinh, kháng viêm, tim mạch, thần kinh…, là những loại thuốc buộc phải có toa bác sĩ.

Ông Đức cho biết, thời gian đầu, tỷ lệ khách bị từ chối chiếm đến 60%. Nhưng có điều an ủi là trong số khách bị từ chối vẫn có khoảng 38% gửi lời cảm ơn tại chỗ, một số sau đó đã quay lại với toa thuốc của bác sĩ.

Đây chính là động lực để Phano mở thêm cửa hàng V-Phano 2 tại số 300 Ba Tháng Hai, quận 10. Áp dụng những kinh nghiệm rút tỉa sau ba tháng tổ chức, củng cố quy trình hoạt động ở V-Phano 1, V-Phano 2 nhờ vậy đã trở thành nhà thuốc đầu tiên nhận được giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn “thực hành tốt nhà thuốc” (số 0001/GPP) do Sở Y tế Tp.HCM cấp. Còn V-Phano 1 cũng đang trong quá trình xem xét để được cấp giấy chứng nhận.

Bài toán kinh doanh

Theo kế hoạch, trong tháng 2/2008 sẽ có thêm nhà thuốc V-Phano 3 trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Theo ông Trần Hữu Đức, nếu so với suất đầu tư, doanh số của V-Phano còn khá khiêm tốn, vẫn còn trong giai đoạn “cầm cự”. Tuy nhiên, việc tổ chức một chuỗi nhà thuốc là định hướng ngay từ đầu khi Hội đồng Quản trị Phano quyết định đầu tư mô hình cửa hàng thuốc theo chuẩn GPP. Kế hoạch của Phano là sẽ có hàng chục cửa hàng vào cuối năm 2008.

Trong khi chờ đợi nhiều doanh nghiệp khác tiếp sức, V-Phano đang mở ra nhiều dịch vụ mới để thu hút khách hàng. Ngoài việc tổ chức một không gian mua bán thoải mái, tiện nghi với nước uống, chỗ ngồi đọc báo… khách hàng còn được bác sĩ tư vấn miễn phí vào mỗi buổi tối. Giá thuốc không chỉ theo đúng quy định mà còn giảm 2% trên giá trị hóa đơn dành cho khách mua sản phẩm có toa bác sĩ…

Cũng theo ông Đức, sau hơn bốn tháng hoạt động, chuỗi nhà thuốc V-Phano ghi nhận một số khách hàng đã quay lại mua thuốc. Có những khách hàng đi xe ôm hơn chục cây số đến hiệu thuốc V-Phano để trò chuyện với bác sĩ bởi họ được lắng nghe, và chia sẻ. “Chúng tôi hiểu ra, xây dựng niềm tin không bao giờ là việc của một sớm một chiều nhưng khi xây dựng được thì sẽ vững chắc”, ông Đức nói.

Bên cạnh đó, để bù đắp rủi ro kinh doanh, V-Phano đang nhắm tới việc kinh doanh thực phẩm chức năng và thiết bị y tế gia dụng. Theo ông Đức, đây là thị trường rất tiềm năng. Chiến lược của V-Phano trong vòng năm năm tới là phát triển kinh doanh nhóm thực phẩm chức năng và dược mỹ phẩm thành nhánh kinh doanh chính song song với dược phẩm chữa bệnh.

Bên cạnh đó, V-Phano còn nhập khẩu, kinh doanh các loại thiết bị y tế thiết yếu trong gia đình như thiết bị kiểm soát nhiệt độ cơ thể, kiểm soát nhiệt độ thực phẩm, máy đo huyết áp cho người già...