14:41 05/11/2011

Thị trường IPO Hồng Kông “vắng như chùa Bà Đanh”

An Huy

Từ khi mức độ bất ổn của thị trường toàn cầu gia tăng trong mùa hè năm nay, cỗ máy IPO ở Hồng Kông chạy mỗi lúc một chậm lại

Thị trường phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng ở Hồng Kông đìu hiu.
Thị trường phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng ở Hồng Kông đìu hiu.
Thị trường phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) Hồng Kông, một nguồn lợi nhuận quan trọng của Phố Wall, rơi vào cảnh đìu hiu do sự bất ổn của thị trường chứng khoán khiến các công ty muốn phát hành phải e dè.

Quý 4 hàng năm thường là quý sôi động nhất cho các vụ IPO ở Hồng Kông, đóng góp 51% vào tổng giá trị các vụ IPO mỗi năm ở đây - theo số liệu từ hãng nghiên cứu Dealogic. Trong hai năm 2009-2010, Hồng Kông là thị tường IPO lớn nhất thế giới, và năm nay, thị trường này cũng chỉ thua New York.

Tuy nhiên, kể từ khi mức độ bất ổn của thị trường chứng khoán toàn cầu gia tăng trong mùa hè năm nay, cỗ máy IPO ở Hồng Kông chạy mỗi lúc một chậm lại. Đây được xem là một trong những nguyên nhân dẫn tới kết quả kinh doanh ảm đạm trong quý 3 của các ngân hàng đầu tư ở Phố Wall. Trong tháng 10, tháng đầu tiên của quý 4, thị trường IPO này vẫn gần như trong trạng thái tê liệt. Mới chỉ có một vụ IPO lớn là vụ phát hành trị giá 1,7 tỷ USD của công ty chứng khoán Citic Securities được hoàn tất.

“Các công ty phát hành cổ phiếu có cơ hội thực sự hạn hẹp để thực hiện IPO trong năm nay. Hoạt động quảng bá trước cho các vụ IPO cần khởi động trước giữa tháng 11 và hoàn tất trong vòng 4 tuần, nếu không công ty phát hành sẽ rơi vào trạng thái mắc kẹt cho tới sau năm mới âm lịch”, ông Jonathan Penkin, Giám đốc mảng thị trường vốn khu vực châu Á trừ Nhật của Goldman Sachs, nhận xét.

Đến giữa tháng 12, cánh cửa cho các vụ IPO thường đóng lại. Năm nay, năm mới âm lịch lại đến sớm hơn thường lệ, bắt đầu từ ngày 23/1/2012, đồng nghĩa với việc các vụ IPO ở Hồng Kông sẽ không thể được thực hiện ít nhất là cho tới tháng 2.

Đối với những ngân hàng lớn ở Phố Wall như Goldman Sachs, Morgan Stanley và UBS, các vụ IPO là một trong những nguồn thu quan trọng nhất. Theo hãng Dealogic, IPO đóng góp bình quân 25% trong doanh thu từ mảng ngân hàng đầu tư của họ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trừ Nhật Bản trong vòng 5 năm qua.

Cho tới thời điểm này của quý 4, doanh thu từ IPO của các ngân hàng trên từ thị trường Hồng Kông gần như không tồn tại, chỉ đạt khoảng 540.000 USD. Trong 5 năm qua, các ngân hàng Phố Wall đã kiếm được trung bình mỗi năm 406 triệu USD từ các vụ IPO ở Hồng Kông trong quý 4.

“Đối với các ngân hàng đầu tư, mức phí thu được từ các vụ IPO ở Hồng Kông trong quý 4 năm nay sẽ không đạt mức như hy vọng. Hiển nhiên là điều này sẽ ảnh hưởng bất lợi tới tiền thưởng cuối năm của các ngân hàng”, bà Keith Pogson, nhà quản lý mảng dịch vụ tài chính thuộc công ty Ernst & Young khu vực Viễn Đông, nhận định.

Chắc chắn là nếu tâm lý của các nhà đầu tư lạc quan trở lại, một làn sóng IPO có thể nhanh chóng xuất hiện trên thị trường. Tổng giá trị các vụ IPO mà các công ty đang rục rịch chuẩn bị ở Hồng Kông lên tới 20 tỷ USD, bao gồm hai vụ phát hành “khủng” là vụ trị giá 4 tỷ USD của hãng bảo hiểm lớn thứ ba Trung Quốc New China Life Insurance, và vụ trị giá khoảng 4 tỷ USD nữa của hãng nữ trang Chow Tai Fook.

Ở New York, thị trường IPO đang phát đi một số tín hiệu khởi sắc với hai vụ IPO trong tuần này. Đó là các vụ phát hành của trang web “mua hàng theo nhóm” Groupon và công ty sản xuất phân bón hóa học Rentech Nitrogen Partners.

Tuy nhiên, trong mấy tháng qua, thị trường IPO Mỹ cũng liên tục chứng kiến những vụ phát hành hụt. Thậm chí cả những công ty chịu áp lực phải trở thành doanh nghiệp đại chúng cũng chùn bước IPO trong bối cảnh thị trường có quá nhiều xáo trộn. Hãng khai mỏ quặng sắt Zhong Da Mining của Trung Quốc tuần trước đã rút kế hoạch IPO, bất chấp hãng này đối mặt hạn chót 31/10 phải thực hiện phát hành hoặc sau đó phải thực hiện các thủ tục lại từ đầu.

Nguyên nhân khiến các doanh nghiệp ngại lên sản ở thời điểm này bao gồm thất bại của các vụ IPO trước đó, cũng như những lo ngại của giới đầu tư về tình hình thị trường. Năm nay, các quỹ tương hỗ đã rút một lượng vốn ròng lên tới 1,1 tỷ USD khỏi thị trường chứng khoán Hồng Kông, so với mức rót vốn ròng 2 tỷ USD trong năm 2010, theo số liệu từ Nomura. Ngoài ra, cổ phiếu từ một loạt vụ IPO lớn năm nay khi đi vào giao dịch đã rớt giá xuống dưới mức giá chào bán.

Từ góc nhìn của các doanh nghiệp, rủi ro từ việc cố gắng thực hiện IPO là họ sẽ buộc phải bán cổ phiếu với mức giá không như mong đợi. “Bất kỳ một vụ IPO hấp dẫn nào cũng có cần có điều kiện là một cái tên công ty phát hành chất lượng và một mức giá rẻ. Nhưng việc liệu các công ty có sẵn sàng bán cổ phiếu của họ với mức giá rẻ như thị trường muốn hay không lại là chuyện khác”, Giám đốc điều hành Alex Au của quỹ đầu cơ Richland Capital Management nhận xét.

Một tia hy vọng le lói cho các ngân hàng bảo lãnh phát hành là cánh cửa IPO có thể sẽ vẫn còn mở trong tháng 12. Điều này đã từng xảy ra trước đây, nhưng thường chỉ xảy ra khi thị trường mạnh và các vụ IPO liên tiếp diễn ra. Năm ngoái, các ngân hàng đầu tư làm việc với các vụ IPO cho tới tận ngày 23/12, ngày phát hành lần đầu ở Hồng Kông của công ty Zoomlion Heavy Industry Science and Technology. Tuy nhiên, một tin không vui là cổ phiếu của doanh nghiệp này kể từ khi IPO tới nay đã “bốc hơi” mất 30%.