09:33 11/04/2024

Thị trường máy vi tính sôi động trở lại sau 2 năm, xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh

Quỳnh Anh

Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đã quay trở lại “ngôi vương” mặt hàng có kim ngạch lớn nhất trong quý 1/2024…

Xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện trong tháng 3 của Việt Nam cũng tăng mạnh với mức tăng 36,1%, đạt hơn 6,33 tỷ USD.
Xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện trong tháng 3 của Việt Nam cũng tăng mạnh với mức tăng 36,1%, đạt hơn 6,33 tỷ USD.

Theo kết quả sơ bộ từ công ty nghiên cứu thị trường International Data Corporation (IDC) công bố ngày 8/4, các lô hàng máy tính cá nhân (PC) trên toàn cầu đã tăng trưởng trở lại trong quý 1/2024 sau 2 năm sụt giảm.

Báo cáo chỉ ra rằng thị trường PC đã tăng 1,5% so với một năm trước đó, với 59,8 triệu lô hàng trong quý đầu tiên và quay trở lại mức trước đại dịch. Sự sẵn có của các PC được trang bị AI dự kiến sẽ thúc đẩy nhu cầu về các thiết bị này, giúp thị trường phục hồi sau thời gian trầm lắng do dịch Covid-19 gây ra.

Nhu cầu PC trong hai năm qua cũng bị ảnh hưởng bởi bối cảnh kinh tế, với lãi suất cao và tình hình lạm phát buộc các doanh nghiệp và khách hàng phải trì hoãn việc nâng cấp hệ thống.

Theo IDC, mức tăng trưởng trong quý đầu tiên chủ yếu được thúc đẩy bởi sự phục hồi ở châu Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, IDC cũng lưu ý mức tiêu thụ yếu ở Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ máy tính để bàn lớn nhất, vẫn tiếp tục và ảnh hưởng đến doanh số bán thiết bị toàn cầu. Sự phổ biến của máy tính để bàn đang giảm dần và nhường chỗ cho máy tính xách tay, đặc biệt là ở Trung Quốc.

Tháng trước, công ty nghiên cứu Canalys cho biết thị trường PC ở Mỹ dự kiến sẽ tăng trưởng lần lượt vào năm 2024 và 2025 ở mức 7% và 10%.
Jitesh Ubrani, Giám đốc nghiên cứu của Worldwide Mobile Device Trackers của IDC, cho biết: “Bất chấp những khó khăn của Trung Quốc, quá trình phục hồi dự kiến sẽ tiếp tục vào năm 2024 khi các PC AI mới lên kệ vào cuối năm nay và người tiêu dùng bắt đầu làm mới những chiếc PC đã mua trong thời kỳ đại dịch”.

Tập đoàn Lenovo của Trung Quốc hiện đang đứng đầu toàn cầu với 23% thị phần, tiếp theo là HP và Dell với thị phần lần lượt khoảng 20% và 15,5%. Apple đã chứng kiến số lượng lô hàng tăng 14,6% trong quý và có thị phần là 8,1%.

Tại Việt Nam, xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện trong tháng 3 cũng tăng mạnh với mức tăng 36,1%, đạt hơn 6,33 tỷ USD. Lũy kế trong quý 1, mặt hàng này đã thu về hơn 16,33 tỷ USD, tăng 35,7% so với cùng kỳ năm 2023, quay trở lại là mặt hàng có kim ngạch lớn nhất của Việt Nam.

Nguồn: Tổng cục Hải quan .
Nguồn: Tổng cục Hải quan .

Xét về thị trường, 3 thị trường chủ đạo của máy vi tính đều đang tăng mạnh nhập khẩu từ Việt Nam. Cụ thể Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch đạt hơn 5,03 tỷ USD, tăng 41,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trung Quốc đứng thứ 2 với 3,1 tỷ USD, tăng 29% và Hong Kong (TQ) đứng thứ 3 với 2,01 tỷ USD, tăng mạnh 104%.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự kiến, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2024 có thể tăng trên 6% so với năm 2023. Cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục đạt xuất siêu.

Để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, thời gian qua, Chính phủ và các Bộ, ngành đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp nhằm khai thông thị trường xuất khẩu; trong đó, có những thành tích lớn về công tác đàm phán, mở cửa thị trường.

Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội mở cửa thị trường này, vấn đề cần chú trọng là phát triển được nguồn hàng cho xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng và bảo đảm đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi về thuế quan theo các hiệp định.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần nhanh chóng nắm bắt được cơ hội, tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) để được hưởng nhiều lợi ích từ thuế suất thấp, từ cơ chế hỗ trợ giữa các thành viên ký kết FTA, thông qua việc gỡ bỏ rào cản phi thuế quan.