15:54 05/03/2007

Thiên Việt: Hợp đồng với Goldman Sachs là “bí mật”!

Minh Đức

Chủ tịch Công ty Chứng khoán Thiên Việt khẳng định đã có hợp đồng ký kết với Goldman Sachs bằng lời nói và... vật chứng

Một tài liệu liên quan đến thỏa thuận với Goldman Sachs được Thiên Việt đưa ra tại cuộc họp báo sáng nay - Ảnh: Minh Đức.
Một tài liệu liên quan đến thỏa thuận với Goldman Sachs được Thiên Việt đưa ra tại cuộc họp báo sáng nay - Ảnh: Minh Đức.
Chủ tịch Công ty Chứng khoán Thiên Việt khẳng định đã có hợp đồng ký kết với Goldman Sachs bằng lời nói và... vật chứng.

Trước phản ánh của báo chí trong những ngày qua, sáng nay (5/3), Công ty Chứng khoán Thiên Việt chính thức họp báo tại Hà Nội để giải trình.

Tại cuộc họp báo này, một lần nữa, ông Nguyễn Trung Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty, khẳng định rằng Thiên Việt đã ký hợp đồng hợp tác với Goldman Sachs - tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới.

Về mối quan hệ này, ông Hà nói “đã có quá nhiều thông tin xì xào về việc chúng tôi cố tình đưa ra những thông tin không đúng sự thật”. Đây cũng là vấn đề chính trong “sự kiện Thiên Việt” đang được dư luận đặc biệt chú ý.

Tuy nhiên, nhân “dịp” này, ông Hà chính thức tuyên bố: “Goldman Sachs và Thiên Việt có hợp đồng ký làm việc hợp tác trên nhiều lĩnh vực, nhiều hơn nhiều so với những gì tôi đã tuyên bố trước đó”.

Theo ông Hà, cột mốc đánh dấu quan hệ của tập đoàn này với các cổ đông của Thiên Việt có trước khi công ty được thành lập từ lâu. Ngày 10/1/2007, Chủ tịch Goldman Sachs đã sang thăm và làm việc tại Việt Nam. Ngày 2/2/2007, Phó chủ tịch Goldman Sachs cũng đã đến Việt Nam.

“Trong nhiều tháng cuối năm 2006 đầu 2007, Goldman Sachs có nhiều đoàn sang làm việc cụ thể tại Việt Nam. Chúng tôi đã ký hợp đồng cung cấp các dịch vụ cho Goldman Sachs, rất nhiều dịch vụ. Vì lý do về bí mật kinh doanh tôi không thể công bố nội dung của hợp đồng đó”, ông Hà nói.

"Bật mí" về nội dung hợp đồng này, ông Hà đưa ra thông tin chung chung là nội dung hợp tác kinh doanh, trách nhiệm - quyền lợi của hai bên. Còn nội dung cụ thể không thể công bố, “Thiên Việt chỉ sẵn sàng cung cấp các bằng chứng về hợp đồng này nếu cơ quan chức năng yêu cầu”. Ngoài ra, trong hợp đồng còn có nhiều điều khoản không được phép công bố, và bản thân Thiên Việt không muốn công bố, theo lời ông Hà.

Để chứng minh cho tuyên bố của mình, ông Hà đã mời đại diện báo giới và một số cơ quan ban ngành trực tiếp cầm, xem xét bản hợp đồng nói trên trước sự chứng kiến của nhiều người.

Một đại diện của Thiên Việt nói rằng việc kiểm chứng nói trên là muốn “một lần rõ ràng, công khai để chấm dứt mọi tin đồn”.

Trong văn bản giải trình của Thiên Việt chuyển đến phóng viên và trong lời của ông Hà cũng nhấn mạnh rằng “Goldman Sachs đã tin tưởng vào năng lực của Công ty Chứng khoán Thiên Việt và chọn Thiên Việt làm đối tác nội địa để thực hiện các dự án cụ thể tại Việt Nam”.

Ngoài ra, Thiên Việt là đơn vị chịu trách nhiệm cập nhật những thông tin về thị trường Việt Nam nhằm giúp tập đoàn này đưa ra những quyết định kinh doanh và dự án phù hợp. Thiên Việt cũng là cầu nối giữa Goldman Sachs và các cơ quan hữu quan phát triển quan hệ và tìm hiểu những dự án hợp tác, đầu tư tầm cao hơn.

Bản hợp đồng nói trên là một văn bản quan trọng nhưng theo chứng kiến của đại diện báo giới lại không có dấu của Goldman Sachs và là bản “photo”; và ngay như đại diện cổ đông sáng lập, Trưởng ban kiểm soát Lê Huy Hoàng cũng không được biết đến.

Với nghi ngờ này, ông Hà từ chối trả lời cụ thể nhưng một lần nữa khẳng định đó là hợp đồng chính thức giữa hai bên.

Có phải Tổng giám đốc “hờ”?

Dù đã tổ chức họp báo và giải trình nhiều về trường hợp ông Phạm Kinh Luân đứng tên Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Thiên Việt, nhưng đến thời điểm này vị trí và chức danh này vẫn gây nhiều hoài nghi trong dư luận.

Trong khi ông Luân phát biểu với báo giới rằng mình được làm Tổng giám đốc nhưng không được tham gia công việc của công ty thì ông Hà không dưới ba lần nhấn mạnh rằng Thiên Việt rất muốn hợp tác với nhân vật này. Thậm chí Thiên Việt đã “chờ đợi quá lâu” nhưng không thấy ông Luân đến làm việc. Đại diện Thiên Việt nhiều lần liên hệ nhưng cũng không thấy ông Luân đến, kể cả trong những lần kiểm tra của Ủy ban Chứng khoán. Đến 13/2/2007, Thiên Việt đã họp và miễn nhiệm ông Luân.

Như vậy, xung quanh vị trí và chức danh Tổng giám đốc tại Thiên Việt gắn với ông Phạm Kinh Luân vẫn còn những khẳng định hai chiều ngược nhau.

Một số ý kiến cho rằng vị trí ông Luân đảm nhiệm, không có hợp đồng lao động, chỉ là một hình thức “mượn tên” để Thiên Việt hoàn thiện hồ sơ xin giấy phép. Và có thể sau đó giấy phép này được “bán” lại.

Ông Hà phủ nhận những nhận định trên và khẳng định không có mục đích mua bán giấy phép trong kế hoạch thành lập của công ty; thậm chí lãnh đạo Thiên Việt còn đặt ra mong muốn phát triển thành một công ty chứng khoán hàng đầu tại Việt Nam.

Ông Hà cũng khẳng định rằng trong quá trình xin phép và thành lập công ty, các thủ tục pháp lý luôn đảm bảo đúng quy định hiện hành. Việc đổi tên từ Công ty Chứng khoán Tài chính Việt Nam thành Thiên Việt cũng là vì mục đích tránh sự nhầm lẫn trên thị trường với công ty khác là Công ty Chứng khoán Việt Nam.

Về hợp đồng lao động, có ý kiến cho rằng khi Thiên Việt chưa được cấp giấy phép, chưa thành lập và chưa có tư cách pháp nhân thì chưa thể đứng ra ký hợp đồng lao động với ông Luân.

Một điểm ngoài lề mà những người nghi ngờ về giá trị của chức danh Tổng giám đốc chú ý là không hiểu sao với một mong muốn ứng cử, với một ví trí lãnh đạo quan trọng trong doanh nghiệp mà đơn xin việc và đơn ứng cử giám đốc điều hành do ông Luân trình bày lại khá cẩu thả như vậy.