Thiết bị 5G Huawei có dễ “rộng đường” tại Việt Nam?
Thiết bị giá rẻ vốn là lợi thế của Huawei, nhưng trong cuộc đua 5G ở Việt Nam liệu hãng này có còn lợi thế?
Huawei gần đây có những hoạt động quảng bá, tiếp thị thiết bị và công nghệ 5G của hãng tại thị trường Việt Nam, giữa bối cảnh ngày càng nhiều nước, nhiều tập đoàn trên thế giới cấm hoặc hạn chế sử dụng thiết bị 5G của hãng do những lo ngại về an ninh.
Vậy 5G tại Việt Nam có trở thành mảnh đất màu mỡ và tiềm năng của Huawei, nhất là khi các nhà mạng của Việt Nam đang tiến hành triển khai thử nghiệm và lộ trình Việt Nam sẽ thương mại hóa 5G vào năm 2020, trở thành một trong những nước đầu tiên trên thế giới cung cấp dịch vụ 5G.
"Chiêu bài giá rẻ" còn hiệu nghiệm?
Trong cuộc phỏng vấn với tờ Nikkei (Nhật Bản) cách đây chưa lâu (đã được nhiều tờ báo Việt Nam đăng tải), ông Fine Fan, Tổng giám đốc Huawei Việt Nam không ngần ngại cho biết thiết bị 5G của Huawei không có đối thủ về chất lượng và giá bán tại Việt Nam.
Và ông Fine Fan cũng tin tưởng Huawei sẽ có cơ hội tốt để được chọn làm nhà cung cấp thiết bị 5G cho các nhà mạng di động tại Việt Nam.
Thực ra, chiến lược giá rẻ của Huawei tại Việt Nam không phải là điều lạ lẫm và mới mẻ. Trước đây từ thế hệ 2G, 3G, nhà cung cấp thiết bị viễn thông này đã có nhiều lợi thế tại thị trường viễn thông Việt bằng "chiêu bài" giá rẻ.
Trong một bài viết năm 2012, lãnh đạo một nhà mạng chia sẻ với VnEconomy rằng, các tập đoàn trên thế giới đã không thể cạnh tranh được với giá bỏ thầu của các nhà cung cấp của Trung Quốc vì giá thiết bị của họ quá cạnh tranh, chỉ bằng 40 - 50% so với giá trên thị trường.
Nhưng đến 4G cuộc chơi đã bắt đầu thay đổi. Như chính thừa nhận của ông Fine Fan, Tổng giám đốc Huawei Việt Nam trong bài phỏng vấn trên, là Huawei đã không còn giữ được vị trí dẫn đầu trong cung cấp thiết bị mạng nữa.
Lãnh đạo một nhà mạng lớn cho biết, nếu xét về giá hiện Huawei không còn là… "vô đối". Ông kể, mới đây, đơn vị của ông có thực hiện một số gói thầu thiết bị cho mạng 4G nhưng Huawei… toàn thua Nokia vì giá thiết bị của Nokia rẻ hơn.
Vị này cho biết, sau khi Nokia mua lại hãng thiết bị viễn thông của Pháp - Alcatel (tháng 1/2016 và trở thành nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn thứ hai thế giới - PV) quy mô sản xuất của Nokia tăng lên, thiết bị rẻ đi, do đó thiết bị mạng của Nokia "chào hàng" ở Việt Nam cũng cạnh tranh nhiều so với thiết bị của Huawei.
Trước khi triển khai 5G (thử nghiệm) - thế hệ mạng di động thứ 5 - thị phần thiết bị Huawei tại doanh nghiệp của ông đã co lại và giảm đi khá nhiều, bởi theo ông, hiện tại chiếm nhiều nhất là Nokia, tiếp sau là Ericsson - hai đơn vị này chiếm tới khoảng 70%.
5G, những tín hiệu không có Huawei
Ba nhà mạng lớn Viettel, VNPT-VinaPhone và MobiFone đã, đang có những bước đi rất tích cực trong việc triển khai 5G. Trong đó Viettel - mạng di động lớn nhất - hôm 10/5 vừa rồi đã thực hiện kết nối lần đầu tiên trên mạng di động 5G tại Việt Nam. Nhà mạng MobiFone cũng đã được Bộ Thông thông tin và Truyền thông cấp giấy phép thử nghiệm 5G. Còn mạng VNPT-VinaPhone thì đang chờ giấy phép.
Đáng chú ý, cả ba nhà mạng này thời gian qua đều có những thông tin công bố về kế hoạch hợp tác với các đối tác nước ngoài cho hành trình phát triển 5G của nhà mạng. Dù vậy, tuyệt nhiên không thấy cái tên Huawei xuất hiện.
Cụ thể, với Viettel, tại hôm kết nối lần đầu tiên trên mạng di động 5G, đối tác song hành với nhà mạng viễn thông quân đội là Ericsson (Thụy Điển). Chưa biết Ericsson sẽ đi cùng bao xa với Viettel nhưng một lãnh đạo tập đoàn này cho biết lý do chọn Ericsson vì Ericsson có nhiều kinh nghiệm và uy tín, hơn nữa Ericsson cũng là đối tác đã làm ăn lâu dài với Viettel.
Viettel đang nghiên cứu và đầu tư thiết bị 5G, tuy nhiên, theo ông, trong thời gian đầu triển khai, gồm cả thử nghiệm và thương mại hóa, Viettel sẽ phải nhập thiết bị mạng từ các đối tác bên ngoài. Tuy nhiên, về mục tiêu lâu dài và cũng là khát vọng của Viettel là làm chủ hoàn toàn mạng công nghệ 5G.
Một "ông lớn" khác trong ngành viễn thông là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cũng có những tín hiệu hợp tác về 5G khá sớm. Từ tháng 10/2018, VNPT đã ký kết với Nokia hai thỏa thuận hợp tác phát triển các công nghệ mới. Theo đó, hai bên sẽ cùng thiết lập phòng Lab nghiên cứu về công nghệ và các giải pháp, ứng dụng trong mạng di động 5G và công nghệ IoT.
Đặc biệt, hợp tác còn lại mà VNPT ký với Nokia là hợp tác nghiên cứu, khảo sát, thử nghiệm triển khai công nghệ 5G, IoT, sẽ cùng phối hợp nghiên cứu triển khai các ứng dụng giải pháp IoT cũng như các công nghệ, ứng dụng trong mạng 4G, 5G; hợp tác để hiện đại hóa mạng lưới VNPT theo định hướng 5G và Cloud, hợp tác chia sẻ thông tin về các nghiên cứu mới nhất về công nghệ /sản phẩm mới trên mạng 5G. Dự án này dự kiến sẽ được thực hiện trong vòng 3 năm.
Một lãnh đạo nhà mạng khác thì cho biết, trong giai đoạn đầu thử nghiệm - năm nay 2019 - đơn vị của ông không quá khắt khe trong chuyện về tính an ninh bảo mật bởi kiểm soát được, nên quan điểm "thử với càng nhiều hãng, với nhiều thiết bị càng tốt, để rút kinh nghiệm".
Tuy nhiên, đến giai đoạn đầu tư mang tính phổ cập và quy mô lớn thì sẽ phải cân nhắc bài toán lớn - là đối tác phải đảm bảo chất lượng, an toàn bảo mật thông tin, có uy tín trên thị trường và được sự chấp nhận của đa số các nhà mạng trên thế giới.
Tại nhà mạng của ông, hiện phần mạng lõi - phần thiết bị quan trong nhất của mạng di động, đặc biệt về bảo mật, an ninh - gồm cả 2G, 3G và 4G hoàn toàn là của các nước G7. Và tới đây 5G, ông cho biết, mạng lõi thế hệ mạng di động thứ 5 này cũng sẽ là của nước G7.
Với hạ tầng mạng lõi 5G của nước G7 này thì bất kỳ mạng (thiết bị) vô tuyến của bất cứ nhà cung cấp nào cũng có thể kết nối vào mạng lõi này vì thính hóa về giao diện đã được đưa vào các tiêu chuẩn của thế giới. Ngay trong năm 2019 và 2020, doanh nghiêp của ông đã phải chuẩn bị đầu tư xây dựng hệ thống tổng đài tương thích về mạng công nghệ, và hệ thống tổng đài này cũng là của các nước G7.