15:24 02/08/2012

Thiếu hay thừa đường?

Tùy Phong

Cơ quan quản lý nói cần nhập đường vì khả năng thiếu, ngược lại doanh nghiệp cho hay chưa cần nhập đường trong nước đã thừa

Hôm nay giá đường của Công ty Mía đường Cần Thơ đã giảm xuống dưới 16.000 đồng/kg, còn phía Bắc giá đường cũng đang xuống.
Hôm nay giá đường của Công ty Mía đường Cần Thơ đã giảm xuống dưới 16.000 đồng/kg, còn phía Bắc giá đường cũng đang xuống.
Cơ quan quản lý nói cần nhập đường vì khả năng xảy ra thiếu, trong khi có doanh nghiệp cho rằng chưa cần nhập đường vì trong nước đã dư thừa.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, tính đến ngày 4/7, Nhà máy Đường Tuy Hòa là đơn vị cuối cùng dừng sản xuất, kết thúc vụ ép 2011 - 2012.

Tổng kết toàn vụ 2011 - 2012, các nhà máy đường trong cả nước đã ép được 14,48 triệu tấn mía, sản xuất được 1,299 triệu tấn đường (thấp hơn 100.000 tấn so với dự báo vào tháng 2/2012 là 1,4 triệu tấn). So với cùng kỳ năm trước, lượng mía ép tăng 2,15 triệu tấn, lượng đường sản xuất tăng 159 nghìn tấn.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính đến ngày 15/7, lượng đường tồn tại kho các nhà máy là gần 240 nghìn tấn, thấp hơn cùng kỳ năm trước 54 nghìn tấn. Như vậy, lượng đường các nhà máy bán ra là 74,1 nghìn tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước 10 nghìn tấn.

Với lượng đường còn dư kể trên và trước tình hình không có nguồn nhập khẩu như năm trước (6 tháng đầu năm 2011 nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan 94,5 nghìn tấn), Bộ Công Thương dự báo nhiều khả năng đường trong nước bị thiếu.

Trước tình hình này, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đồng ý về việc nhập 70 nghìn tấn đường theo lượng hạn ngạch thuế quan. Đồng thời, Bộ Công Thương vừa có kiến nghị với Chính phủ sẽ công bố và phân giao ngay hạn ngạch trong tháng 7/2012 để các doanh nghiệp kịp thời giao dịch vừa đưa hàng về bổ sung nguồn cung cho thị trường.

Bộ Công Thương đánh giá, với mức tiêu thụ đường khoảng 110 – 120 nghìn tấn/tháng, nếu tính cả lượng đường nhập khẩu theo hạn ngạch 70 nghìn tấn cộng với lượng tồn kho (240 nghìn tấn) cũng chỉ đáp ứng được nhu cầu sử dụng được đường trong nước từ nay đến khi bắt đầu vụ đường 2012 - 2013.

“Những tháng giáp vụ là tháng 9 và tháng 10/2012, do lượng đường tồn kho mỏng có thể gây ra sốt giá và có khả năng thiếu hụt đường tinh luyện chất lượng cao (đường RE) để phục vụ sản xuất nước giải khát, sữa và chế biến thực phẩm”, Bộ Công Thương nhận định.

Tuy nhiên, trao đổi với VnEconomy, một lãnh đạo Tổng công ty Mía đường 1 (Vinasugar 1) cho hay, chưa cần nhập khẩu đường thì lượng đường sản xuất trong nước đã dư thừa.

“Chưa khi nào sức mua giảm như hiện nay, thị trường hầu như đóng băng. Mức tiêu thụ trên thị trường rất thấp, 80 - 90 nghìn tấn/tháng. Như vậy, với lượng tồn kho 240 nghìn tấn thì chưa cần nhập đường, trong nước cũng đã dư thừa. Bởi chỉ một tháng nữa, các nhà máy phía Nam sẽ bước sản xuất và miền Bắc vào tháng 11/2012 là chúng ta sẽ có đường sản xuất mới”, đại diện Vinasugar 1 lý giải.

Đại diện đơn vị này cũng cho biết thêm, ngoài lượng đường tồn kho tại các nhà máy, trên thị trường còn lượng đường dự trữ trên kênh lưu thông và lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan.

Diễn biến trên thị trường cũng cho thấy, giá đường đang giảm sâu từ đầu năm đến nay. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá bán đường đường trắng loại 1 (đã có thuế VAT) tại kho nhà máy đường trên cả nước trong tháng 7/2012 vẫn giữ như tháng 6/2012, phổ biến ở mức 16.200 - 16.500 đồng/kg.

Trong khi đó, một doanh nghiệp chia sẻ với VnEconomy, hôm nay giá đường của Công ty Mía đường Cần Thơ đã giảm xuống dưới 16.000 đồng/kg, còn phía Bắc giá đường cũng đang xuống.