16:49 03/10/2022

Thiếu quy định hướng dẫn xử lý các trường hợp vỡ nợ trái phiếu

Phan Linh

Khái niệm "vỡ nợ trái phiếu", "nợ xấu trái phiếu" mới xuất hiện gần đây, khung khổ pháp lý đối với những tình huống này chưa được quy định chi tiết. Bởi vậy, các chủ thể, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân chưa nhận thức hết mức độ rủi ro đối với đồng vốn mình bỏ ra...

Để thị trường phát triển ổn định, cần đang dạng hoá cơ sở nhà đầu tư, nhất là các quỹ đầu tư chuyên nghiệp và hạn chế sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ trên thị trường. Ảnh minh họa.
Để thị trường phát triển ổn định, cần đang dạng hoá cơ sở nhà đầu tư, nhất là các quỹ đầu tư chuyên nghiệp và hạn chế sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ trên thị trường. Ảnh minh họa.

Tại buổi đối thoại “Bước ngoặt thị trường trái phiếu doanh nghiệp sau Nghị định 65” do VnEconomy tổ chức hôm 30/9, các chuyên gia đồng tình với quan điểm của ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc Fiin Ratings, trước một số trường hợp trái phiếu đáo hạn nhưng doanh nghiệp chậm trả gốc, lãi khiến dư luận lo ngại về nguy cơ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian gần đây.

BÌNH TĨNH TRƯỚC CÁC THÔNG TIN VỠ NỢ TRÁI PHIẾU

Các chuyên gia nhận định đây là một vấn đề nhạy cảm vì trái phiếu là kênh huy động vốn mới của doanh nghiệp. Còn đối với hệ thống ngân hàng, vấn đề nợ xấu đã được đề cập vài chục năm nay nên thị trường đã có thời gian làm quen.

Đối với các ngân hàng thương mại, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ được công bố trên báo cáo tài chính thường khoảng 1,5% đến 2%. Vậy nên với trái phiếu, thị trường cũng phải chấp nhận thực tế nợ xấu kiểu như tín dụng ngân hàng…

 

“Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, dư nợ hiện nay khoảng 1,5 đến 1,6 triệu tỷ đồng thì chúng ta cũng không nên bất ngờ nếu có khoảng 1%, thậm chí 3% số doanh nghiệp chậm trả lãi, gốc; tức là khoảng 30 đến 50 nghìn tỷ”, Tổng giám đốc Fiin Ratings chia sẻ.

Do đó, các chuyên gia cho rằng các nhà đầu tư, cơ quan quản lý nên bình tĩnh trước thông tin về một số vụ việc chậm trả gốc, lãi khi đáo hạn trái phiếu. Cùng với đó, thị trường mong đợi cơ quan quản lý sớm đưa ra những quy định chi tiết về vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp. Khi nào nhà phát hành bị coi là vỡ nợ? Nhà phát hành có thể chậm thanh toán gốc/lãi trái phiếu trong bao lâu (chẳng hạn khi doanh nghiệp vay ngân hàng thì nợ quá hạn trên 90 ngày mới bị coi là nợ xấu)? Quy định về các thứ tự ưu tiên thanh toán cho các trái chủ khi doanh nghiệp phá sản?...Cùng với đó là các tiêu chí phân hạng chất lượng tín dụng của trái phiếu, tương tự như hệ thống ngân hàng phân loại nợ xấu thành 5 nhóm.

“Những quy định này không chỉ bảo vệ nhà đầu tư mà cũng đảm bảo cho doanh nghiệp hoạt động ổn định. Trong nhiều tình huống, doanh nghiệp họ cũng chỉ mất thanh khoản tạm thời thôi, không trả được lãi vài ngày thôi mà đã lên báo chí rồi cả thị trường rút tiền thì họ chết luôn. Chúng ta cần công bằng”, ông Nguyễn Quang Thuân nhận định.

PHẢI CHẤP NHẬN TỶ LỆ NỢ XẤU NHẤT ĐỊNH

Theo ông Nguyễn Quang Thuân, đến cuối tháng 9/2022, áp lực đáo hạn trái phiếu riêng lẻ đã giảm 50%. Lý do là trước khi Nghị định 65 được ban hành, nhiều định chế tài chính đã đứng ra hỗ trợ doanh nghiệp dàn xếp tuỳ tình huống, từ đó giãn nợ, tái cấu trúc… Điều này được thể hiện qua việc nhiều doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn trong thời gian qua.

Tổng giám đốc Fiin Ratings Nguyễn Quang Thuân/Ảnh: Chu Xuân Khoa.
Tổng giám đốc Fiin Ratings Nguyễn Quang Thuân/Ảnh: Chu Xuân Khoa.

Để có cái nhìn khách quan về tình trạng vỡ nợ, nợ xấu trên thị trường trái phiếu, các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư nhìn sang các thị trường trong khu vực.

Chẳng hạn Trung quốc, quy mô thị trường trái phiếu của họ là 8000 tỷ USD và nợ xấu khoảng 1,35%.

Tuy nhiên muốn phát triển thị trường thì cũng phải chấp nhận một tỷ lệ nhất định như thế.

Theo dữ liệu của Fiin Group, tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp được xếp hạng thấp năm 2021 ở Trung Quốc là rất cao, khoảng 26,8%. Xấp xỉ 30% số trái phiếu kém chất lượng đó ở Trung Quốc đã gặp vấn đề về trả lãi và gốc. Năm 2022, Goldman Sachs dự báo con số này tăng lên khoảng 32%. Lưu ý đây chỉ là trái phiếu có chất lượng kém.

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho rằng trên thị trường tài chính, nhà đầu tư cần nằm lòng nguyên tắc lợi nhuận cao thì rủi ro lớn (high risk, high return). Do vậy, những trái phiếu có lãi suất càng cao thì xác suất vỡ nợ càng lớn. Các nhà đầu tư nên xác định trước tâm lý này và quyết định dựa trên mức độ chấp nhận rủi ro của mình.

Đối với thị trường trái phiếu nói chung, giới phân tích cho rằng muốn thị trường phát triển thì phải chấp nhận có một tỷ lệ nợ xấu nhất định.

Để thị trường phát triển ổn định, cần đang dạng hoá cơ sở nhà đầu tư, nhất là các quỹ đầu tư chuyên nghiệp và hạn chế sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ trên thị trường.

Bởi lẽ, chỉ những quỹ đầu tư chuyên nghiệp mới có khả năng phân bổ đa dạng hoá tài sản đầu tư.

Nếu nhà đầu tư cá nhân bỏ vài tỷ vào thì một trái phiếu thì khi doanh nghiệp phá sản là mất hết cả gia đình, tán gia bại sản. Nhưng quỹ đầu tư thường mua vài chục mã trái phiếu, có thể 5-7 mã vỡ nợ thì họ vẫn có lãi tốt. Rủi ro cho khách hàng mua chứng chỉ quỹ trái phiếu rất thấp.

Còn nếu nhà đầ tư cá nhân tự mua… thì chỉ chục người bị chậm trả gốc/lãi sẽ gây hoang mang trên thị trường và tác động rất lớn.