17:02 27/11/2023

“Thịt chay” chưa thể giành ngay thị phần

Băng Hảo

Sản xuất chăn nuôi để lại ảnh hưởng tới môi trường lớn hơn so với tất cả các loại cây trồng thực phẩm cộng lại, bởi nó sử dụng nhiều tài nguyên đất, nước, động vật và kháng sinh hơn. Vì thế, “ thịt chay” được kỳ vọng là giải pháp thay thế...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo số liệu của Hiệp hội Thực phẩm thuần chay (PBFA), tính tới cuối năm 2019, ngành công nghiệp thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật có giá trị khoảng 5 tỷ USD. Xu hướng sử dụng sản phẩm có nguồn gốc thực vật sau đại dịch Covid-19 ngày càng phổ biến, khiến ngành công nghiệp thực phẩm có nguồn gốc thực vật có thể đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm lên tới 11,9% trong giai đoạn 2020 - 2027, nâng giá trị của toàn ngành lên 74,2 tỷ USD vào năm 2027. Đó là đánh giá của Meticulous Market Research.

KHÓ KHĂN HẬU ĐẠU DỊCH

Nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của ngành chăn nuôi động vật đến môi trường và sức khỏe con người, từ lâu nhiều nhà đầu tư cũng như các start-up đã dành sự quan tâm đến việc sản xuất “thịt chay”. Năm 2011, start-up Impossible Foods đã sử dụng công nghệ để sản xuất thịt từ thực vật, và huy động thành công số vốn khổng lồ lên tới 1,5 tỷ USD. Trong đó có nhiều nhà đầu tư nổi tiếng như Jay-Z, Trevor Noah, Katy Perry hoặc tỷ phú Bill Gates. Thời điểm đó, nhiều người nghĩ rằng đây là sự khởi đầu của quá trình chuyển đổi sang sử dụng nguồn đạm thay thế có thể đảo lộn ngành công nghiệp thịt động vật trị giá 897 tỷ USD trên toàn cầu.

Đối thủ trong lĩnh vực này của Impossible Foods là Beyond Meat, một start-up khác cũng được đầu tư bởi Bill Gates và nam diễn viên Leonardo DiCaprio. Nhu cầu về các sản phẩm thay thế thịt động vật đã đạt đỉnh điểm với đợt IPO của Beyond Meat trong năm 2019, trở thành start-up IPO thành công nhất kể từ cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008. Cổ phiếu của công ty đã tăng giá trị gần gấp 10 lần chỉ trong 2 tháng, vốn hóa thị trường đạt mức cao nhất khoảng 14 tỷ USD. Vào thời hoàng kim đó, cổ phiếu của Beyond Meat được giao dịch với mức định giá gấp 122 lần doanh thu của công ty.

Tuy nhiên, hàng loạt đối thủ cạnh tranh cũng nhảy vào thị trường mới phát triển này, rồi tiếp đó là đại dịch Covid-19 xảy ra, hậu quả là ngành “thịt chay” tụt dốc không phanh. Cổ phiếu của Beyond Meat đã giảm mạnh tới 94% kể từ năm 2019. Gần đây, công ty cũng công bố khoản lỗ khoảng 59 triệu USD trong quý 1/2023, trong khi doanh thu giảm 16% xuống còn 92 triệu USD. Đối thủ của Beyond Meat, Impossible Foods, được cho là cũng đang lên kế hoạch cắt giảm việc làm, mặc dù đạt doanh thu kỷ lục vào năm 2022.

Xu hướng sử dụng sản phẩm có nguồn gốc thực vật sau đại dịch Covid-19 ngày càng phổ biến.
Xu hướng sử dụng sản phẩm có nguồn gốc thực vật sau đại dịch Covid-19 ngày càng phổ biến.

Ở Mỹ và châu Âu, theo Hiệp hội Thực phẩm từ Thực vật, tổng doanh thu được tạo ra từ việc bán “thịt chay” hầu như không biến động trong hai năm qua. Tuy nhiên, doanh số bán hàng đã giảm 8% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy thịt có nguồn gốc thực vật đang đối mặt với một số thách thức trong việc thuyết phục người tiêu dùng chấp nhận nó như một sản phẩm chính trong chế độ ăn uống của họ. Thịt thực vật đắt hơn thịt thật, do đó kém hấp dẫn hơn đối với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, ngay cả những người ăn chay cũng đang lựa chọn các loại protein có nguồn gốc thực vật đơn giản hơn như đậu phụ hoặc hạt diêm mạch vì chúng rẻ hơn so với thịt chay.

Ông Catherine Tubb, Giám đốc nghiên cứu của Công ty công nghệ thực phẩm Synt Capital (Vương quốc Anh), cho rằng nhiều sản phẩm đạm thay thế có nguồn gốc thực vật trên thị trường không tạo sự khác biệt khi thị trường ngày càng cạnh tranh. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi một số thương hiệu bị suy yếu. Ngoài ra, hầu hết các sản phẩm hiện nay vẫn chưa hấp dẫn người ăn mặn.

Mới đây, chính phủ Pháp và Italia đều thông qua lệnh cấm các nhà sản xuất dùng từ ngữ liên quan thịt và cá để mô tả sản phẩm không có nguồn gốc động vật. Một số quốc gia khác như Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có hạn chế về ngôn ngữ tương tự trong khi hơn 50% số bang ở Mỹ siết chặt các tiêu chuẩn ghi nhãn sản phẩm có nguồn gốc thực vật...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 48-2023 phát hành ngày 27-11-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

“Thịt chay” chưa thể giành ngay thị phần - Ảnh 1