Ngành F&B nhiều nơi “mắc kẹt” vì hải sản Nhật Bản
Sau hơn 10 năm khử phóng xạ, từ tháng 8/2023, Nhật Bản đã bắt đầu kế hoạch xả nước thải đã qua xử lý từ khu vực nhiễm xạ ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra Thái Bình Dương. Nhật Bản khẳng định vụ xả thải này đủ an toàn, tác động tới con người và môi trường là "không đáng kể"…
Trung Quốc lên án gay gắt động thái trên và ngay lập tức cấm nhập khẩu hải sản đánh bắt từ vùng biển Nhật Bản. Sau Trung Quốc, gần đây Nga cũng đã áp đặt biện pháp hạn chế đối với sản phẩm hải sản nhập khẩu từ Nhật Bản. Cơ quan Giám sát Nông nghiệp Nga (Rosselkhoznadzor) cho biết, những hạn chế được áp đặt như “biện pháp phòng ngừa” và sẽ được duy trì cho đến khi có thông tin toàn diện, cho thấy hải sản nhập khẩu từ Nhật Bản an toàn, theo Kyodo News.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Teikoku Databank có trụ sở tại Tokyo, 727 công ty Nhật Bản xuất khẩu thực phẩm sang Trung Quốc, chiếm khoảng 8% tổng số công ty Nhật Bản vận chuyển hàng hóa sang Trung Quốc, sẽ bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm này. Theo thống kê của Cơ quan Thủy sản Nhật Bản, tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm hải sản của nước này đạt khoảng 387 tỷ Yên (2,6 tỷ USD) năm 2022. Xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 22,5% tổng kim ngạch của Nhật Bản, trong đó sò điệp, cá ngừ và cá ngừ là các mặt hàng xuất khẩu chính của nước này sang Trung Quốc.
Ông Takayuki Homma, chuyên gia kinh tế trưởng tại Sumitomo Corporation Global Research cho biết, một số nhà khai thác Nhật Bản có thể mất thị trường do dư cung cá sau tuyên bố của Bắc Kinh. Nếu các biện pháp nghiêm ngặt đối với hải sản Nhật Bản tiếp tục được áp dụng, khách du lịch Trung Quốc có thể tránh đến Nhật Bản hoặc ăn hải sản trong thời gian lưu trú. “Sự chậm lại trong hoạt động kinh doanh du lịch trong nước cũng sẽ là một mối lo ngại”, ông Homma chia sẻ.
Sò điệp khổng lồ từ thị trấn đánh cá Betsukai phía bắc Nhật Bản, trên đảo Hokkaido, vốn nổi tiếng là một trong những thực phẩm ngon nhất hành tinh và cũng là nguyên liệu mang tính thương hiệu trên những đĩa sushi cao cấp. Trong tháng qua, chính phủ Nhật Bản đã khuyến khích người dân tiêu thụ ít nhất 5 con sò điệp mỗi ngày để giúp giảm bớt lượng hàng tồn kho tích trữ sau khi Trung Quốc ban hành lệnh cấm nhập khẩu các loại hải sản hai mảnh vỏ của Nhật.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp Nhật đang tìm cách kích cầu tiêu thụ hải sản tại các quốc gia khác. Công ty đứng sau chuỗi cửa hàng giảm giá Don Quijote nổi tiếng tại Nhật sẽ cung cấp sò điệp từ quốc gia này đến 38 cửa hàng ở châu Á bắt đầu từ tháng 11. Pan Pacific International Holdings (PPIH) đang vận hành các cửa hàng Don Don Donki tại 6 thị trường châu Á ở nước ngoài, bao gồm Thái Lan và Malaysia. 38 cửa hàng tại khu vực này sẽ bán sashimi làm từ sò điệp Hokkaido và các mặt hàng khác. Các nhà hàng Sen Sen Sushi hoạt động bên trong cửa hàng cũng sẽ phục vụ sushi sò điệp.
PPIH gần đây cũng đã tổ chức một "hội chợ" sò điệp kéo dài 3 ngày tại một chuỗi cửa hàng ở Malaysia, giới thiệu sò điệp được đánh bắt ngoài khơi bờ biển tỉnh Miyagi của Nhật. Ông Ichiro Miyashita, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản Nhật, đã tham dự lễ khai mạc. Ông Miyashita cho biết: “Chúng tôi tìm cách mở rộng xuất khẩu thủy sản bằng cách tổ chức hội chợ ở khắp mọi nơi và nâng cao nhận thức về sản phẩm của mình”.
Trong khi đó, các nhà bán lẻ và nhà hàng ở Nhật tích cực quảng bá hải sản trong nước để đáp lại lệnh cấm của Trung Quốc. Nhà điều hành siêu thị Aeon và chuỗi cửa hàng tiện lợi Seven-Eleven Nhật đang tăng cường thu mua sò điệp Hokkaido để quảng bá tại các cửa hàng trong nước của họ. Nhà điều hành nhà hàng Watami đã phát động chiến dịch bán hàng hải sản Nhật tại các quán rượu izakaya. Trong khi chuỗi sushi băng chuyền Kura Sushi cũng đã bắt đầu chạy bán nigiri sò điệp Hokkaido với số lượng hạn chế. Còn nhà bán lẻ Seiyu đang tích trữ hải sản cho sự kiện giảm giá kéo dài 2 tuần trong tháng 11 này.
Ở chiều ngược lại, các công ty nhập khẩu Trung Quốc cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi các biện pháp hạn chế. “Chúng tôi bị ảnh hưởng khá nặng nề”, chủ một công ty nhập khẩu Trung Quốc cho biết tại hội chợ hải sản quốc tế ở Thượng Hải. Người này nói thêm rằng khách hàng của họ ưa chuộng cá ngừ sống Nhật Bản do sản phẩm này có chất lượng cao. Bà cho biết, công ty của bà hiện đang hướng sang Australia, New Zealand và Tây Ban Nha để lấp đầy khoảng trống.
Các nhà hàng cũng vì thế mà “lao đao”. Tại Hồng Kông, hơn 2.000 nhà hàng Nhật Bản đứng trước nguy cơ đóng cửa khi không tìm được nguồn cung phù hợp. Theo chính phủ Nhật Bản, Hồng Kông đã mua thủy sản trị giá 75,5 tỷ yên (536 triệu USD) từ Nhật Bản vào năm 2022, trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ hai của Nhật Bản sau Trung Quốc đại lục.
Còn tại Thượng Hải, nơi tờ China Daily ước tính có khoảng 1.500 nhà hàng phục vụ ẩm thực Nhật, các chủ kinh doanh đã vội vàng xóa một số từ nhất định khỏi các ấn phẩm quảng cáo của họ để tránh rủi ro. Hiện nay hầu hết đều nói rằng họ nhập nguyên liệu từ những nơi khác thay vì Nhật Bản. “Hai từ 'Nhật Bản' có thể sẽ gây ảnh hưởng. Mặc dù tác động đến hoạt động kinh doanh của chúng tôi hiện tại không đáng kể nhưng dự kiến nó sẽ tồi tệ hơn trong tương lai. Dần dần, khách hàng sẽ tránh xa ẩm thực và hải sản Nhật Bản”, Shen Zhansheng, người điều hành một nhà hàng Nhật Bản ở Thượng Hải, cho hay.
Wang Shenshen, một hướng dẫn viên du lịch ở Thượng Hải yêu thích ẩm thực Nhật Bản, cho biết cô sẽ cố gắng tránh ăn đồ ăn Nhật trong tương lai. Trong khi đó, Qi Qi, một giám đốc tài chính ở độ tuổi 30 cũng đến từ Thượng Hải, nói rằng cô sẽ tiếp tục ăn đồ ăn Nhật miễn là hải sản được đảm bảo an toàn. Những người trong cuộc cho biết, mặc dù doanh số bán hải sản đến nay không bị ảnh hưởng đáng kể nhưng với sự lây lan của nước bị ô nhiễm, dự kiến người tiêu dùng sẽ có yêu cầu cao hơn về an toàn hải sản trong tương lai.
Cuồi tháng 10, Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Rahm Emanuel cho biết Mỹ lần đầu mua hải sản của Nhật Bản để cung cấp cho các binh sĩ đồn trú của mình. Trả lời phỏng vấn Reuters, ông Emanuel nói rằng Washington cũng nên tìm thêm cách giúp Tokyo tiêu thụ hải sản, nhằm bù vào phần bị Bắc Kinh bỏ qua. Hiện Mỹ đang trao đổi với giới chức Nhật về việc đưa sò điệp được đánh bắt tại địa phương trực tiếp đến các nhà chế biến Mỹ.