Thổ Tang, chợ nông sản số 1 đất Bắc
Trên đoạn đường từ quốc lộ 2 rẽ vào Thổ Tang chừng non cây số, từng đoàn xe tải cỡ lớn chen chúc lách vào thị trấn
“Thổ Tang hầu như không sản xuất, trồng trọt thứ gì nhưng bất cứ mặt hàng nông thổ sản nào của Việt Nam cũng có ở đây. Và từ đây, hàng hoá nông thổ sản chỉ “dừng chân” và “tráng men” của Thổ Tang một vài ngày rồi đi khắp bốn phương!”, Phó chủ tịch UBND thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) tự hào nói về địa phương mình, vốn là nơi trung chuyển hàng hoá nông thổ sản lớn nhất miền Bắc.
Khách phương xa nếu đến Thổ Tang lần đầu tiên ắt sẽ phải càu nhàu vì chuyện tắc đường, kẹt xe. Trên đoạn đường từ quốc lộ 2 rẽ vào Thổ Tang chừng non cây số, từng đoàn xe tải cỡ lớn chen chúc lách vào thị trấn. Liếc qua các biển số xe, khách càng ngỡ ngàng hơn nữa vì hầu như có đủ mặt các biển số tỉnh thành trong cả nước.
Dừng chân trước một cửa hàng kinh doanh dưa hấu bên cạnh cổng chợ Giang, chúng tôi định hỏi mua một quả dưa hấu ăn cho mát ruột, bà chủ đang mải miết đếm tiền trả cho tài xế vận chuyển hàng từ miền Nam ra, cười xoà: “Mua một quả thì không bán đâu, đây là hàng bán buôn chuẩn bị đưa đi Sơn La đấy!”
Thị trấn tiểu thương
Khó có thể tính được lượng hàng hoá nông thổ sản mỗi ngày đổ về Thổ Tang và từ Thổ Tang ra đi. Chỉ đếm lượng xe chở hàng về Thổ Tang một ngày đã thấy bất ngờ với thị trấn tiểu thương năng động này.
Theo Phó chủ tịch thị trấn Lê Văn Long “mỗi ngày sơ sơ từ ba đến năm trăm chiếc xe vận tải chở hàng đi, về”. Hệ thống kho bãi thì chằng chịt và kho nào cũng thường xuyên trong tình trạng chật ứ. Cách đây ba năm, tỉnh Vĩnh Phúc phải phê duyệt sớm quy hoạch cụm kinh tế - xã hội Thổ Tang để địa phương tổ chức giãn dân xây cửa hàng và hệ thống kho hàng.
Ở Thổ Tang, nếu lấy chợ Giang là trung tâm thương mại chính của thị trấn thì chợ này chỉ mở cửa từ sáng đến tối theo lối mở chợ thông thường. Nhưng chợ này chỉ cung cấp những nhu yếu phẩm hàng ngày cho hơn 3.500 hộ dân thị trấn và một số xã lân cận. Còn sáu cái chợ lưu động hoạt động suốt ngày đêm mới thực sự làm nên một Thổ Tang năng động và ấn tượng hơn các miền quê khác.
Từ một giờ đến ba giờ sáng là phiên trao đổi của chợ hoa quả từ trong miền Nam ra. Cũng trong thời gian này, chợ thịt trâu bò từ các lò mổ bắt đầu xuất hàng cho các lái thịt chở đi cung cấp cho thị trường Hà Nội. Tiếp đến là chợ tro, trấu, mạ non hoặc cây con giống từ các địa phương lân cận đổ vào Thổ Tang từ các ngả đường dẫn vào thị trấn. Chợ này chỉ họp chừng hơn một giờ đồng hồ thì tan.
Sôi động nhất của chợ đêm Thổ Tang là... chợ người. Chợ họp ngay bên cạnh đình Thổ Tang cổ kính vào lúc 4 giờ 30 phút sáng. Qua ánh đèn pin loang loáng, người chủ thuê sức lao động bấm quét qua một nhóm người lố nhố. “Gặt, chở lúa về nhà, tuốt xong xuôi. Cơm nuôi bữa trưa, một trăm hai muơi nghìn (120.000 đồng)/một người!” - bên thuê phát giá. Bên bán sức lao động: “Cô ơi, cô cho trăm ba (130.000 đồng) đi, ngày mùa màng thế này”. “Không nói nhiều, một trăm hai lăm nghìn (125.000 đồng) ngày công. Đi nào?” Thế rồi cả chủ lẫn thợ dẫn nhau vào ngõ sâu hun hút. Đã từ lâu, người Thổ Tang không làm ruộng và họ chỉ thuê nông dân nơi khác làm ruộng thay mình.
“Chợ búa họp liên miên như thế, người Thổ Tang ngủ vào lúc nào?” - khi chúng tôi hỏi, một người dân Thổ Tang bật cười mà rằng: “Thích ngủ lúc nào cũng được”. Và người dân ở đây cũng có câu ca ngợi những bà, những chị tần tảo làm ăn ở Thổ Tang là “ăn với chồng nửa bữa, ngủ với chồng nửa đêm”.
Giao thương với Tây với Tàu
Chị Nguyễn Thị Hà, một thương nhân buôn hàng nông sản tại Thổ Tang cho hay đã từ lâu người Thổ Tang chẳng những trung chuyển hàng nông thổ sản cho các vùng miền trong cả nước mà vươn xa đến tận các châu lục trên thế giới.
Sợ tôi không tin, chị Hà mở máy tính cho tôi hay chị vừa nhập hơn hai trăm tấn đậu tương từ…Mỹ về hôm qua. Và trong buổi chiều hôm nay chị xuất hơn một trăm tấn chè khô đi Iraq. Hỏi chị đã đi Mỹ hay Iraq lần nào chưa thì chị cho hay: “Tôi chưa đi lần nào”.
Là nơi trung chuyển hàng hoá vào loại bậc nhất miền Bắc, Thổ Tang có một hệ thống chằng chịt từ khâu thu mua đến sơ chế hàng hoá và xuất khẩu. Thông tin kinh tế giá hàng nông thổ sản trên thế giới và trong nước được các bà, các chị ở Thổ Tang nắm chắc đến… từng giờ. Mạng lưới đại lý thu gom được cài cắm khắp các vùng miền trên cả nước.
Chị Hà cho hay nếu giá chè (trà) tại Đài Loan tăng từ chín giờ sáng hôm nay thì Thổ Tang đã truyền đi các “mệnh lệnh” để các đại lý thu gom chè tại Hà Giang, Thái Nguyên bốc xếp lên xe vận tải và chuyển về Thổ Tang. Tại đây, qua khâu sàng lọc, sơ chế nhanh, hàng hoá lại được chuyển nhanh xuống cảng Hải Phòng để lên tàu biển. Mọi giao dịch đã được hai bên Thổ Tang và đại lý bên Đài Loan được xác lập qua điện thoại và email, các khoản thanh toán được nhanh chóng hoàn tất thông qua chi nhánh ngân hàng đóng tại Thổ Tang.
Thương nhân Lê Văn Kiên, cho hay, hàng nông sản qua trung chuyển ở Thổ Tang hầu như chả bỏ đi thứ gì. Các sản phẩm đều có cấp hạng của nó và đều bán được hết. Ví dụ như chè, gạo, lạc, đỗ… được người Thổ Tang mua với giá đổ đồng, bình quân. Nhưng qua sàng lọc, sơ chế thì loại nào ra loại ấy và tiền nào, của ấy.
Anh Kiên bật mí thêm, tiếng là buôn lớn, và buôn bán mạng lưới khắp châu lục từ Tây sang Tàu như thế nhưng người dân Thổ Tang ăn lãi rất ít, buôn bán một tấn gạo qua tay người Thổ Tang cũng chỉ có lãi chừng 80.000 – 100.000 đồng/tấn. Nhưng “lãi ít, buôn nhiều” đó là điều mà những vùng nông sản khác có hàng hoá đều phải nhớ đến Thổ Tang. Điều đó lý giải vì sao Thổ Tang hôm nay giàu có sung túc từ xuất phát điểm chỉ có 324ha đất canh tác với hơn 15.000 nhân khẩu.
Săn thông tin kinh tế nhanh như chớp
Phó chủ tịch UBND thị trấn Thổ Tang Lê Văn Long cho hay hiện có tới 500 hộ làm nghề kinh doanh và vận chuyển hàng nông sản với số lượng lớn. Phần lớn các hộ đều thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên mỗi năm.
Nói về sự nhạy bén với thương trường của người Thổ Tang, ông Long cho biết, người Thổ Tang săn thông tin kinh tế nhanh như chớp! Kỳ họp Quốc hội khóa trước, trước khi cho ý kiến xây dựng thuỷ điện Lai Châu, Thổ Tang đã “xuất quân” hơn 200 người lên “ hạ trại” tại Mường Tè lập căn cứ cung cấp nhu yếu phẩm cho lực lượng thi công công trình.
Năm 2009, nghe tin đoàn xe chở trâu bò từ Lào về bị ách tắc lũ lụt ở miền Trung, sáng hôm sau dân Thổ Tang đã thuê xe ca chở những lao động được tuyển từ “chợ người” vào miền Trung… cắt cỏ nuôi trâu bò.
Đỗ Hữu Lục (SGTT)
Khách phương xa nếu đến Thổ Tang lần đầu tiên ắt sẽ phải càu nhàu vì chuyện tắc đường, kẹt xe. Trên đoạn đường từ quốc lộ 2 rẽ vào Thổ Tang chừng non cây số, từng đoàn xe tải cỡ lớn chen chúc lách vào thị trấn. Liếc qua các biển số xe, khách càng ngỡ ngàng hơn nữa vì hầu như có đủ mặt các biển số tỉnh thành trong cả nước.
Dừng chân trước một cửa hàng kinh doanh dưa hấu bên cạnh cổng chợ Giang, chúng tôi định hỏi mua một quả dưa hấu ăn cho mát ruột, bà chủ đang mải miết đếm tiền trả cho tài xế vận chuyển hàng từ miền Nam ra, cười xoà: “Mua một quả thì không bán đâu, đây là hàng bán buôn chuẩn bị đưa đi Sơn La đấy!”
Thị trấn tiểu thương
Khó có thể tính được lượng hàng hoá nông thổ sản mỗi ngày đổ về Thổ Tang và từ Thổ Tang ra đi. Chỉ đếm lượng xe chở hàng về Thổ Tang một ngày đã thấy bất ngờ với thị trấn tiểu thương năng động này.
Theo Phó chủ tịch thị trấn Lê Văn Long “mỗi ngày sơ sơ từ ba đến năm trăm chiếc xe vận tải chở hàng đi, về”. Hệ thống kho bãi thì chằng chịt và kho nào cũng thường xuyên trong tình trạng chật ứ. Cách đây ba năm, tỉnh Vĩnh Phúc phải phê duyệt sớm quy hoạch cụm kinh tế - xã hội Thổ Tang để địa phương tổ chức giãn dân xây cửa hàng và hệ thống kho hàng.
Ở Thổ Tang, nếu lấy chợ Giang là trung tâm thương mại chính của thị trấn thì chợ này chỉ mở cửa từ sáng đến tối theo lối mở chợ thông thường. Nhưng chợ này chỉ cung cấp những nhu yếu phẩm hàng ngày cho hơn 3.500 hộ dân thị trấn và một số xã lân cận. Còn sáu cái chợ lưu động hoạt động suốt ngày đêm mới thực sự làm nên một Thổ Tang năng động và ấn tượng hơn các miền quê khác.
Từ một giờ đến ba giờ sáng là phiên trao đổi của chợ hoa quả từ trong miền Nam ra. Cũng trong thời gian này, chợ thịt trâu bò từ các lò mổ bắt đầu xuất hàng cho các lái thịt chở đi cung cấp cho thị trường Hà Nội. Tiếp đến là chợ tro, trấu, mạ non hoặc cây con giống từ các địa phương lân cận đổ vào Thổ Tang từ các ngả đường dẫn vào thị trấn. Chợ này chỉ họp chừng hơn một giờ đồng hồ thì tan.
Sôi động nhất của chợ đêm Thổ Tang là... chợ người. Chợ họp ngay bên cạnh đình Thổ Tang cổ kính vào lúc 4 giờ 30 phút sáng. Qua ánh đèn pin loang loáng, người chủ thuê sức lao động bấm quét qua một nhóm người lố nhố. “Gặt, chở lúa về nhà, tuốt xong xuôi. Cơm nuôi bữa trưa, một trăm hai muơi nghìn (120.000 đồng)/một người!” - bên thuê phát giá. Bên bán sức lao động: “Cô ơi, cô cho trăm ba (130.000 đồng) đi, ngày mùa màng thế này”. “Không nói nhiều, một trăm hai lăm nghìn (125.000 đồng) ngày công. Đi nào?” Thế rồi cả chủ lẫn thợ dẫn nhau vào ngõ sâu hun hút. Đã từ lâu, người Thổ Tang không làm ruộng và họ chỉ thuê nông dân nơi khác làm ruộng thay mình.
“Chợ búa họp liên miên như thế, người Thổ Tang ngủ vào lúc nào?” - khi chúng tôi hỏi, một người dân Thổ Tang bật cười mà rằng: “Thích ngủ lúc nào cũng được”. Và người dân ở đây cũng có câu ca ngợi những bà, những chị tần tảo làm ăn ở Thổ Tang là “ăn với chồng nửa bữa, ngủ với chồng nửa đêm”.
Giao thương với Tây với Tàu
Chị Nguyễn Thị Hà, một thương nhân buôn hàng nông sản tại Thổ Tang cho hay đã từ lâu người Thổ Tang chẳng những trung chuyển hàng nông thổ sản cho các vùng miền trong cả nước mà vươn xa đến tận các châu lục trên thế giới.
Sợ tôi không tin, chị Hà mở máy tính cho tôi hay chị vừa nhập hơn hai trăm tấn đậu tương từ…Mỹ về hôm qua. Và trong buổi chiều hôm nay chị xuất hơn một trăm tấn chè khô đi Iraq. Hỏi chị đã đi Mỹ hay Iraq lần nào chưa thì chị cho hay: “Tôi chưa đi lần nào”.
Là nơi trung chuyển hàng hoá vào loại bậc nhất miền Bắc, Thổ Tang có một hệ thống chằng chịt từ khâu thu mua đến sơ chế hàng hoá và xuất khẩu. Thông tin kinh tế giá hàng nông thổ sản trên thế giới và trong nước được các bà, các chị ở Thổ Tang nắm chắc đến… từng giờ. Mạng lưới đại lý thu gom được cài cắm khắp các vùng miền trên cả nước.
Chị Hà cho hay nếu giá chè (trà) tại Đài Loan tăng từ chín giờ sáng hôm nay thì Thổ Tang đã truyền đi các “mệnh lệnh” để các đại lý thu gom chè tại Hà Giang, Thái Nguyên bốc xếp lên xe vận tải và chuyển về Thổ Tang. Tại đây, qua khâu sàng lọc, sơ chế nhanh, hàng hoá lại được chuyển nhanh xuống cảng Hải Phòng để lên tàu biển. Mọi giao dịch đã được hai bên Thổ Tang và đại lý bên Đài Loan được xác lập qua điện thoại và email, các khoản thanh toán được nhanh chóng hoàn tất thông qua chi nhánh ngân hàng đóng tại Thổ Tang.
Thương nhân Lê Văn Kiên, cho hay, hàng nông sản qua trung chuyển ở Thổ Tang hầu như chả bỏ đi thứ gì. Các sản phẩm đều có cấp hạng của nó và đều bán được hết. Ví dụ như chè, gạo, lạc, đỗ… được người Thổ Tang mua với giá đổ đồng, bình quân. Nhưng qua sàng lọc, sơ chế thì loại nào ra loại ấy và tiền nào, của ấy.
Anh Kiên bật mí thêm, tiếng là buôn lớn, và buôn bán mạng lưới khắp châu lục từ Tây sang Tàu như thế nhưng người dân Thổ Tang ăn lãi rất ít, buôn bán một tấn gạo qua tay người Thổ Tang cũng chỉ có lãi chừng 80.000 – 100.000 đồng/tấn. Nhưng “lãi ít, buôn nhiều” đó là điều mà những vùng nông sản khác có hàng hoá đều phải nhớ đến Thổ Tang. Điều đó lý giải vì sao Thổ Tang hôm nay giàu có sung túc từ xuất phát điểm chỉ có 324ha đất canh tác với hơn 15.000 nhân khẩu.
Săn thông tin kinh tế nhanh như chớp
Phó chủ tịch UBND thị trấn Thổ Tang Lê Văn Long cho hay hiện có tới 500 hộ làm nghề kinh doanh và vận chuyển hàng nông sản với số lượng lớn. Phần lớn các hộ đều thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên mỗi năm.
Nói về sự nhạy bén với thương trường của người Thổ Tang, ông Long cho biết, người Thổ Tang săn thông tin kinh tế nhanh như chớp! Kỳ họp Quốc hội khóa trước, trước khi cho ý kiến xây dựng thuỷ điện Lai Châu, Thổ Tang đã “xuất quân” hơn 200 người lên “ hạ trại” tại Mường Tè lập căn cứ cung cấp nhu yếu phẩm cho lực lượng thi công công trình.
Năm 2009, nghe tin đoàn xe chở trâu bò từ Lào về bị ách tắc lũ lụt ở miền Trung, sáng hôm sau dân Thổ Tang đã thuê xe ca chở những lao động được tuyển từ “chợ người” vào miền Trung… cắt cỏ nuôi trâu bò.
Đỗ Hữu Lục (SGTT)