13:14 20/09/2022

Thời của du lịch MICE

Tường Bách

Tại lễ trao giải World Travel Awards 2022 khu vực châu Á - châu Đại Dương diễn ra ngày 7/9/2022, Hà Nội và TP.HCM được vinh danh là điểm đến du lịch công vụ hàng đầu châu Á. Giải thưởng này rất có ý nghĩa, khi MICE cũng đang được xem là hướng mở cho ngành du lịch Việt Nam...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Du lịch MICE (Meeting Incentive Conference Event), loại hình du lịch kết hợp sự kiện, hội nghị, hội thảo, khen thưởng, có thể mang lại nguồn doanh thu lớn, thuận lợi để tạo sức lan tỏa về điểm đến. Song, đây cũng là loại hình du lịch đòi hỏi mức độ cao về sự chuyên nghiệp, tính kết nối, chọn lọc các điểm đến cũng như sản phẩm trải nghiệm.

TĂNG TRƯỞNG “NÓNG” HẬU ĐẠI DỊCH

Với hàng chục, thậm chí hàng trăm người tham dự mỗi đoàn, MICE hiện là loại hình du lịch mang lại nguồn thu lớn cho ngành du lịch ở các nước. Theo một nghiên cứu từ Viện nghiên cứu Phát triển Du lịch, MICE có thể mang lại nguồn thu lợi nhuận gấp 4 - 6 lần so với những loại hình du lịch khác. Còn theo dự báo của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), đến năm 2025, doanh thu từ du lịch MICE có thể đạt trên 1.400 tỷ USD, trong đó hai khu vực góp phần lớn nhất là châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương.

Bên cạnh đó, sau thời gian dài các hoạt động hội nghị, triển lãm bị gián đoạn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều tổ chức, doanh nghiệp sẽ nối lại những sự kiện quan trọng đã bị trì hoãn trước đó. Các chuyến đi đào tạo kỹ năng, nâng cao năng lực, kỹ năng làm việc cho nhân viên hoặc những kỳ nghỉ khen thưởng cũng được xúc tiến, mở ra thời kỳ bùng nổ của du lịch MICE hậu đại dịch.

Ông John Gregory Conceicao, Giám đốc Điều hành khu vực Đông Nam Á, Tổng cục Du lịch Singapore, cho biết trước Covid-19, MICE tạo ra hơn 34.000 việc làm và đóng góp đến 3,8 tỷ SGD, chiếm 0,8% GDP quốc gia, đồng thời mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho các ngành liên quan tại Singapore. Gần đây nhất, quốc đảo này là nơi diễn ra Hội nghị công nghệ Asia Tech x Singapore 2022, quy tụ hơn 10.000 khách mời tinh hoa toàn thế giới trong lĩnh vực công nghệ.

Sắp tới, Singapore sẽ đón dòng khách quốc tế đến tham dự Hội nghị thượng đỉnh các thành phố thế giới 2022, Hội thảo An ninh y tế toàn cầu, Hội thảo toàn cầu về năng lượng Gastech 2023,... Những sự kiện này đều là cơ hội để Singapore quảng bá thế mạnh, đón đầu làn sóng MICE.

MICE hiện là loại hình du lịch mang lại nguồn thu lớn cho ngành du lịch các nước.
MICE hiện là loại hình du lịch mang lại nguồn thu lớn cho ngành du lịch các nước.

So với các hình thức du lịch khác, du lịch MICE hướng đến phục vụ nhóm khách số lượng lớn, lưu trú dài ngày, sử dụng nhiều dịch vụ, tiện ích cao cấp và không chịu tác động của yếu tố thời điểm - tức là có thể diễn ra sôi động ở mọi thời điểm trong năm.

Tại Thái Lan, MICE Industry là tên gọi do giới chức nước này đặt ra trong quá trình phát triển dịch vụ du lịch này suốt những năm qua. Họ đặt như vậy để phân biệt với các ngành có những điểm tương đồng như Event Industry (công nghiệp sự kiện) của Mỹ hay Meeting Industry (công nghiệp hội họp) của châu Âu.

Với phương châm tạo thuận lợi tối đa cho du khách từ lúc đặt chân tới đến lúc rời khỏi Thái Lan, “hệ sinh thái MICE” quần tụ quanh các trung tâm tổ chức sự kiện lớn, các khách sạn, resort 5 sao tại Bangkok, Pattaya và những vùng ngoại vi cách thủ đô trong bán kính 2 - 3 giờ di chuyển xe hơi.

Tham gia MICE còn có các hãng bay lớn với những ưu đãi về giá vé, cân nặng hành lý, hay những dịch vụ riêng như lối đi làm thủ tục rút ngắn. Thái Lan cũng tổ chức các chiến dịch như “MICE Thailand Signature” với 262 cửa hàng dành mức chiết khấu tới 30% cho du khách MICE. Rõ ràng, người Thái đã tích hợp nhiều ngành nghề, nhiều doanh nghiệp, nhiều hạng mục kinh doanh trong ngành công nghiệp MICE.

ĐỊNH HÌNH SẢN PHẨM DU LỊCH MỚI

Tại Việt Nam, MICE được đại diện nhiều doanh nghiệp khẳng định là lĩnh vực phục hồi tốt nhất, chiếm khoảng 60 - 70% lượng khách hiện tại. Bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc Tiếp thị Truyền thông Lữ hành Saigontourist, cho biết MICE chiếm tới hơn một nửa lượng khách nội địa của công ty trong dịp hè năm 2022.

Trong khi đó, ông Phạm Văn Bảy, Phó giám đốc Vietravel Hà Nội, cho biết chi nhánh Hà Nội và TP.HCM của công ty đón hơn 1.430 đoàn MICE trong dịp hè năm 2022, tăng trưởng mạnh so với năm 2019.

 
Theo dự báo của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), đến năm 2025, doanh thu từ du lịch MICE có thể đạt trên 1.400 tỷ USD, trong đó hai khu vực góp phần lớn nhất là châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương.

Không chỉ thu hút lượng lớn khách nội địa, du lịch MICE ở Việt Nam còn hấp dẫn cả với thị trường khách nước ngoài. Trung tuần tháng 7 vừa qua, TP.HCM đã đón đoàn khách 460 người đến từ Ấn Độ - một trong những đoàn MICE quốc tế quy mô nhất từ trước đến nay tới Việt Nam.

Đà Nẵng cũng là địa phương đi đầu trong việc thu hút khách MICE với 6 nhóm chính sách ưu đãi về đón tiếp chào mừng, quà lưu niệm, truyền thông, miễn vé tham quan, tư vấn hỗ trợ tổ chức sự kiện và ưu đãi dịch vụ… Không muốn bỏ lỡ cơ hội, dự thảo Đề án Năm Du lịch Quốc gia 2023 tại Bình Thuận với chủ đề “Bình Thuận - Hội tụ xanh” cũng kỳ vọng đưa Phan Thiết trở thành điểm đến du lịch MICE và Wellness hàng đầu thế giới vào năm 2045.

Ngày 8/9 vừa qua, trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế TP.HCM (ITE HCMC 2022), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND TP.HCM tổ chức Diễn đàn Du lịch cấp cao “Giải pháp phục hồi và phát triển du lịch quốc tế bền vững”. Tại diễn đàn, chia sẻ về du lịch MICE, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các điểm đến trên toàn cầu, đòi hỏi Việt Nam cần có những chiến lược, sản phẩm độc đáo riêng phù hợp với xu hướng du lịch mới hậu Covid-19. Trong đó, thu hút đầu tư, phát triển du lịch MICE, tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn là một trong những định hướng quan trọng của du lịch Việt Nam đến năm 2025.

Không chỉ thu hút lượng lớn khách nội địa, du lịch MICE còn hấp dẫn cả với thị trường khách nước ngoài.
Không chỉ thu hút lượng lớn khách nội địa, du lịch MICE còn hấp dẫn cả với thị trường khách nước ngoài.

Trong khi đó, ở góc độ doanh nghiệp, khẳng định hậu Covid-19 là thời của du lịch MICE, song đại diện các công ty lữ hành cho biết, việc khai thác và phát triển dòng sản phẩm này tại Việt Nam đang đối mặt với không ít thách thức.

CEO Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan nhận định: “Việt Nam hiện có nhiều khách sạn 5 sao, song số phòng, công suất phòng họp còn ít; không nhiều trung tâm hội nghị, triển lãm đáp ứng được yêu cầu tổ chức sự kiện cho các đoàn khách lớn, quy mô vài ngàn người. Nguồn nhân lực phục vụ du lịch MICE còn hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng. Công tác quảng bá loại hình du lịch này ra thị trường quốc tế còn yếu, nhỏ lẻ…”

Chia sẻ ý kiến trên, ông Nguyễn Đức Anh, Chủ tịch Câu lạc bộ MICE Việt Nam, cho biết các khách hàng lớn đã chủ động liên hệ lại và gửi sẵn những kế hoạch tổ chức đã được lên chi tiết. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là thiếu nhân sự, dù các công ty liên tục tuyển dụng mới.

Bên cạnh đó, việc thiếu nguồn vốn lưu động cũng khiến các doanh nghiệp chuyên dòng MICE “đau đầu” vì các cơ sở lưu trú, nhà hàng, vận chuyển đều yêu cầu bảo lãnh tạm ứng nguồn tiền. Chưa hết, trong mùa cao điểm, khi các đơn vị cung ứng dịch vụ chưa mở lại hoàn toàn, thì dù có khách, có nguồn tiền, song vẫn không thể đáp ứng được dịch vụ.

Bởi thế, Chủ tịch Câu lạc bộ MICE Việt Nam cho rằng muốn du lịch MICE thực sự trở thành “đặc sản” của du lịch Việt Nam, các địa phương, từng doanh nghiệp, từng điểm đến cần tiếp tục đầu tư hạ tầng xứng tầm, triển khai các giải pháp đồng bộ, có sự phối hợp hiệu quả của các ngành, dịch vụ liên quan.

Đặc biệt, các doanh nghiệp du lịch đang cân nhắc thành lập một hiệp hội về kinh doanh du lịch MICE. Đã đến lúc, các doanh nghiệp cần liên kết với nhau, với chính quyền địa phương chặt chẽ hơn để phát huy thế mạnh từ công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, đến phục vụ lượng khách lớn thông qua MICE.